"Món quà” chia tay của ông Trump dành cho Tổng thống Biden: Đúng người, đúng thời điểm

24/01/2021 10:41 AM | Xã hội

Những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn của ông Trump ở Nhà Trắng có thể là cơ hội lịch sử để Tổng thống Joe Biden mở rộng nền tảng cử tri và lôi kéo dự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

“Món quà” của Trump

Những cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy khoảng 3/4 hoặc hơn số đó các cử tri đảng Cộng hòa tán thành với những cáo buộc chưa có bằng chứng của ông Trump rằng ông Biden đã đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020, một con số mà các chuyên gia cho là đáng báo động. Tuy nhiên, điều đó cũng tức là có khoảng 1/5 - 1/4 những người ủng hộ đảng Cộng hòa bác bỏ quan điểm này. Họ cho rằng những nỗ lực đảo chiều bầu cử vừa qua chính là nguồn cơn châm ngòi cho cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội hôm 6/1.

Những người lo lắng về các hành động của đảng Cộng hòa, cũng như về vai trò tương lai của ông Trump trong đảng có thể tạo nên cơ hội để ông Biden lôi kéo các cử tri đảng Cộng hòa về phía mình, những người có khả năng "thoát ly" hoàn toàn khỏi đảng do bất đồng với sự lãnh đạo của ông Trump. Trên thực tế, nếu Tổng thống Biden có thể dần dần thu hút một số lượng đáng kể các cử tri đảng Cộng hòa bất mãn với cuộc bạo loạn vừa qua, việc này sẽ tạo nên một "cơn địa chấn" về cán cân quyền lực trong chính trường Mỹ.

"Có một số lượng nhất định các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách "chia tay" với ông Trump. Họ không cần biết thực hiện việc này như thế nào nhưng sự kiện hôm 6/1 đã khiến họ phải cân nhắc", John Anzalone, trưởng nhóm tiến hành các cuộc khảo sát trong chiến dịch của ông Biden nhận định.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, ông Biden đã khẳng định rằng ông sẽ là "tổng thống của tất cả người dân Mỹ", đồng thời "đấu tranh không ngừng nghỉ cho cả những người không ủng hộ tôi lẫn những người ủng hộ tôi". Trọng tâm bài phát biểu của ông Biden là cam kết sẽ đoàn kết nước Mỹ và đưa ra một lời kêu gọi dứt khoát với những người còn hoài nghi ông.

Ngoài sự hậu thuẫn vốn có từ đảng Dân chủ, những rạn nứt ngày càng lớn của liên minh đảng Cộng hòa có thể giúp ông Biden nhận được sự ủng hộ lớn hơn đối với các chương trình lập pháp, đặc biệt là tại Thượng viện. Mong muốn của phần lớn đảng Cộng hòa nhằm tự tách mình khỏi những thành phần cực đoan bạo lực có thể khiến cho các thành viên trong đảng này quan tâm hơn đến việc tìm kiếm những khía cạnh có thể hợp tác với ông Biden, các nhà phân tích từ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhận định với The Atlantic. Nếu các cử tri đảng Cộng hòa bất đồng với ông Trump thể hiện sự tán thành với ông Biden ở một mức độ nào đó, điều này có thể khiến các nghị sĩ đảng Cộng hòa thoải mái hơn trong việc bỏ phiếu cho ông Biden trong một số vấn đề.

Biden trăn trở với nỗ lực đoàn kết lưỡng đảng

Cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội cùng mối đe dọa của đại dịch Covid-19 cũng có thể tạo ra những sức ép buộc một số thành viên đảng Cộng hòa phải tìm cách hợp tác với ông Biden.

Gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà ông Biden thông báo hồi tuần trước sẽ là phép thử quan trọng cho chiến lược của mỗi đảng trong môi trường chính trị đầy biến động như hiện nay. Nhà Trắng của ông Biden muốn thông qua gói cứu trợ này theo một quy trình thông thường thay vì sử dụng tới một thủ tục lập pháp đặc biệt, còn được gọi là quy trình hòa giải (reconciliation process), cho phép các dự luật thuế và ngân sách được thông qua với đa số phiếu thường (simple-majority), tức là hơn 1 nửa tổng số phiếu, một quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên cho hay.

Hiện nay, ông Biden có những lý do thực tế để bỏ qua quy trình hòa giải này bởi nó sẽ mất thời gian hơn quy trình thông thường (trong khi ông Biden muốn đẩy nhanh việc hỗ trợ kinh tế cho người dân và việc phân phối vaccine), hoặc Tổng thống muốn để dành quy trình này cho gói khôi phục kinh tế lớn hơn dự kiến tiết lộ vào tháng tới.

Ngoài ra, hơn hết, bằng cách để dự luật ngân sách trên được thông qua theo cách thông thường, ông Biden đang đưa ra một tuyên ngôn chính trị về mục tiêu đoàn kết lưỡng đảng của mình.

Nếu Nhà Trắng và đảng Dân chủ không sử dụng tới quy trình hòa giải trên, họ sẽ cần 60 phiếu để phá vỡ khả năng Thượng viện có thể cản trở dự luật được thông qua. Điều đó tức là ông Biden sẽ cần sự ủng hộ từ ít nhất 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, thậm chí cả khi ông hoàn toàn có thể thông qua dự luật này chỉ bằng số phiếu của đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Giành được số phiếu của các thành viên đảng Cộng hòa này sẽ không phải việc dễ dàng, nhất là khi không có nhượng bộ lớn nào được đưa ra. Khi ông Obama nhậm chức năm 2009, giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, kế hoạch khôi phục kinh tế của ông giành được vừa đủ 3 phiếu của đảng Cộng hòa để ngăn chặn bất kỳ sự cản trở nào. Ông Biden, với vai trò là Phó Tổng thống vào thời điểm đó, đã hỗ trợ đàm phán về gói cứu trợ trên với các thành viên đảng Cộng hòa, những người đã yêu cầu chính quyền ông Obama phải cắt giảm khoảng 100 tỷ USD trong ngân sách đề xuất và thúc đẩy việc cắt giảm thuế. Tới nay, một số thành viên đảng Dân chủ tin rằng những quyết định trên đã làm chậm sự khôi phục nền kinh tế trong 2 năm đầu của ông Obama và khiến đảng Cộng hòa giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010.

Mức độ ông Biden chấp nhận nhượng bộ về gói cứu trợ trên sẽ là minh chứng cho hướng tiếp cận của chính quyền của ông với Quốc hội. Và chiều ngược lại cũng vậy: Phản ứng của đảng Cộng hòa với gói cứu trợ trên sẽ cho thấy có bao nhiêu nghị sĩ cảm thấy sẵn sàng đối đầu với ông Biden ngay từ đầu và có bao nhiêu người cảm thấy sức ép cần hợp tác với ông.

Vận may của Biden: Đúng người, đúng thời điểm

William Hoagland, một cựu giám đốc nhân sự đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Ngân sách Thượng viện đã dự đoán rằng ông Biden có thể thuyết phục được 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để thông qua gói cứu trợ trên. Mặc dù ông Hoagland nói rằng ông Biden có thể sẽ cần thu hẹp kế hoạch này, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, chẳng hạn như bỏ bớt đề xuất tăng lương tối thiểu, thì ông tin là các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ cảm thấy sức ép cần hành động.

"Trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt, tôi cho là sẽ có đủ các thành viên đảng Cộng hòa cân nhắc đến việc này và thực sự có những người muốn thể hiện dưới một hình thức nào đó rằng, sau sự ra đi của ông Trump, hai bên có thể hợp tác với nhau".

Trước khi cuộc bạo loạn hôm 6/1 diễn ra, đảng Cộng hòa vẫn cho rằng họ sẽ gắn chặt với tên tuổi của Tổng thống Trump cũng như nền tảng cử tri của ông. Tuy nhiên, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Trump nhằm đảo chiều bầu cử, cũng như cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội vừa qua đã làm sụp đổ những toán tính này và làm suy yếu vị thế của ông Trump trong đảng.

Một số cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc được tiến hành sau khi cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội xảy ra cho thấy, Tổng thống Trump dù vẫn nổi tiếng trong nền tảng cử tri của đảng Cộng hòa nhưng ông đã mất đi một số lượng cử tri nhất định. Chẳng hạn, trong một cuộc khảo sát mới đây của CNN, gần 1/5 cử tri đảng Cộng hòa nói rằng họ không tán thành với Tổng thống Trump - một tỷ lệ cao hơn hẳn so với những con số này trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ngoài ra, khoảng 1/4 cử tri đảng Cộng hòa chia sẻ rằng họ coi ông Biden là người chiến thắng hợp pháp.

Các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy ảnh hưởng của Tổng thống Trump trong đảng đã phần nào suy giảm. Khoảng 1/4 thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump trong một cuộc khảo sát hồi tháng 8/2020 đã quay sang phản đối ông hiện nay. Cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew và ABC/The Washington Post tiến hành sau cuộc bạo loạn hôm 6/1 cũng cho thấy lần lượt 40% và 35% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng đảng này nên tìm kiếm một hướng đi khác nhằm làm giảm ảnh hưởng của ông Trump trong đảng.

Trong khi đó, tỷ lệ cử tri đảng Cộng hòa cởi mở với việc ông Biden là Tổng thống mặc dù nhỏ hơn nhưng cũng khá đáng kể. Một cuộc thăm dò dư luận của CNN cho thấy cứ 5 cử tri đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về ủng hộ đảng Cộng hòa thì có 1 người cho rằng ông Biden tương đối thành công trên cương vị là một tổng thống. Đặc biệt, có tới 60% cử tri nói chung dành những câu trả lời tích cực cho ông Biden trong mỗi câu hỏi.

Những con số trên đã nhấn mạnh tới tiềm năng có thể mở rộng nền tảng cử tri của ông Biden. Trong thời gian trở lại đây, bởi các đảng phái ở Mỹ ngày càng chia rẽ hơn nên các tổng thống hiếm khi nhận được tỷ lệ ủng hộ 55%.

Ở lưỡng đảng Mỹ, nhiều người vẫn nghi ngờ việc ông Biden có thể duy trì sự ủng hộ rộng khắp như hiện nay về dài hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ trên mức 50% của ông Biden có thể khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa thoải mái trong việc tán thành với ông về một số vấn đề, cũng như cải thiện những hạn chế của đảng Dân chủ nhằm tránh những thất bại to lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Ông Biden, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm đã xuất hiện vào đúng thời điểm đảng Cộng hòa đối mặt với lựa chọn giữa một bên theo lập trường của ông Trump và một bên có quan điểm truyền thống hơn. Đây dường như là cơ hội lớn của ông Biden để từ sự chia rẽ này thiết lập một sự đoàn kết rộng khắp hơn như mục tiêu mà ông hướng tới, cũng như tạo nên những thay đổi lớn lao với chính trường Mỹ trong tương lai./.

Kiều Anh

Từ khóa:  trump , biden
Cùng chuyên mục
XEM