"Mọi người hiểu nhầm việc Amazon vào Việt Nam"

14/03/2018 14:34 PM | Kinh doanh

Thực tế, Amazon chỉ thông qua Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon bằng cách cung cấp các công cụ, kiến thức và chuyên gia trong ngành.

Trả lời phỏng vấn bên lề Chương trình Toàn cảnh Thương mại Điện tử Việt Nam ông Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Amazon không về Việt Nam như mọi người vẫn nghĩ. Thực tế, Amazon chỉ thông qua Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon bằng cách cung cấp các công cụ, kiến thức và chuyên gia trong ngành.

"Bản thân Hiệp hội cũng đã khẩn trương đính chính thông tin này để mọi người không bị hiểu nhầm", ông Dũng cho hay.

Hiện nay nhiều trang web mua hàng trên Amazon về bán tại Việt Nam nhưng rất ít doanh nghiệp bán hàng trên Amazon trong khi Trung Quốc có rất nhiều. "Một số cá nhân, doanh nghiệp chủ động đăng ký bán hàng trên Amazon nhưng lại vướng mắc nhiều về vấn đề thủ tục mà không biết giải quyết thế nào", ông Dũng cho hay.

Vì vậy, trong chiến lược lần này, Amazon mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon.

Ông Dũng cũng cho hay Hiệp hội sẽ mở lớp đào tạo các doanh nghiệp vào tháng 4 tới.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu đánh giá cao hỗ trợ của Amazon đối với doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp trông chờ vào tiềm năng mà Amazon mang lại để đem hàng hóa Việt thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Ông Gijae Seong, đại diện của Amazon cho biết hiện tại Amazon có 13 thị trường bán lẻ trong đó có 3 thị trường ở châu Á. Số lượng khách hàng của Amazon là 300 triệu đến từ 180 quốc gia, người bán đến từ 172 nước trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Amazon cung cấp dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA) (Tạm dịch: hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon) cho doanh nghiệp.

Khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Người bán hàng chỉ cần gửi hàng sang kho cho Amazon và công ty sẽ thực hiện các công đoạn còn lại. Dịch vụ kho bãi đơn hàng này hỗ trợ khách hàng đổi trả cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời FBA cho phép phát triển doanh nghiệp trực tuyến qua mạng lưới đồng thời hoàn thiện đơn hàng giúp người bán tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Amazon hiện đang xây dựng đội ngũ nhân viên khu vực Đông Nam Á để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu và nhà sản xuất, giúp họ tiếp cận trực tiếp các trang thương mại điện tử.

Thị trường bán lẻ đang dần chuyển sang hình thức thương mại điện tử với doanh thu toàn cầu năm 2016 đạt hơn 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng hơn 100% trong 4 năm tới.

"Đây là thay đổi lớn khi mức tăng trưởng của ngành hiện nay mới chỉ dừng ở mức 26%" ông Gijae Seong nhận định.

Theo Đức Quỳnh

Từ khóa:  amazon
Cùng chuyên mục
XEM