Mỗi ngày ghi nhận vài chục ca Covid-19 mới có đáng lo không: Chuyên gia lý giải

14/02/2021 13:30 PM | Xã hội

Liên tiếp ghi nhận hàng chục ca mắc Covid-19 mỗi ngày, chỉ riêng ngày Mùng 2 Tết đã có tới 53 ca mắc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số ca mắc nhiều nhưng không đáng lo ngại vì đa số đã được cách ly.

Mỗi ngày ghi nhận vài chục ca Covid-19 mới có đáng lo không: Chuyên gia lý giải - Ảnh 1.

Ngày 13/2 tức Mùng 2 Tết, Việt Nam ghi nhận thêm 53 ca nhiễm Covid-19 , các bệnh nhân được ghi nhận tại TP.HCM (2), Hải Dương (47). Đa số bệnh nhân được cách ly tập trung trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đến ngày 13/2, có 6 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Hải Phòng (16 ngày), Hòa Bình (13 ngày), Điện Biên (9 ngày), Hà Giang (9 ngày), Bình Dương (8 ngày) và Hưng Yên (5 ngày).

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, số ca mắc tăng cao thậm chí 100 ca mỗi ngày nhưng đều tập trung ở các khu cách ly tập trung như hiện tại thì không đáng lo ngại bằng 1 ca ở cộng đồng không rõ nguồn lây.

Tại TP.HCM, bác sĩ Khanh cho biết, chúng ta không tìm ra ca bệnh đầu tiên có nguồn lây từ sân bay hay từ cộng đồng vào khu bốc dỡ hàng sân bay nhưng thực tế chúng ta đã khoanh vùng, truy vết và đang đẩy mạnh xét nghiệm những khu vực trọng yếu dễ lây lan là điều có thể giúp "bắt" dịch tốt nhất.

BS Khanh khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng khi số ca mắc cao vì chúng ta đã làm chủ được vùng dịch, bệnh nhân cách ly không có khả năng lây cho cộng đồng. Xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, với số lượng lớn nhất có thể, sẽ hạn chế bỏ sót các ca nhiễm, từ đó người nhiễm bệnh sẽ có ý thức đề phòng, tránh làm lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, các ca bệnh gần đây cơ bản là đã phát hiện được nguồn lây nhiễm (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1), (F2) để tiến hành cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Song PGS Phu cũng nhấn mạnh, chúng ta vẫn cần tiếp tục tiến hành truy vết để phát hiện các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nếu còn, xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ nhằm tìm ra những trường hợp có thể bị lây bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, PGS Phu cho rằng không thể chủ quan vì có thể có những ổ dịch khác xâm nhập từ nước ngoài vào trước đó mà không biết. Những đốm lửa này có khả năng lây lan vì người nhiễm Covid-19 có những trường hợp không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Người nhiễm không đến cơ sở y tế để xét nghiệm nên chúng ta không phát hiện được.

PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đối với các ca bệnh ở TP.HCM (36 ca) sau quá trình rà soát, giải trình tự gen toàn bộ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam, các bệnh nhân đều thuộc chủng A.23.1, đã xuất hiện ở 14 quốc gia (theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm GISAID).

PGS Lân cho biết về mặt lý thuyết, chủng A.23.1 có khả năng lây lan nhanh; tuy nhiên qua đánh giá thực tiễn, chưa có báo cáo hoặc bằng chứng chủng virus này lây lan nhanh hơn.

Trong tình hình dịp Tết Nguyên đán, PGS Phu khuyến cáo, người vẫn cần tuân thủ phòng dịch, dù địa phương chưa có ca mắc vẫn không được chủ quan, bỏ qua các khuyến cáo phòng chống dịch. PGS Phu cho rằng tốt nhất vẫn nên hạn chế đi lại để đảm bảo tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Cùng quan điểm, bác sĩ Khanh cho rằng các ca bệnh mới đều là ca được khoanh vùng, cách ly nhưng không phải vì thế mà chủ quan. BS Khanh khuyến cáo vẫn tập trung phòng bệnh cá nhân.

NGỌC ANH

Cùng chuyên mục
XEM