Môi giới chứng khoán: Con đường học làm người

06/08/2016 20:56 PM | Kinh doanh

Và việc tìm ra điểm cân bằng để dung hòa lợi ích của cả hai bên là việc rất quan trọng của người môi giới. Bởi nếu nhà đầu tư chỉ chăm chăm vào lợi ích của họ, môi giới có thể nói là “cạp đất mà ăn”, ngược lại, nếu môi giời chỉ chăm chăm vào lợi ích bản thân, họ có thể đẩy nhà đầu tư vào chỗ phá sản hay thất thoát một lượng lớn tài sản.

Những ngày mới vào

Cách đây gần bốn năm, tôi còn nhớ rõ cái ngày đó, không chỉ bởi vì đó là ngày đầu tiên tôi bước chân vào thị trường chứng khoán mà còn bởi vì đó là ngày xảy ra vụ bầu Kiên làm rung động toàn thị trường. Đấy, thị trường chứng khoán đã chào đón tôi bằng một sự kiện “tầm cỡ” như vậy đấy.

Tôi, một thằng sinh viên mới ra trường với tấm bằng kỹ sư, đã từ bỏ hoàn toàn con đường được gia đình vạch ra từ trước khi vào đại học ở trong một cơ quan nhà nước, việc nhẹ lương cao và ổn định để dấn thân vào thị trường chứng khoán.

Và thứ đã dẫn lối cho tôi vào công việc này đó chính là một cuốn sách viết về nhà đầu tư vĩ đại nhất cho đến thời điểm hiện tại. Đó chính là cuốn tiểu sử Hòn Tuyết Lăn, viết về cuộc đời của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet. Thế là tôi nhắm mắt đưa chân, ứng tuyển vào vị trí môi giới của một công ty chứng khoán với suy nghĩ “kệ, làm môi giới thì mình cũng tự đầu tư được mà”. Và thế là tôi trở thành một nhân viên môi giới chứng khoán từ đó.

Công việc đầu tiên của tôi lúc đó cũng như bao người khác đó là telesales hay còn gọi là “tập nghe chửi” ấy. Ôi, thật là khủng khiếp! gọi cả trăm cuộc điện thoại nhưng số trả lời nghiêm túc chắc đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa phần họ chỉ nghe đến công ty chứng khoán XYZ là đã cúp máy cái rụp cứ như họ nghĩ rằng tôi đang đi đòi nợ họ hay sao ấy. Mà cúp máy thôi còn đỡ, có nhiều người còn chửi tẳng vào điện thoại bằng những câu rất khó nghe nữa kìa. Tình trạng đó nào phải kéo dài một hay hai ngày là xong đâu, nó kéo dài đến … tận bây giờ kìa.

Nản!

Ngày lại ngày…

Cho đến tận bây giờ, tôi chợt nghĩ rằng không biết là cái danh sách đó đã qua bao nhiêu lần đò rồi trước khi đến tay tôi ấy, bởi có những khách chỉ cần bắt máy là hỏi “chúng mày lại bán bảo hiểm hay bán nhà thế?” Nhưng ngẫm lại mới thấy quãng thời gian đó là rất đáng quý, bởi nếu không có nó thì sao tôi có thể chịu được những sóng gió lớn hơn sau này chứ. Quãng thời gian tập nghe chửi đó đã giúp tôi biết cách “bôi kem chống nhục” lên mặt và tiếp tục làm, tiếp tục “nghe chửi”. Chai mặt rồi mà!

Những người khách hàng đầu tiên của tôi không phải là những người tôi từng gọi điện mà là những người gần tôi nhất: bố mẹ tôi, bạn bè tôi. Lúc đó, những lúc đi chơi với tụi bạn hay hội họp gì, tôi cũng toàn rỉ tai tụi nó về thị trường chứng khoán, về đầu tư, về cổ phiếu này, doanh nghiệp kia… dần dần tụi nó cũng bị “lây” luôn. Từ chỗ tò mò, muốn tìm hiểu rồi sau nhờ tôi mở tài khoản chơi thử, mặc dù không nhiều nhưng đối với một môi giới mới vào nghề như tôi thì nó khiến tôi vui như địa chủ được mùa rồi, đâu có mấy khi được lên mặt làm thầy tụi nó đâu mà. Quan trọng hơn cả là những tài khoản be bé đó đã cho tôi có thêm sự tự tin để tiếp tục với con đường mình chọn, đó là cái đáng quý. Đấy, niềm vui và động lực đâu cần phải có gì đó cao xa đâu, chỉ đơn giản và nhỏ bé như vậy thôi.

Ngày đó, tôi hầu như chả có gì để có thể so với một môi giới kỳ cựu cả, tất cả những gì tôi có chỉ là sự CHÂN THÀNH và NHIỆT TÌNH với tất cả mọi người dù họ có ý định đầu tư hay không. Chính cái đó đã giúp tôi có được những khách hàng đầu tiên và thêm nhiều khách hàng nữa sau này. Như những đứa bạn lúc đầu tôi mở tài khoản cho tụi nó chơi thử, sau này tụi nó còn giới thiệu bố mẹ tụi nó cho tôi khi họ muốn đầu tư nữa. Rồi những khách hàng ban đầu chi đầu tư vài chục hay một trăm triệu nhưng sau này họ tăng lên thành hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ chỉ vì họ thấy tôi nhiệt tình và chân thành với họ.

Bạn bè tôi ở các công ty chứng khoán khác cũng không thiếu những câu chuyện như vậy. Như luật nhân quả trong đạo Phật, bạn cho đi cái gì, bạn sẽ nhận về cái đó. Bạn cho đi sự CHÂN THÀNH bạn nhận lại được những người bạn hữu, bạn cho đi sự NHIỆT TÌNH, bạn nhận lại được những khách hàng thân thiết. Và nếu bạn cho đi cả sự CHÂN THÀNH và NHIỆT TÌNH, bạn nhận lại được những người khách hàng thân thiết là bạn bè

Sai lầm và những bài học

Trong quan điểm của tôi, sau một thời gian lăn lộn với nghề thì môi giới chứng khoán là một nghề có cái sự mâu thuẫn khá lớn ở đây. Mâu thuẫn ở đây là lợi ích của nhà đầu tư chưa chắc là lợi ích của người môi giới và ngược lại. Vì sao? Vì lợi nhuận của nhà đầu tư đến từ việc họ có lời trong việc mua và bán cổ phiếu còn “lợi nhuận” của người môi giới chả liên quan gì đến việc nhà đầu tư có lời hay không cả, nó đến từ việc họ mua bán nhiều hay không mà thôi.

Và việc tìm ra điểm cân bằng để dung hòa lợi ích của cả hai bên là việc rất quan trọng của người môi giới. Bởi nếu nhà đầu tư chỉ chăm chăm vào lợi ích của họ, môi giới có thể nói là “cạp đất mà ăn”, ngược lại, nếu môi giời chỉ chăm chăm vào lợi ích bản thân, họ có thể đẩy nhà đầu tư vào chỗ phá sản hay thất thoát một lượng lớn tài sản.

Bản thân tôi khi đối diện với vấn đề này cũng đã chọn cho mình phương án có lợi nhât cho mình mà không hề suy nghĩ cho khách hàng hoặc có chăng là rất ít. Tôi đã tư vấn cho khách hàng mua bán nhiều hơn, nhiều hơn nữa bất chấp rủi ro họ có thể phải chịu. Nếu mất tiền, thì là họ mất chứ tôi đâu có mất. Đây là một sai lầm rất lớn của tôi lúc đó, mãi sau này tôi mới nhận ra được và cái giá phải trả cho sự tham lam không hề rẻ chút nào. Tiền bạc mất rồi có thể kiếm lại được nhưng tình cảm, lòng tin, danh dự mất rồi chả bao giờ có thể lấy lại một cách nguyên vẹn được.

Có thể hình dung một cách đơn giản về thời kỳ đó của tôi bằng một câu đơn giản “Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ”. Tất cả những gì tôi đã gầy dựng được lên bị hủy đi gần như là chỉ sau một thời gian ngắn, một thời kỳ thật là đen tối. May sao tôi có những người bạn, người anh, người sếp tuyệt vời, chính họ đã cho tôi những lời khuyên đúng đắn, sự chia sẻ đúng vào lúc mà tôi cần nhất. Tôi đã nhận ra rất nhiều điều từ những câu chuyện của họ, một trong những điều đó là như thế nào là sự giàu có bền vững?

Dân gian có câu chuyện “Cây khế” và tôi thấy mình giống hết người anh khi túi ba gang không may, lại đi may túi mười gang và kết cục thì… Tôi chỉ khác người anh trong truyện ở chỗ tôi vẫn còn cơ hội làm lại, còn cơ hội cắt bớt “bảy gang” lòng tham đi và tiếp tục sống. Ai đó đã nói, “thứ quý giá nhất là thứ không có được và thứ đã mất đi”, tôi đã từng mất đi danh dự, lòng tin, tình cảm nên tôi hiểu được giá trị to lớn của nó không chỉ trên con đường lập nghiệp mà còn cả trên con đường lập thân sau này nữa.

Quay lại với vấn đề ban đầu, làm thế nào để cân bằng được lợi ích của hai bên đây khi mà nếu chỉ chăm chăm lo cho mình thì hậu quả là mình mất còn nhiều hơn ?.

Trong truyện “Cây Khế” con chim phượng hoàng đã có nói rằng:

Ăn quả khế, trả cục vàng

May túi ba gang, mang đi mà đựng

Phải rồi, “Ăn quả khế, trả cục vàng”, muốn “NHẬN ĐƯỢC” vàng, phải biết “CHO ĐI” quả khế đã. Muốn nhận được thì phải biết cho đi cái đã. Như người em trong câu truyện, nhà của cậu ấy nghèo rớt mồng tơi, cả nhà chỉ dựa vào việc bán mấy quả khế để sống qua ngày nhưng cậu vẫn cho con chim ăn. Cuối cùng, cậu đã nhận được một cuộc sống giàu sang, sung túc.

Muốn khách hàng cho ta, ta phải cho họ trước đã. Nếu như những ngày đầu, ta chỉ có sự sự chân thành và nhiệt tình thì bây giờ, sau một thời gian lăn lộn với nghề, ta đã có thêm chút ít kiến thức và kinh nghiệm chứng trường để cho đi rồi. Cứ hết lòng với khách, khách sẽ hết tiền với mình.

Theo Đậu Tuấn Sơn

Cùng chuyên mục
XEM