Modelez Kinh Đô sắp ra mắt bánh làm từ trứng gà nhân đạo - 'ông lớn' nào ở Việt Nam đang 'đặt cược' vào loại gà đặc biệt này?
Bên cạnh gà chạy bộ, gà thả vườn hay gà ăn chuối, nuôi gà lấy trứng không lồng nhốt hay trứng gà nhân đạo cũng đang trở thành xu hướng mới trên thị trường.
Gà chạy bộ, gà thả vườn, gà ngủ cây hay gà đồi thường được người tiêu dùng chuộng hơn gà nuôi công nghiệp. Bởi quá trình nuôi thả tự nhiên tạo nên thịt ngon ngọt và săn chắc hơn, trứng thì đỏ lòng nhìn hấp dẫn hơn.
Trong đó, nuôi gà lấy trứng không sử dụng lồng nhốt, hay còn gọi trứng gà nhân đạo (cage-free) cũng đang là một xu hướng đáng chú ý.
Trong ngành chăn nuôi trứng gà thương phẩm, gà mái hầu hết bị nuôi nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp, thậm chí không thể giang cánh hoặc đi quá vài bước. Tùy theo điều kiện chăn nuôi mỗi nước và mỗi trại, chúng bị nhốt trong lồng khoảng 2 năm. Gà mái không bao giờ có cơ hội được tự do đi lại và tất nhiên không thể thực hiện bất kỳ tập tính tự nhiên vốn có của loài, chẳng hạn như tìm ổ đẻ, tắm bụi, nghỉ ngơi trên sào đậu, bới móc và kiếm ăn.
Vì vậy trên thế giới hình thành xu hướng nuôi gà lấy trứng không sử dụng lồng nhốt. Xu hướng này được sự tham gia mạnh mẽ của 4 tác nhân chính: Luật và chính sách từ Chính phủ, nhà đầu tư, chính sách thu mua của doanh nghiệp thực phẩm và người tiêu dùng/cộng đồng.
Theo thống kê của Tổ chức Humane Society International (HSI) có hơn 30 doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia đang có chính sách cam kết chỉ mua và bán trứng gà cage-free.
Năm Hưởng và Vĩnh Thành Đạt (V.Food) là 2 trong số 10 công ty sản xuất trứng gà lớn nhất tại Việt Nam đã tham gia vào xu hướng chăn nuôi này. Cả hai công ty này đều đạt chứng nhận chăn nuôi nhân đạo của Tổ chức Certified Humane (Chương trình chăn nuôi nhân đạo - Humane Farm Animal Care - HFAC).
Ðể đạt tiêu chuẩn này, người chăn nuôi cần phải chăm sóc vật nuôi theo chương trình HFAC. Trại được đánh giá độc lập bởi bên thứ 3 đảm bảo sự tuân thủ bộ chứng chỉ và theo yêu cầu của khách hàng.
Một số yêu cầu của HFAC như: Nguồn thức ăn không chứa kháng sinh, chất tăng trọng và không sử dụng phụ phẩm từ động vật. Và chuồng trại chắc chắn, khu vực ngủ nghỉ, có đủ không gian, cơ sở vật chất trong chuồng để gà mái thể hiện bản tính tự nhiên của loài…
Vĩnh Thành Đạt là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ HFAC về sản phẩm trứng gà nuôi thả. Hiện, Vĩnh Thành Đạt đang nuôi 6.000 con gà nhân đạo với sản lượng khoảng 7.000 trứng. Giá bán trên từng quả trứng bán ra cao hơn khoảng 40% giá thông thường.
Không chỉ cung cấp cho Mondelez Kinh Đô, Vĩnh Thành Đạt còn cung cấp cho nhiều đơn vị khác nhau. Công ty cũng đã lên lộ trình hướng tới xuất khẩu.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đa dạng như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ và chế biến thực phẩm. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như Công ty bánh kẹo Mondelez Kinh Đô Việt Nam. Theo cam kết toàn cầu, đến năm 2025, 100% trứng (bao gồm cả trứng tươi và bột trứng) doanh nghiệp này sử dụng phải từ mô hình cage-free.
Tương tự chuỗi khách sạn lớn như Marriott (hơn 10 khách sạn ở Việt Nam) hay chuỗi Accor (hơn 40 khách sạn) đã và đang áp dụng chính sách này.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đang bắt đầu dịch chuyển theo xu hướng này. Cửa hàng bán lẻ HealthyFarm, chuỗi khách sạn Sofitel, Fusion (Hà Nội), chuỗi nhà hàng Pizza4P’s cũng là những doanh nghiệp điển hình ở Việt Nam tiên phong đi theo xu hướng và đều đang thực hiện chính sách thu mua này.
Thị trường thịt và trứng gia cầm thế giới cũng chứng kiến những chuyển biến lớn. Từ năm 2016, chuỗi siêu thị Walmart hay chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s đã không mua trứng hay thịt từ các trang trại nuôi nhốt. Hàng loạt các tập đoàn và chuỗi khác đã tiếp bước, chỉ chọn mua các loại thịt và trứng từ những nơi không nuôi nhốt, nuôi thả (hay thả rông) hoặc chăn nuôi hữu cơ.
Tiếp thị hay giới thiệu với người tiêu dùng các phúc lợi với vật nuôi trang trại là điều tối quan trọng với các cơ sở chăn nuôi. “Chiến lược nhãn hàng và thông điệp vô cùng quan trọng để xây dựng niềm tin ở trong trí tưởng của người tiêu dùng.
Không chỉ là giáo dục họ về sự khác biệt của nuôi thả rong, nuôi không nhốt lồng, nuôi trên đồng cỏ, hữu cơ hay không có biến đổi gen, nhà sản xuất còn phải chỉ rõ sự khác biệt giữa các chứng nhận in trên bao bì và chúng tôi khác với các nhãn hàng khác trong cùng ngành hàng trứng gia cầm ra sao”, Lauren Egan, Phó chủ tịch về nhãn hàng và sáng tạo tại Egg Innovations, phân tích.