Mở rộng điều tra án liên quan Đường 'Nhuệ': Không vùng cấm!
“Sau khi phục hồi điều tra vụ đánh người tại đồn công an, điều quan trọng phải làm rõ động cơ, khuất tất trong vụ chìm xuồng này. Việc bắt tạm giam 4 đối tượng vừa qua cũng dần hé lộ những khoảng tối về mối quan hệ giữa vợ chồng Đường- Dương và những người có chức quyền trong tỉnh Thái Bình”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong xoay quanh vụ án Nguyễn Xuân Đường, tức Đường “Nhuệ”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Theo ông, vụ Đường “Nhuệ” có nên đưa vào diện giám sát đặc biệt của Trung ương, hay chuyển hồ sơ, để Bộ Công an trực tiếp điều tra cho đảm bảo khách quan?
Vụ Đường “Nhuệ” hiện do Công an tỉnh Thái Bình trực tiếp thụ lý điều tra thì nên để địa phương thực hiện, không cần chuyển lên cấp trên. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tân Giám đốc Công an Thái Bình, tôi tin vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm.
Vụ án này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cũng đã lên tiếng, nên vụ việc sẽ sớm muộn được làm sáng tỏ. Song để đảm bảo khách quan, Bộ Công an có thể tiếp sức, tăng cường lực lượng cho Công an tỉnh Thái Bình. Như vậy vừa phục vụ tốt hơn trong việc điều tra, cũng vừa để giám sát chặt chẽ, đảm bảo vụ việc được làm công tâm, khách quan.
Có việc bảo kê, bao che của cán bộ quan chức cho vợ chồng Đường- Dương hay không, cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm, thưa ông?
Đúng vậy. Trong vụ Đường “Nhuệ”, người dân và dư luận đặt vấn đề, trước đây đã xảy ra nhiều vụ việc mà Công an thành phố Thái Bình không làm. Vậy có sự “bao che, bảo kê, chống lưng” cho vợ chồng Đường- Dương hay không? Chính vì vậy, cơ quan điều tra cần phải làm đến cùng, phanh phui từng vụ việc mà trước đó “được” bỏ qua. Thậm chí phải phục hồi điều tra lại những vụ việc trước đây người dân phản ánh nhưng bị chìm xuồng.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện những tình tiết mới, vụ việc mới thì phải tiếp tục làm, mở rộng điều tra vụ án. Cần phải xem, ngoài đối tượng Đường “Nhuệ” còn liên quan đến ai nữa? Ai bảo kê, chống lưng cho Đường “Nhuệ” lộng hành trong một thời gian dài như vậy? Tất cả cần phải được điều tra, làm rõ.
Công an TP Thái Bình vừa phục hồi điều tra vụ Đường “Nhuệ” đánh người ngay tại đồn công an. Theo ông, điều gì cần phải được làm rõ trong vụ việc này?
Có rất nhiều câu hỏi liên quan cần phải được giải đáp thấu đáo trong vụ này. Vì sao thời điểm đó lại tạm đình chỉ vụ án? Vì sao Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT kiêm Phó trưởng Công an thành phố Thái Bình lại ký cả quyết định khởi tố và tạm đình chỉ điều tra? Người bị hại đi kiện suốt bao nhiêu năm qua, vì sao không được xử lý? Thậm chí, cần phải làm rõ tại sao VKSND thành phố Thái Bình lại đồng ý cho tạm đình chỉ điều tra vụ án?
Phải làm rõ Công an thành phố Thái Bình thời điểm đó có bao che, bỏ lọt tội phạm hay không? Đánh người ngay tại trụ sở công an phường là không thể chấp nhận được. Vụ việc xảy ra như thế nào? Tại sao thời điểm đó lại không làm rõ được? Trụ sở công an chứ đâu phải nơi đồng không mông quạnh. Nếu không xử lý hình sự, ít nhất cũng phải xử lý vi phạm hành chính, tội gây rối trật tự nơi công cộng. Nhưng đằng này lại êm ru, không vấn đề gì hết ?!
Ông thấy sao khi ở một số tỉnh, gần đây nhất là Thái Bình, Đồng Nai lại phanh phui ra nhiều vụ án lớn chỉ sau khi những địa phương này có tân giám đốc công an được điều động, luân chuyển về?
Trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong lực lượng công an, quân đội, tôi rất tâm đắc và ủng hộ việc điều động, luân chuyển người đứng đầu không phải người địa phương về làm lãnh đạo. Lẽ thường, việc bao che, chống lưng cho người địa phương trong tỉnh rất dễ xảy ra. Thấy rõ nhất là sự việc của Đồng Nai và hiện nay là Thái Bình.
Trong một số ngành nhạy cảm, trong đó có ngành công an, người đứng đầu không phải người địa phương sẽ rất phù hợp. Bởi như vậy, người ta sẽ khách quan, công tâm, vô tư hơn trong xử lý vụ việc. Điều này cũng hạn chế tối đa tình trạng lợi ích nhóm, sân sau. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang đề cao việc phòng chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí, việc bố trí cán bộ không phải người địa phương càng cần thiết hơn.
Cảm ơn ông!
Việc bắt tạm giam 4 cán bộ của Thái Bình bước đầu hé mở mối quan hệ giữa vợ chồng Đường- Dương và những người có chức quyền trong tỉnh. Những khoảng tối trong vụ Đường "Nhuệ" đã bắt đầu lộ sáng. Những đối tượng móc ngoặc, dính líu đến những hoạt động làm ăn phi pháp của vợ chồng này sẽ dần được sáng tỏ.
Nếu không có thế lực chống lưng, làm sao Đường "Nhuệ" có thể ngông cuồng, coi mình như "ông trời con" như vậy được. Ngoài những vụ việc trên, cơ quan công an cần phải làm rõ từng vụ việc mà người dân đã phản ánh, tố cáo. Đặc biệt những vụ việc liên quan đến cán bộ, quan chức càng phải làm, không vùng cấm, bất kể người đó là ai, và phải làm đến nơi đến chốn chứ không thể nửa vời.