Mở quán cho 1 nhóm cộng đồng kiểu cà phê công nghệ, cà phê sách...: Dễ thế nào, khó ra sao?
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến những quán cà phê công nghệ, là nơi mà các bạn đam mê công nghệ hay lui tới hoặc cà phê sách dành cho các bạn yêu sách. Đây là những quán đặc trưng cho mô hình kinh doanh cà phê cộng đồng.
Đó là một sân chơi dành cho một nhóm có cùng sở thích, đam mê. Nhắm đến một cộng đồng khách hàng nhỏ hơn nhưng rõ ràng.
Nếu các bạn mới bắt đầu kinh doanh cà phê thì bạn nên xem về tháp nhu cầu của Maslow . Đây là tháp nói về nhu cầu của con người mà từ đó bạn có thể tìm được khách hàng mục tiêu của mình cũng như nhu cầu của họ. Thì theo Maslow thì nhóm khách hàng mà những quán cà phê cộng đồng này nhắm đến thuộc vào nhóm thứ ba trong tháp.
Họ có đam mê, sở thích và muốn được tham gia vào một nhóm hoặc cộng đồng nơi mà họ có thể học hỏi, thể hiện khả năng kiến thức của mình. Với việc đã xác định nhóm khách hàng như vậy, bạn có thể lên những kế hoạch phát triển, marketing phù hợp để nhắm vào nhóm đối tượng này.
Lấy ví dụ là cà phê Tinh tế, một quán cà phê dành cho cộng đồng yêu công nghệ. Ngoài việc quán bán cà phê thì quán còn tổ chức những buổi nói chuyện, học kỹ năng dành cho các bạn yêu thích công nghệ. Và quán đã tạo được một hiệu ứng truyền thông rất tốt.
Khi mà quán cà phê ngày càng nhiều thì những ý tưởng quán cà phê cộng đồng lại thể hiện ưu điểm của nó khi người chủ không phải quá đau đầu nghĩ về khách hàng mục tiêu của mình. Khi này quán sẽ là nơi mà chủ quán và những người có cùng sở thích như vậy tụ họp học tập và trao đổi. Khi cộng đồng bạn đủ lớn thì bạn có thể bán các sản phẩm liên quan đến cộng đồng nhằm tăng doanh thu.
Đối với việc kinh doanh cà phê cộng đồng thì điều khiến khách hàng thích nhất là họ cảm thấy mình là một phần của cồng đông và học được nhiều điều từ chính cộng đồng đó. Và khi khách hàng là một phần của cộng đồng thì chính khách hàng sẽ là một kênh marketing hoàn hảo cho quán.
Nhiệm vụ của chủ quán bây giờ là một nơi trung chuyển kiến thức, tham gia tổ chức và phát triển cộng đồng. Bạn phải tạo một sân chơi mà ở đó mọi người đều được chào đón. Việc bán cà phê là việc bán thêm nhưng lại là công việc chính đem lại doanh thu cho quán.
Tuy nhiên nhược điểm dễ nhận thấy của mô hình này là bạn khó hướng đến một nhóm khách hàng khác, mà chỉ có thể khai thác một nhóm khách hàng nhất định. Bởi một khách hàng vào quán của bạn sẽ dễ cảm thấy lạc lõng giữa một không gian văn hoá khác.
Một điểm nữa là bạn phải liên tục xây dựng và củng cố cộng đồng. Việc bỏ bê hay giảm sự quan tâm đến cộng đồng dễ làm khách hàng mục tiêu của bạn không còn muốn tham gia vào cộng đồng của bạn nữa mà chuyển sang một cộng đồng hoạt động tốt hơn.
Kinh doanh theo mô hình cà phê cộng đồng là hướng đi tốt mà rất nhiều bạn đang hướng đến. Các bạn vừa thỏa mãn sở thích đam mê cá nhân vừa có thể tạo nên một sân chơi nơi mà bạn có thể học hỏi.