Mỏ Núi Pháo suýt chút nữa thuộc về người Trung Quốc

22/04/2016 16:19 PM | Kinh doanh

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, người gắn bó với mỏ Núi Pháo 20 năm qua, chỉ chậm một chút thôi thì mỏ Núi Pháo không phải thuộc về Masan mà thuộc về công ty Trung Quốc.

Sáng ngày 22/4, Công ty cổ phần tài nguyên Masan (Masan Resources) đã tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên. Đây là đại hội cổ đông đầu tiên của Masan Resources kể từ khi công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Resources ngay từ đầu buổi họp đã giới thiệu một nhân vật gắn bó với mỏ núi pháo suốt 20 năm qua, đó là ông Nguyễn Văn Thắng.

Theo chia sẻ của ông Thắng, mỏ Núi Pháo bắt đầu được khoan thăm dò từ năm 1996. Sau 4 năm, hoạt động khoan thăm dò được hoàn tất và đã tiêu tốn tổng cộng 11 triệu đô la Mỹ. Bù lại, chúng ta phát hiện được mỏ vonfram có trữ lượng lớn chưa từng thấy, gây bất ngờ cho cả Việt Nam và thế giới.

Các công tác khai thác được triển khai, công ty Núi Pháo được thành lập năm 2004 và được cấp giấy phép khai thác năm 2005. Lúc đó, đối tác nước ngoài Tibron Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo, Việt Nam chỉ có 30%.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến dự án gặp nhiều khó khăn, phải đổi chủ tới 2 lần. Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Dragon Capital, thế nhưng Núi Pháo dưới tay quỹ đầu tư ngoại này cũng không mấy suôn sẻ do dự án cần quá nhiều vốn đầu tư, trong khi Dragon Capital không thể thu xếp được. Dự án buộc phải tạm dừng năm 2008.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời điểm đó ông là người đã mời ông Nguyễn Đăng Quang, bấy giờ là Phó Chủ tịch Techcombank và Chủ tịch Masan tham gia vào dự án Núi Pháo, và như chúng ta đã biết, Masan đã mua lại toàn bộ 100% Núi Pháo.

Ông Thắng tiết lộ, "Chỉ chậm một chút nữa thôi thì người anh em của chúng ta là Trung Quốc đã mua được Núi Pháo. Sau khi kết thúc thương vụ này, lúc bấy giờ chưa biết dự án có thành công hay không, nhưng Chính phủ đã biểu dương vì đã giữ lại kho báu, nguồn nguyên liệu quý của Việt Nam". Ông cho biết thêm, "Trung Quốc đang sở hữu 80% thị phần vonfram cả thế giới, nếu họ mua nốt Núi Pháo thì họ sẽ thống trị về vonfram".

Tại đại hội, ông Nguyễn Văn Thắng cùng 5 ông: Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Thiều Nam, Chetan Prakash Baxi, Dominic John Heaton và Jonathan Fiorello đã được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Masan Resources.

Năm 2016, Masan Resources dự kiến doanh thu trong khoảng 4.500-5.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 220 - 660 tỷ đồng. Sở dĩ lợi nhuận được dự kiến trong biên độ rộng là vì giá vonfram biến động khó lường.

Nếu không tính Trung Quốc, Masan Resources hiện chiếm 36% thị phần vonfram thế giới và mục tiêu của công ty là 50% vào năm 2020.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM