Mở đường bay thẳng – cách "trải thảm đỏ" đón khách quốc tế đến Việt Nam?
Để đủ sức cạnh tranh với các nước láng giềng trên thị trường khách quốc tế, việc mở đường bay thẳng đến những điểm du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Nha Trang được cho là giải pháp cần thiết.
Hôm 19/10, UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với Ủy ban Hiệp hội các hãng hàng không khai thác tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu khả năng phát triển, mở đường bay đi và đến Phú Quốc. Tại đây, 20 hãng hàng không quốc tế đánh giá cao sức hấp dẫn của Phú Quốc và muốn khai thác đường bay tới điểm du lịch này.
Hồi đầu tháng, đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa cũng tới Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, trong đó có việc mở đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Ấn Độ đến Khánh Hòa, nơi tọa lạc thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang.
Những hoạt động này diễn ra trong bối cảnh mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay dường như đã xa vời. Tính đến hết tháng 9/2022, con số này mới dừng lại ở 1,87 triệu. Tổng doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019, với vai trò chủ lực của du lịch nội địa.
Tại hội thảo "Phục hồi và Phát triển Du lịch Việt Nam sau Đại dịch Covid-19" hồi đầu tháng, bà Huỳnh Nhật Uyên - Giám đốc Kinh doanh Crowne Plaza Phú Quốc Starbay chỉ ra rằng mở đường bay thẳng đến các điểm du lịch là biện pháp kích cầu hữu hiệu đối với thị trường khách quốc tế.
"Cách đây 3 tháng, khi tôi tới Singapore gặp các đối tác, mọi người đều đánh giá resort của tôi ở Phú Quốc rất đẹp. Tuy nhiên, họ nói rằng không hào hứng lắm vì không có đường bay thẳng, không triển khai được kế hoạch bán hàng. Việc phải transit tại TP. HCM hay Hà Nội khá khó khăn cho khách", bà Uyên kể lại.
Do đó, chị Uyên cho rằng các doanh nghiệp và chính quyền cần làm việc sâu hơn với các hãng hàng không để tiếp tục mở rộng, cũng như thiết lập những đường bay trực tiếp đến các điểm du lịch tại Việt Nam. Thực tế cho thấy nhu cầu này có cơ sở.
Hiện có 3 hãng hàng không của Hàn Quốc cùng Vietjet Air đang khai thác các đường bay từ Incheon và Busan đến Cam Ranh, với tần suất 25 chuyến/tuần. Theo bà Lê Thị Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, nhiều hãng đang có kế hoạch tăng số lượng chuyến bay, đường bay từ Hàn Quốc đến Khánh Hòa.
Đối với Phú Quốc, hiện có 5 đường bay quốc tế của Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc với tần suất bay 8 chuyến/ngày. Cảng hàng không tại thành phố này cũng thuộc top 5 có lượng khách đông và hiệu quả nhất trong 22 cảng hàng không của Việt Nam.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Phú Quốc có 80-90 chuyến bay, cao điểm có thể lên tới 160. Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc Nguyễn Minh Đông cho biết những năm tới, sân bay sẽ được đầu tư mở rộng thêm để đáp ứng nhu cầu đón 20-30 triệu khách vào năm 2030.
Mặc dù vậy, bà Huỳnh Nhật Uyên cho hay khi trao đổi với các hãng hàng không, họ vẫn tỏ ra lo ngại vấn đề nhu cầu của khách.
"Tình huống này như một vòng tròn. Người ta chỉ mở đường bay khi có nhu cầu của khách. Tuy nhiên, để có thể phát triển điểm du lịch và thị trường khách quốc tế lại cần đường bay. Vì vậy, các hãng hàng không cần mạo hiểm một chút để đưa được khách đến", bà nêu quan điểm.
Ngoài mở đường bay thẳng, bà Uyên cho rằng chính sách visa là một trong những đòn bẩy lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách quốc tế. So sánh với nước láng giềng Thái Lan, nơi ngành du lịch cũng là một mũi nhọn, Việt Nam miễn visa cho công dân từ ít nước hơn, thời gian lưu trú cũng ngắn hơn. Trong khi đó, việc kéo dài thời gian lưu trú có thể giúp gia tăng mức chi tiêu của du khách.
"Khi muốn du lịch tại quốc gia nào đó, du khách thường tìm hiểu cả những nước tương đồng. Ví dụ như du lịch miền Tây Việt Nam cũng tương tự chợ nổi ở Thái Lan. Vì vậy, nếu không có chính sách thông thoáng, mở cửa hơn thì sẽ mất cơ hội vào các nước láng giềng", bà Uyên cho hay.