Miliket: Vẫn phương châm "sống ổn" với tăng trưởng doanh số duy trì mức 4%, song lợi nhuận đã bắt đầu sụt giảm lần đầu từ lúc chào sàn
Mặc dù vẫn có thể gọi là ‘sống ổn’ với thương hiệu lâu năm, tình hình tài chính không áp lực đòn bẩy, không mục tiêu mở rộng, không gánh nặng đầu tư mới… Miliket có thể sẽ ngày càng bị lãng quên trong thị trường ngày càng sôi động, cạnh tranh. Bằng chứng lợi nhuận Công ty đang có dấu hiệu suy giảm lần đầu kể từ thời điểm chào sàn, mức tăng trưởng doanh thu cũng chậm lại.
CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (CMN) vừa công bố BCTC năm 2019, doanh thu vẫn tăng trưởng, ngược lại lợi nhuận suy giảm so với 2018 – đây cũng là năm đầu tiên Miliket đi lùi kể từ lúc chào sàn vào năm 2016.
Chi tiết, Miliket đạt ghi nhận 625 tỷ doanh thu, tăng nhẹ 4% so với năm 2018. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty thu về hơn 150 tỷ đồng, nhích nhẹ so với con số cùng kỳ là 146,5 tỷ; tỷ suất lợi nhuận gộp gần như đi ngang quanh mức 24%.
Công ty tiếp tục không vay nợ, chi phí quản lý tăng, lợi nhuận khác phát sinh ít hơn khiến Miliket chỉ còn lãi trước thuế hơn 31 tỷ (giảm so với năm ngoái), LNST cũng giảm về 25 tỷ. So với kế hoạch 691 tỷ doanh thu và 33 tỷ LNTT, Miliket kết thúc năm 2019 chưa hoàn thành chỉ tiêu, tỷ lệ thực hiện lần được vào mức 90% và 94%.
Về Miliket, được thành lập trước năm 1975, là thương hiệu từng được ưa thích bởi người dân Việt với thị phần những năm đầu sau giải phóng lên đến 90%. Sản phẩm vang bóng và để lại dấu ấn một thời trên thị trường là mì tôm giấy. Đến nay, Miliket mở rộng ngành hàng sang nhiều loại mỳ khác (chua cay…), hủ tiếu gói, phở gói, cháo gói, gia vị…
Tuy nhiên, những năm gần đây với sự trỗi dậy của những thương hiệu lớn, cùng sự xâm nhập của các doanh nghiệp ngoại, Miliket bị bỏ lại sau cuộc chơi truyền thông. Mặc dù bản cân đối tài chính khá an toàn, với lượng dư tiền dồi dào (luôn chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng tài sản), Miliket vẫn nói không với việc chi quảng cáo; mục tiêu kinh doanh Công ty theo đó là "ổn định các chỉ tiêu về doanh số, sản lượng".
Đến nay, không có số liệu thống kê thị phần chính xác của thương hiệu Miliket, tình hình kinh doanh giai đoạn 2010-2016 cũng liên tục sụt giảm. Năm 2016 sau khi lên sàn, tình hình kinh doanh có sự tăng trưởng nhẹ trở lại.
Các kênh phân phối Miliket gồm hệ thống đại lý, tiểu thương chợ, các siêu thị Co.op Mart, Vinmart, Lotte, Metro... Nhìn chung, sản phẩm mì Miliket được bắt gặp nhiều nhất đến nay tại các hàng quán lẩu. Công ty cũng phân phối ra nước ngoài gồm Mỹ, Nhật, Hàn, ASEAN…
Mặc dù vẫn có thể gọi là ‘sống ổn’ với thương hiệu lâu năm, tình hình tài chính không áp lực đòn bẩy, không mục tiêu mở rộng, không gánh nặng đầu tư mới… Miliket có thể sẽ ngày càng bị lãng quên trong thị trường ngày càng sôi động, cạnh tranh. Bằng chứng lợi nhuận Công ty đang có dấu hiệu suy giảm lần đầu kể từ thời điểm chào sàn, mức tăng trưởng doanh thu cũng chậm lại.
Tính đến thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản Công ty đạt 244 tỷ đồng, trong đó tiền tương đương tiền và khoản tiền gửi đầu tư ngắn hạn chiếm hơn 72% với 176 tỷ đồng. Công ty hiện không có vay ngân hàng, vốn chủ vào mức 141 tỷ - gồm 25 tỷ lợi nhuận giữ lại, quỹ đầu tư phát triển hơn 13 tỷ và vốn khác hơn 54 tỷ đồng.