Mì tôm 'quốc dân' Indomie trở thành chỉ dấu lạm phát tại Indonesia

17/06/2022 15:35 PM | Kinh doanh

Người tiêu dùng và cả chính quyền Tổng thống Joko Widodo vẫn dồn mọi sự chú ý vào Indomie - món mì được coi là chỉ dấu cho lạm phát.

Indomie
Indomie

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt, người dân Indonesia lo ngại về đà tăng giá của một loạt sản phẩm, đặc biệt là món mì tôm yêu thích Indomie. 

Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia dự đoán giá mì sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, một phần do khủng hoảng lúa mì toàn cầu.  

Sản phẩm mì gói mà ông Airlangga nhắc đến chắc chắn bao gồm cả Indomie - thương hiệu mì ăn liền cực kỳ nổi tiếng thuộc Indofood Sukses Makmur, thành viên của Tập đoàn Salim. Hương vị phong phú, giá cả lại phải chăng, Indomie luôn được coi là món mì quốc dân và chiếm được tình cảm của đa số người dân Indonesia. 

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của Indonesia đạt 13,27 tỷ phần ăn vào năm 2021, tức chỉ đứng sau 43,99 tỷ phần ăn của Trung Quốc đại lục. Theo Nikkei Asia, Indonesia còn vượt cả Trung Quốc về mức tiêu thụ tính trên đầu người và phục vụ khoảng 50 khẩu phần ăn mỗi năm. Hầu hết mì được tiêu thụ là mì ăn liền của Indofood, đặc biệt là Indomie.

Thông thường, loại mì này được bán với giá trung bình khoảng 2.800 rupiah/gói (hơn 4 nghìn đồng) tại đa số các cửa hàng - mức giá được cho là rất phải chăng ở một quốc gia có thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 200 USD. 

Mì tôm quốc dân Indomie trở thành chỉ dấu lạm phát tại Indonesia - Ảnh 1.

Thực tế, giá thực phẩm đang tăng lên. Lúa mì, nguyên liệu vốn được sử dụng cho mì Indomie, có giá 11.600 rupiah/kg (tương đương 0.78 USD) tính đến ngày 8/6 - tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, nhà sản xuất Indofood hiện vẫn chưa tăng giá các sản phẩm của mình. 

Theo Nikkei Asia, thời gian gần đây Indofood ghi nhận con số doanh thu khá cao. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt đỉnh vào năm 2021 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và người dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài mì gói trong suốt khoảng thời gian phong tỏa. 

Khi được hỏi về kế hoạch tăng giá bán, đại diện Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu, thành phần, tình hình kinh tế cũng như sức mua của người tiêu dùng để đưa ra quyết định cuối cùng.

“Giả dụ giá chỉ tăng thêm 500 rupiah (khoảng hơn 600 đồng), song nếu cộng hết số mì bạn mua hàng tháng, thì chênh lệch cũng lớn đấy. Bây giờ tôi ăn mì Indomie 3,4 lần/tuần. Giá mà tăng thì tôi sẽ chỉ ăn 1,2 lần/tuần thôi”, một nhân viên tại Jakarta nói.

Hiện Indonesia đang đau đầu về vấn đề lương thực. Người tiêu dùng và cả chính quyền Tổng thống Joko Widodo vẫn dồn mọi sự chú ý vào Indomie - món mì được coi là chỉ dấu cho lạm phát. 

Mì tôm quốc dân Indomie trở thành chỉ dấu lạm phát tại Indonesia - Ảnh 2.

Theo Nikkei Asia, thời gian gần đây Indofood ghi nhận con số doanh thu khá cao

Trước đó, do giá dầu ăn tăng cao phi mã, nước này đã quyết định ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Chính phủ Indonesia khẳng định lệnh cấm sẽ áp dụng với toàn bộ những loại hạt có dầu, chứ không chỉ riêng dầu ăn như tuyên bố trước đó. 

Theo ông James Fry, chủ tịch công ty tư vấn LMC International, Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Tuyên bố trên theo đó khiến một loạt vật giá leo thang. Hợp đồng tương lai dầu cọ thô tại Malaysia, được dùng làm thước đo cho giá cả quốc tế, đã có lúc tăng gần 7%, theo CNN.

Tuy nhiên, do lo sợ lệnh hạn chế xuất khẩu dầu có thể khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn sau khi hàng trăm loại sản phẩm tiêu dùng buộc phải đẩy giá, Indonesia đã quyết định rút lại sắc lệnh sau 3 tuần.

Theo: Nikkei Asia 


Vũ Anh

Từ khóa:  lạm phát
Cùng chuyên mục
XEM