Meta chi mạnh cho metaverse và thúc nhân viên làm việc hết công suất
Metaverese sẽ tiêu tốn của Meta hơn 10 tỷ USD/năm. Chưa dừng lại ở đó, Meta đang lên kế hoạch thúc nhân viên làm việc với cường độ cao hơn, giảm tuyển dụng và thậm chí “hoan nghênh” những người muốn rời đi.
Mark Zuckerberg đang trong khoảng thời gian không mấy vui vẻ khi Meta ghi nhận mức doanh thu giảm kỷ lục xuống còn 28,8 tỷ USD trong Q2/2022. Bên cạnh đó, mạng xã hội chủ lực Facebook của Meta đang chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ từ TikTok.
Đồng thời quá trình chuyển đổi metaverse của Meta đang trong những bước đầu tiên và không mấy suôn sẻ khi khoản đầu tư ban đầu rất lớn và có thể đốt của Meta khoảng 10 tỷ USD/năm.
Trong tháng 7 này, Zuckerberg đã tổ chức một cuộc họp ngẫu hứng tại Khu vực Vịnh San Francisco để tập hợp các trợ lý hàng đầu. Một trong những chương trình nghị sự là "work marathon" để thảo luận về lộ trình cải tiến Facebook. Cải tiến sẽ bao gồm những thay đổi lớn đối với cách người dùng truy cập mạng xã hội.
Trong những tuần trước đó, Zuckerberg đã gửi tin nhắn tới các giám đốc điều hành về kế hoạch đại tu, thúc giục họ làm việc nhanh hơn. Một số giám đốc điều hành đã phải đọc 122 trang slide về kế hoạch cải tổ. Với cường độ làm việc bất thường này, rõ ràng ông chủ Meta đang rất nóng lòng tạo nên một sự thay đổi để giành lại lợi thế đã mất.
Để tham dự hội nghị thượng đỉnh, các giám đốc điều hành của Facebook từ khắp nơi trên thế giới đã phải bay đến San Francisco, Mỹ. Mark Zuckerberg và nhóm của anh đã phải nghiền ngẫm từng slide để tìm hướng đi mới cho Facebook.
Nhóm đang nỗ lực biến ứng dụng Facebook trở nên hoàn hảo hơn nhằm cạnh tranh với đối thủ hàng đầu TikTok.
Hiện tại, Mark Zuckerberg đang dẫn dắt Meta với giá trị vốn hóa 450 tỷ USD bước sang một giai đoạn mới. Trong quá trình này, Mark đã xây dựng một kế hoạch công việc dày đặc. Trong vài tháng gần đây, Meta đã tiết giảm chi tiêu, cắt giảm đặc quyền, cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cho biết sẽ sa thải những nhân viên hoạt động kém hiệu quả. Mark cho biết những nhân viên không muốn ở lại công ty có thể rời đi bất cứ lúc nào. Các nhà quản lý cũng truyền đạt mục tiêu công việc chính hiện tại cho các nhân viên, đó là "tăng cường độ làm việc".
Zuckerberg, 38 tuổi, đang cố gắng tách Meta ra khỏi nguồn gốc mạng xã hội và tập trung vào thế giới "metaverse" của tương lai. Tại Thung lũng Silicon, Mark Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác đã tạo ra cái mà nhiều người gọi là kỷ nguyên Web 2.0, một phiên bản Internet tập trung vào ứng dụng và mang tính xã hội hơn.
Tuy nhiên, sau khi nền tảng của họ bị cản trở bởi những lo ngại về quyền riêng tư, nội dung độc hại và thông tin sai lệch, đội ngũ của Meta đang suy ngẫm và thay đổi tầm nhìn ban đầu.
Công ty cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi các đối thủ như TikTok, YouTube và Apple đang "phả hơi nóng" ngay phía sau.
Nhân viên bị ép tiến độ, phải làm việc hết công suất hoặc có thể "ra đi" nếu muốn
Giống như bất cứ sáng kiến nào khi mới đưa ra đều khó có thể đảm bảo thành công ngay tức khắc. Đó là cả một quá trình đầu tư lâu dài. Lợi nhuận của Meta đã giảm và tăng trưởng doanh thu đã chậm lại trong những tháng gần đây do công ty đang đầu tư nhiều vào metaverse. Ngoài ra tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế khiến cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của công ty chịu khá nhiều ảnh hưởng.
Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách của Facebook và là người sáng lập Anchor Change, một công ty tư vấn công nghệ cho biết: "Khi Zuckerberg tập trung cao độ vào một thứ gì đó thì cả công ty sẽ phải lao theo. Họ sẽ nhanh chóng bỏ công việc khác và chuyển sang vấn đề trước mắt. Họ đang chịu nhiều áp lực và cần phải nhanh hơn nữa để đảm bảo được tiến độ".
Zuckerberg đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng, công ty bắt buộc phải bước vào trạng thái hoạt động "cường độ cao" và thậm chí "đã đến lúc làm nhiều hơn nhưng nhận ít tiền hơn". Trong tháng này, Meta đã giảm mục tiêu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật và 1 số mảng khác cho năm nay từ 10.000 - 12.000 xuống 6.000. Hiện tại Facebook cũng không còn tuyển một số vị trí nữa.
Giám đốc sản phẩm của Meta, Chris Cox cho biết môi trường kinh tế hiện tại kêu gọi "các đội nhóm gọn gàng hơn, đơn giản hơn, hoạt động tốt hơn". Zuckerberg từng nói trong một cuộc họp nhân viên rằng, không phải ai cũng có thể chấp nhận những thay đổi này, điều đó là tốt và mọi người có thể rời đi nếu không thể hòa nhịp.
Zuckerberg chia sẻ: "Tôi nghĩ một số bạn có thể cảm thấy nơi này không phải là nơi phù hợp và tôi nghĩ rằng việc tự lựa chọn là tốt thôi. Trên thực tế, có thể có một nhóm người trong công ty không nên có mặt ở đây".
Trong một bản ghi nhớ nội bộ khác của Meta, phó chủ tịch Meta cũng nhắc nhở các nhà quản lý nên bắt đầu "xem xét kỹ mọi nhân viên trong nhóm để thấy được giá trị của họ đóng góp cho công ty như thế nào". Bản ghi nhớ có đoạn viết: "Nếu cấp dưới không hoàn thành công việc của họ hoặc làm việc kém hiệu quả, họ không phải là người chúng ta cần và họ đang kéo công ty đi xuống".
Chỉ vài ngày sau chương trình "work marathon" với các quản lý Facebook trong tháng này, Zuckerberg đã cập nhật một số thay đổi sắp tới đối với ứng dụng. Facebook sẽ bắt đầu làm theo cách của TikTok để thu hút mọi người dùng tiếp cận nhiều hơn với các video và các nội dung đề xuất hơn.
Hiện tại, Meta đã và đang đầu tư rất nhiều vào mảng video và khám phá nội dung nhằm mục đích cải thiện "thuật toán khám phá" và đề xuất nội dung hấp dẫn cho người dùng. Chỉ có điều không biết liệu Meta nói chung và Facebook nói riêng có thể giành lại được lợi thế đã mất vào tay Tiktok trong thời gian qua hay không.
Tham khảo Gizchina