Mercedes-Benz nhập: ‘Chưa chắc đã đắt, khéo còn trở lại vị thế số 1’
Nếu chuyển sang nhập khẩu, giá xe Mercedes-Benz có thể cao hơn chút những hãng sẽ vẫn bán tốt vì người giàu Việt luôn thích xe nhập.
Cuối năm là thời điểm để ôn lại những sự kiện nổi bật của cả năm qua. Năm 2024, một vấn đề được thị trường ô tô Việt Nam quan tâm là vị thế của Mercedes-Benz Việt Nam. Trong chương trình Trên Ghế phát sóng tối 7/12, host Đăng Việt và khách mời Quang Anh sẽ thảo luận về thông tin: Liệu Mercedes-Benz Việt Nam sắp chuyển qua chỉ bán xe nhập khẩu?
Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau hình ảnh một công ty phân phối xe đứng tên Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) với người đại diện chính là CEO hiện tại của MBV. Với thông tin này, nhiều người đồn đoán hãng xe Đức sẽ không lắp ráp nữa mà chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu. Thông tin này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Tôi không quá bất ngờ về việc Mercedes-Benz Việt Nam có thêm pháp nhân mới là công ty nhập khẩu. Tôi chỉ bất ngờ vì tiến trình này diễn ra nhanh hơn suy nghĩ. Cuối tháng 9/2024 vừa qua, UBND TP HCM mới đồng ý gia hạn thêm 5 năm đối với MBV về việc thuê mảnh đất hiện tại để làm nhà máy. Và ngay ngày 3/10, MBV đã có giấy phép thành lập công ty phân phối.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại một chút, trong quãng thời gian trước đó, MBV đã ra mắt trung tâm kiểm định xe tại Long An và tổng kho về phụ tùng nhập khẩu tại quận 9 (TP HCM). Vì thế, tôi nghĩ rằng hãng xe Đức đã chuẩn bị từ trước. Việc này có tính toán trong một quãng thời gian rất dài chứ không phải là chỉ trong một sớm một chiều. Đó là về mặt pháp lý.
Còn về mặt thị trường xe, đây là bước chuyển dịch cần thiết, bởi vì hiện tại đang ở trong thế khó. Những năm gần đây, Mercedes-Benz đã mất dần thị phần tại Việt Nam, tôi nghĩ việc chuyển sang xe nhập khẩu (CBU) là bước đi tốt, giúp cải thiện tình hình kinh doanh của Mercedes-Benz tại Việt Nam.
Trên thực tế, hiện Mercedes-Benz đang nằm trong một thế gọng kìm. Thứ nhất, họ có những điểm yếu về sản phẩm. Thứ hai, họ đang phải chịu những sức ép từ đối thủ.
Về sản phẩm, những năm gần đây thiết kế của Mercedes-Benz thay đổi theo hướng unisex (phù hợp cho cả nam và nữ) nhiều hơn. Phong cách này không được người tiêu dùng Việt cảm thấy thỏa mãn. Vì thế, khách hàng thường tìm kiếm sự lựa chọn khác cá tính hơn.
Về sức ép từ đối thủ, trong 2 năm gần đây, các thương hiệu khác trong phân khúc xe sang có sự phát triển rất nhanh. Trong năm 2024, Volvo tăng thị phần từ 10% lên 15%, Audi tăng từ 20% lên 27%. Đối thủ trực tiếp truyền thống của Mercedes-Benz là BMW lại gây ra sức ép trên phương diện khác, họ có những mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD). Xe CKD giúp BMW có những lợi thế về giá thành, về lệ phí trước bạ theo từng thời điểm. Điều này góp phần tạo thêm sức ép rất lớn đến bài toán kinh doanh của MBV.
Vì thế, tại thời điểm này, MBV bắt buộc phải lựa chọn một giải pháp khác để tăng tính cạnh tranh về cả sản phẩm lẫn giá bán.
Thông tin MBV sẽ chuyển sang nhập khẩu, không còn lắp ráp nữa đang tạo ra 2 luồng ý kiến: Chuyển sang xe nhập khẩu thì giá sẽ đắt hơn và xe nhập khẩu sẽ thích hơn xe lắp ráp. Ý kiến của anh như thế nào?
Với vấn đề đắt rẻ, trước đây và bây giờ, chúng ta nhận thấy luôn có một cái khoảng cách nhất định về giá bán giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khoảng cách này sẽ được thu hẹp. Tôi cho rằng, giá bán mới cho các sản phẩm nhập khẩu của Mercedes-Benz chắc chắn sẽ rất cạnh tranh. Vì 3 lý do sau đây.
Thứ nhất, khi MBV chuyển sang nhập khẩu, số lượng xe mà hãng đặt hàng từ nhà máy Mercedes-Benz Thái Lan sẽ tăng lên. Điều này sẽ giúp giá mà MBV mua từ Thái Lan giảm xuống theo nguyên tắc cơ bản về bán buôn, bán sỉ.
Thứ hai, việc nhập khẩu từ Thái Lan sẽ hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% trong khu vực ASEAN. Lúc đó, có thể xem như xe nhập về được “miễn thuế”.
Thứ ba, chúng ta cần nhìn sâu hơn về sự khác biệt giữa xe CBU và CKD. Xe CBU nhập khẩu nguyên chiếc chỉ phải chịu thuế một lần. Xe CKD là xe lắp ráp từ nhiều chi tiết, mỗi chi tiết lại phải chịu một mức thuế khác nhau, khiến cho cơ cấu giá của xe khó để MBV đưa ra mức giá phù hợp. Vì thế, khi nhập khẩu xe, bài toán này sẽ đơn giản hơn.
Ở khía cạnh khác, trong thông tin và đăng ký tư cách pháp nhân của công ty nhập khẩu Mercedes-Benz Việt Nam, đây là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Điều này có nghĩa 100% vốn đầu tư từ tập đoàn Mercedes-Benz. Trong khi với tư cách pháp nhân hiện tại của MBV, đây là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Như vậy, mọi lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế sẽ thuộc về hãng xe Đức ở công ty nhập khẩu, còn hiện tại họ cần phải chia sẻ đến các bên đóng góp trong cơ cấu công ty.
Vậy anh nhận định thế nào về ý kiến xe nhập khẩu thích hơn xe lắp ráp?
Tôi nghĩ rằng đây là quan niệm chỉ đúng thời điểm cách đây rất lâu, khi các thương hiệu bắt đầu có nhà máy sản xuất xe ở Việt Nam. Những ngày đầu bắt đầu có các nhà máy lắp ráp xe, tay nghề của thợ Việt chưa tốt như bây giờ, nên việc hoàn thiện một sản phẩm sẽ có những lỗi nhất định.
Nhưng, trải qua hơn 30 năm kể từ ngày các hãng xe đặt nhà máy tại Việt Nam, trình độ của thợ Việt đã cải thiện và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Chất lượng sản phẩm mà họ hoàn thiện đã tốt hơn rất nhiều. Vì thế, tôi cho rằng sự khác biệt giữa xe CKD và CBU nếu có sẽ rất nhỏ. Tuy nhiên, sự khác biệt này chỉ ảnh hưởng với yếu tố con người. Còn lại, vật liệu sử dụng trên xe CBU và xe CKD lắp ráp tại Việt Nam hoàn toàn giống nhau. Các tập đoàn toàn cầu luôn có quy chuẩn chung cho tất cả vật liệu cấu thành nên sản phẩm.
Trở lại về câu chuyện về xe nhập khẩu, nhiều người cho rằng xe nhập cũng sẽ có sự khác biệt về nguồn gốc xuất. Vậy, vì sao anh khẳng định xe Mercedes-Benz sắp tới bán ra tại Việt Nam sẽ nhập khẩu từ Thái Lan thay vì từ Đức hay những quốc gia khác?
Tôi nghĩ lý do rất đơn giản. Đó là tất cả xe nhập khẩu từ các nước ASEAN đang được hỗ trợ thuế nhập khẩu 0%. Điều này tạo ra lợi thế rất lớn so với việc nhập khẩu từ EU hay các thị trường khác. Bởi, lộ trình để thuế nhập khẩu từ EU giảm phải chờ đến năm 2030.
Trong bài toán kinh doanh, ai cũng phải tối ưu hóa chi phí. Vì thế, tôi cho rằng xe Mercedes-Benz trong tương lai sẽ chủ yếu nhập khẩu từ nhà máy ở Thái Lan. Tuy nhiên, với những mẫu xe chỉ sản xuất ở những quốc gia nhất định sẽ buộc phải nhập khẩu từ quốc gia đó mà không phải từ Thái Lan.
Với những gì tôi được biết, việc nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giúp MBV chủ động cả về cả số lượng lẫn các mẫu xe mang về. Điều này có nghĩa là họ sẽ nhập khẩu nhiều mẫu xe từ Thái Lan hơn, thay vì chỉ những mẫu xe điện như hiện tại.
Hiện nay, Volvo đang có hai nguồn nhập khẩu. Nhập từ Malaysia là những mẫu xe vừa tầm với giá bán dễ tiếp cận. Trong khi các mẫu xe nhập từ Thụy Điển thường là các mẫu xe đầu bảng, thực sự cao cấp. Nhiều khách hàng của Volvo cũng nói rằng họ thích các mẫu xe nhập từ Thụy Điển hơn.
Liệu điều này có xảy ra với Mercedes-Benz, khi nhiều người thích các mẫu xe nhập khẩu từ Đức hơn?
Tôi nghĩ rằng, những người mua xe sang tại Việt Nam luôn có tư duy xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn xe lắp ráp tại Việt Nam. Suy nghĩ này đã ăn sâu từ lâu và trở thành mặc định với họ.
Nhưng như tôi đã nói, việc xe lắp ráp ở châu Âu, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc có thể có sự khác biệt nhưng rất ít. Các mẫu xe này nếu có gì đó khác nhau sẽ chỉ liên quan đến tay nghề của thợ. Còn về vật liệu, xe lắp ráp ở đâu cũng sẽ dùng vật liệu giống nhau, từ sắt đến nhựa đến da.
Còn việc vì sao một hãng xe lại bán mẫu xe này ở thị trường này mà không bán tại thị trường kia là do liên quan đến kế hoạch sản xuất. Ví dụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về một mẫu xe ở thị trường nào đó lớn hơn, họ sẽ sản xuất tại đó để tối ưu chi phí.
Như CEO của Volvo, ông Jim Rowan đã nói: “Sản xuất ngay tại nơi bán và mua ngay tại nơi sản xuất”. Vì thế, đó là cách để họ tối ưu hóa chi phí sản xuất. Khi nhập khẩu xe về Việt Nam, các hãng sẽ phải tuân thủ chính sách của nhà nước về thuế, chúng phải chấp nhận câu chuyện đó.
Một vài năm trước, chúng ta có thể thấy khoảng cách về giá chúng ta giữa xe Mercedes-benz CKD và xe BMW CBU rất rõ ràng. Thời điểm đó, Mercedes-Benz đứng số 1 về phân khúc hạng sang.
Nhưng hiện tại và sắp tới, BMW tập trung vào xe CKD còn Mercedes-Benz có kế hoạch chỉ bán xe CBU. Vậy theo anh, điều này có gây ra khó khăn cho MBV hay không?
BMW đã lên dẫn đầu phân khúc thị trường chưa? Câu trả lời là chưa.
BMW đã chuyển sang CKD được 2 năm. Nhưng cái khoảng cách mặt thị phần của BMW so với Mercedes-Benz hiện tại hầu như không thay đổi. Một điều thú vị là trong năm 2024, cả Mercedes-Benz và BMW đều mất thị phần vào các đối thủ khác. Rõ ràng, câu chuyện của hai, dù một lắp ráp và một nhập khẩu đều mất thị phần như nhau.
Tôi nghĩ rằng, BMW muốn tạo ra khoảng cách với Mercedes-Benz Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm, cần nhiều thời gian để chứng minh. Trong khoảng thời gian đó, tôi nghĩ rằng MBV cũng đã có những tính toán cho việc này.
Và như tôi nói ở trên, giá bán xe CBU mới của Mercedes-Benz dự kiến sẽ không cao hơn quá nhiều so với xe CKD hiện tại. Con số sẽ ở vẫn ở mức chấp nhận được của khách hàng. Bản thân khách hàng đã có tâm lý thích xe nhập, họ sẵn sàng có thể trả thêm một ít tiền để được mua xe nhập. Đó là câu chuyện rất dễ hiểu đối với tâm lý mua xe người Việt Nam.
Cảm ơn anh Quang rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.