"Mẹ ơi bạn đánh con" - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu

06/11/2021 20:33 PM | Sống

Phía sau 3 câu chuyện về lối hành xử khác biệt của 3 người mẹ có con bị bắt nạt này là bài học ứng xử quý giá dành cho các bậc phụ huynh khi rơi vào trường hợp tương tự.

Trong mắt của các bậc làm cha làm mẹ, con cái chẳng khác nào những món bảo bối luôn cần được trân trọng, nâng niu. Thế nhưng có một sự thật mà chúng ta khó có thể không thừa nhận: Đó là những bảo bối này không nên trở thành bông hoa trong lồng kính mà vẫn phải có cho mình thứ "áo giáp" cần thiết để chống lại những sóng gió cuộc đời.

"Tấm áo giáp" hữu dụng nhất mà các bậc phụ huynh nên trang bị cho con cái của mình có thể gói gọn chỉ trong một câu sau: Bảo vệ sức mạnh cho con trẻ và dẫn dắt trí tuệ cho các em.

Điều này đồng nghĩa với việc trong quá trình trưởng thành của trẻ, việc chỉ yêu thương, chăm chút thôi là chưa đủ. Cha mẹ cần giúp các em tự xây dựng bản thân và học cách tự bảo vệ chính mình.

Vậy với trường hợp không hề hiếm gặp ở các môi trường tập thể như các bé nảy sinh xích mích với bạn hoặc bị đánh, bị bắt nạt… cha mẹ nên xử lý ra sao và nên dạy cho con cái cách hành xử như thế nào?

Hãy tham khảo 3 câu chuyện dưới đây để tìm ra câu trả lời chính xác nhất nhé!

Câu chuyện thứ nhất: "Bớt gây rắc rối cho mẹ nhờ"

Ngày hôm ấy, trong quán ăn có một người mẹ và cậu con trai khoảng lớp 4, lớp 5 đang dùng bữa. Bất chợt, người con ấm ức nói:

"Mẹ, hôm nay có bạn đánh con".

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Người mẹ gắt gỏng đáp:

"Con mà không làm gì thì sao tự nhiên người ta đánh con? Nhất định là do con làm việc gì đó không đúng rồi. Nhiều khi mẹ nhìn mấy việc con làm cũng chẳng thuận mắt chút nào".

Sau đó, mặc cho cậu con trai liên tục phủ nhận, người mẹ ấy tiếp tục nói:

"Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi, đi học là để học chứ không phải để gây chuyện, bớt gây rắc rối đi cho mẹ nhờ!".

Cậu bé kia vẫn không ngừng giải thích:

"Con thực sự không trêu gì bạn ấy cả. Lần trước bạn ấy cũng tự nhiên đánh con. Mẹ đi nói bạn ấy đừng có đánh con nữa được không?".

Dù con trai đã nói tới vậy, thế nhưng câu trả lời của người mẹ đã khiến những người ngồi xung quanh không khỏi thở dài:

"Nếu nó đã thường xuyên đánh con thì hẳn là cái dạng không nên dây vào, nhà nó chắc cũng chẳng dễ chọc đâu, mẹ không dại gì mà gây thêm rắc rối".

"Mẹ nói con nghe, con nhất định phải chỉnh đốn lại mình đi, gặp chuyện gì cũng phải tìm ra vấn đề ở bản thân mình trước".

Nghe vậy, đứa trẻ kia chỉ biết ấm ức cúi đầu, bất mãn tới mức liên tục gõ mạnh chiếc thìa trên tay xuống mặt bàn…

Câu chuyện thứ hai: Ăn miếng trả miếng

Khi phát hiện cô con gái lớp 6 của mình bị bạn học đặt điều và nói xấu trên mạng, người mẹ tên Diệp Tử trong câu chuyện này đã vô cùng nổi nóng.

Cô vừa tức vì đứa bé kia dám bắt nạt con mình, vừa giận vì con gái gặp chuyện như vậy mà chẳng biết đường nói với người lớn. Sau đó, Diệp Tử hỏi con đầu đuôi câu chuyện thì mới biết rằng mọi thứ bắt nguồn từ một mâu thuẫn hết sức trẻ con.

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Hóa ra, vì con gái cô không cho bạn chép bài, người bạn này lại liên tục dùng lời lẽ công kích nên cô bé đã mách giáo viên. Kể từ sau đó, bạn học kia tối ngày đi đặt điều nói xấu, khiến các bạn học khác tẩy chay cô bé.

Nghĩ rằng chuyện này dù có phản ánh với thầy cô hay nói với phụ huynh nhà bên kia cũng vô dụng, vì vậy Diệp Tử đã quyết định giải quyết theo cách của mình.

Cô nhờ cậu em họ xăm trổ đầy mình đi đến trường và tìm cho ra bạn học kia, sau đó dùng lời lẽ răn đe đứa bé ấy và cảnh cáo rằng không được phép bắt nạt con gái nhà mình nữa.

Kể từ sau lần đó, bạn học kia cũng chẳng còn dám đặt điều nói xấu con của Diệp Tử. Sau sự việc này, Diệp Tử đã đúc kết ra 1 "chân lý" để truyền lại cho con mình khi bị bắt nạt: Đó chính là "ăn miếng trả miếng".

Câu chuyện thứ ba: "Chúng ta báo cảnh sát đi"

Đậu Đậu năm nay mới lên lớp 5. Một lần nọ sau khi tan học, em đã cùng bạn ra công viên chơi.

Tình cờ vào hôm ấy, có một học sinh cấp II đi ngang qua chỗ của Đậu Đậu, thấy cậu bé cười đùa liền nghĩ rằng đó là thái độ "cười đểu" mình. Và mặc cho Đậu Đậu đã hết lời giải thích, học sinh này vẫn lôi cậu vào nhà vệ sinh công cộng để "dạy dỗ".

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Sau đó, dù Đậu Đậu đã liên tục chủ động xin lỗi nhưng kết quả vẫn bị ăn liền mấy cái bạt tai. Khi trở về nhà, cậu bé đã kể lại mọi chuyện cho mẹ mình.

Mẹ của cậu mặc dù rất dịu dàng nhưng vẫn có thái độ hết sức kiên quyết. Cô bình tĩnh nói một câu:

"Chúng ta đi báo cảnh sát đi".

Vừa nghe xong, Đậu Đậu liền có phần hoảng sợ:

"Không nên đâu mẹ ơi, dẫu sao con cũng không bị thương nặng".

Sau đó, mẹ cậu kiên nhẫn giải thích bằng những lời lẽ hết sức ôn tồn:

"Không sao đâu con, không phải là lỗi của con mà, con không phải sợ gì cả, mẹ sẽ lấy lại công bằng cho con".

"Cảm ơn con đã tin tưởng và kể cho mẹ nghe chuyện này, con yên tâm nhé!".

"Bị đánh thế này hẳn trong lòng con ấm ức lắm, có những chuyện trẻ con không thể tự xử lý được, vậy thì nên để người lớn giúp con giải quyết".

Mẹ của Đậu Đậu cũng biết rằng, những chuyện như thế này dù có báo cảnh sát cũng chưa chắc đã tìm ra học sinh cấp II kia, càng không chắc có thể giải quyết được. Thế nhưng điều quan trọng chính là thái độ và cách truyền đạt của cô đối với con trai khi cậu bé nói ra chuyện mình bị bắt nạt.

BÀI HỌC THỨC TỈNH NHIỀU BẬC PHỤ HUYNH

Nên nhớ rằng, thái độ của phụ huynh là một trong những thứ có ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của con trẻ. Bởi lẽ, nếu yêu cầu sự giúp đỡ mà lại nhận về sự đổ tội và từ chối, các em thường sẽ chọn cách chịu đựng một mình. Và khi sự chịu đựng đã trở thành một thói quen thì kẻ bắt nạt sẽ càng thêm lấn lướt, thậm chí sẽ càng làm ra những hành động đáng sợ hơn.

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Về phần mẹ của Đậu Đậu, khi đối mặt với tình huống con bị bắt nạt, điều đầu tiên cô làm chính là bày tỏ sự đồng cảm.

Sau đó, người mẹ tinh tế này đã dùng hành động "báo cảnh sát" để truyền đạt thái độ của mình. Cô đã thể hiện rằng cô hiểu tình trạng của con, chấp nhận sự bất lực và nỗi buồn hiện tại của cậu bé, đồng thời sẽ đồng hành bên cạnh cậu để lấy lại công bằng.

Khi được người thân chấp nhận trong những lúc như thế này, sự căng thẳng trong tâm lý sẽ được giảm bớt, nỗi đau về tinh thần và thể chất cũng từ từ tan biến. Nếu cảm nhận được sự yêu thương và biết rằng mình được bảo vệ, con trẻ sẽ có được cảm giác an toàn, sự mạnh mẽ và thái độ quyết tâm.

Mặc dù cuộc đời là một hành trình rất dài, thế nhưng cảm giác an toàn mà chúng ta để lại cho con cái cũng giống như một ngọn hải đăng không ngừng soi sáng để dẫn dắt các em bước ra khỏi bóng tối và tiến về con đường phía trước.

NÊN HÀNH XỬ NHƯ THẾ NÀO KHI CON BỊ BẮT NẠT?

Như vậy, các bậc phụ huynh nên xử trí ra sao khi con cái phát sinh mâu thuẫn, xung đột với bạn học hay trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt, bạo lực học đường?

Trong trường hợp chỉ là mâu thuẫn giữa trẻ con với nhau và sự việc không gây ra tổn thương tâm lý cho trẻ, hãy để các em tự tìm cách giải quyết. Tất cả những gì phụ huynh cần làm lúc này là lắng nghe và bày tỏ sự thấu hiểu.

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Thế nhưng nếu con bạn đang trở thành nạn nhân của những vụ bắt nạt, hãy làm ngay các điều dưới đây:

Thứ nhất: Lắng nghe con mình và tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Thứ hai: Giúp trẻ thấu hiểu cảm xúc của bản thân và bình ổn tâm lý.

Thứ ba: Định hướng cho trẻ cách giải quyết vụ việc.

Thứ tư: Nhận định hiệu quả của cách giải quyết nói trên.

Mẹ ơi bạn đánh con - 3 người mẹ hành xử khác một trời một vực và bài học xương máu - Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Trong trường hợp những cách làm trên đây chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, hoặc con bạn đang trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì hãy thử ngay những bước dưới đây:

Thứ nhất: Tìm cách thấu hiểu cảm xúc, ưu tư và chấp nhận sự yếu đuối của con trẻ.

Thứ hai: Trực tiếp hành động, vào cuộc để giúp con giải quyết vấn đề.

Thế nhưng dù lựa chọn phương pháp nào thì yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất chính là các bậc phụ huynh phải thấu hiểu cũng chấp nhận cảm xúc, tâm trạng hoặc những mặt yếu đuối của con cái.

Thấu hiểu là một cách hỗ trợ, chấp nhận là một kiểu bao dung. Khi được nuôi dưỡng theo cách này, các em sẽ có được khả năng vượt qua nỗi buồn, hiểu rõ bản thân và từ đó tìm được cách để trở nên mạnh mẽ hơn.

Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM