Mẹ đơn thân khuyết tật ở Nghệ An và hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng chiếc máy khâu cũ lập nên kỳ tích

09/03/2022 18:48 PM | Sống

Người ta gọi chị là 'xương rồng trên cát' vì sự mạnh mẽ, kiên cường ấy đã truyền cảm hứng cho bao nhiêu phụ nữ khuyết tật khác dám 'kéo' hạnh phúc chạm vào tay mình bắt đầu bằng con đường khởi nghiệp…

Cô sinh viên "bỏ lỡ" giảng đường thành mẹ đơn thân buôn thúng bán mẹt nuôi con qua ngày

Chị Trần Thị Như Hoa, chủ xưởng may Hoa Như (Thành phố Vinh, Nghệ An) khi mới sinh ra vốn cũng là một cô bé khỏe mạnh bụ bẫm xinh xắn, chị được đặt tên là "Như Hoa" vì cha mẹ mong muốn con gái được một đời rạng rỡ, xinh đẹp như đóa hoa. Thế nhưng, cuộc đời luôn có những ngã rẽ và đôi khi nó đến quá sớm. Năm 5 tuổi, vì 1 trận ốm sốt nặng chị trở thành cô bé khuyết tật với 1 bên chân bị liệt.

Tuy thế, cô bé ấy vẫn lớn lên, vẫn kiên trì học tập như con nhà người ta. Thậm chí năm lớp 12, chị cũng có mối tình học trò, yêu và được yêu với bao nhiêu hy vọng và mơ ước. Nhưng tuổi trẻ luôn có những sai lầm, chị phát hiện mình mang thai khi đang là sinh viên năm 2 cũng vào lúc được tin nhận được học bổng, tương lai nhiều rộng mở.

Ngã rẽ khiến chị đành bỏ học cùng bạn trai vào Sài Gòn sinh sống, nhưng bố đứa trẻ đã không thể gánh vác được 2 mẹ con khi cả 2 người đều còn quá trẻ.

Chấp nhận thực tại với đứa con còn quá nhỏ và 2 bàn tay trắng phải kiếm kế tự sinh nhai, chị hy vọng người ấy sẽ năng trở về khi 2 mẹ con ở riêng. Nhưng rồi việc thăm nom bắt đầu thưa dần…

Mẹ đơn thân khuyết tật ở Nghệ An và hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng chiếc máy khâu cũ lập nên kỳ tích - Ảnh 1.

Mẹ con chị sống lay lắt trong căn phòng nhỏ, chị buôn thúng bán mẹt, làm thuê… Người phụ nữ khuyết tật với đứa con thơ hoang mang trước tương lai, nhưng cũng may còn có những người thương chị, như ông bà chủ phòng trọ coi chị như con gái và nhiều người xung quanh giúp đỡ. Ý nghĩ của chị Hoa lúc này là: "Cuộc đời còn nhiều người tốt như thế, nếu mình không tự vươn lên mà chỉ trông đợi vào lòng thương của mọi người thì thật uổng phí. Mình cần quyết tâm làm gì đó để thay đổi cuộc sống của chính mình".

Khởi nghiệp từ chiếc máy khâu cũ đi mượn…

Định mệnh thay đổi khi chị mượn được một chiếc máy khâu cũ. Ban đầu chị chỉ nhận sửa chữa đồ may và túc tắc kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ sửa đồ. Nhưng càng làm chị càng thấy hợp.

Vì vừa làm việc kiếm sống vừa tranh thủ thời gian học việc, nên bé Hiếu luôn phải đến lớp sớm nhất và về muộn nhất. Có nhiều ngày cu Hiếu ngồi lại muộn ở trường với bác bảo vệ, lúc thì theo cô về nhà… Thương con quặn ruột, nhưng chị biết nếu không cố gắng thì sẽ không biết đến khi nào cuộc sống của 2 mẹ con mới thay đổi. Chị tự nhủ trong lòng: "Hiếu cố gắng cùng mẹ nhé".

Mẹ đơn thân khuyết tật ở Nghệ An và hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng chiếc máy khâu cũ lập nên kỳ tích - Ảnh 2.

Nhưng duy trì xưởng may cũng không dễ dàng vì ngồi im khách hàng cũng đâu có tự tìm đến với mình. Chị trực tiếp mang hàng đến chào từng shop thời trang, thuyết phục họ để sản phẩm của mình có mặt trên kệ. Có nơi từ chối, có nơi nhận lời vì nhìn thấy sự nâng niu từng đường kim mũi chỉ và tâm huyết với sản phẩm của chị.

Năm 2020, thêm một "cú hích", Dự án Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường của chị được nhận giải thưởng xuất sắc Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp của Hội LHPNVN. Không chỉ như 1 sự ghi nhận cho chính mình sau bao nỗ lực, giải thưởng 100 triệu từ nhà tài trợ Sunlight là nguồn vốn hỗ trợ quan trọng để chị tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Hiện tại chị đã tạo công ăn việc làm đều đặn cho 10 nhân công là phụ nữ khuyết tật, thu nhập tầm 6-8 triệu/tháng/người. Tất nhiên ai xin học nghề chị cũng nhận và tạo điều kiện vì luôn nhớ mình đã từng vất vả như thế nào.

… và trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng cho các chị em khuyết tật khác

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều khó khăn ập đến, nhưng chị cũng là người năng động, chủ động tiếp cận công nghệ 4.0 để bán hàng trên MXH. Chị tìm đến các giải pháp livestream bán quần áo, chạy các chương trình sale hạ giá thành sản phẩm để kích cầu, kéo khách hàng đến với mình… Chị cũng nhanh nhạy biết chuyển đổi từ thời trang may mặc sang làm những sản phẩm xanh là túi tái chế an toàn cho môi trường. Sự nhạy bén với thị trường và việc không ngại học hỏi những cái mới đã đem đến cho chị thành công ngay cả vào lúc khó khăn nhất.

Mẹ đơn thân khuyết tật ở Nghệ An và hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng chiếc máy khâu cũ lập nên kỳ tích - Ảnh 3.

Từ kinh nghiệm bản thân khi đã startup thành công, chị Hoa chia sẻ kinh nghiệm: "Là phụ nữ khi khởi nghiệp cần nhìn được khả năng của mình, ý tưởng mình định thực hiện có tính thực tiễn và ứng dụng không? Việc gặp gỡ đối tác và bạn bè rất quan trọng vì đi 1 mình vẫn có thể đến đích, nhưng có cộng đồng, có bạn đồng hành sẽ nhanh hơn".

Mẹ đơn thân khuyết tật ở Nghệ An và hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng chiếc máy khâu cũ lập nên kỳ tích - Ảnh 4.

Chị đóng vai "người thắp lửa" khi đi từ Hà Nội đến Sài Gòn truyền đi tinh thần "khuyết tật không có nghĩa là phải ăn bám hay lép vế", giúp họ tự tin sống và dám với tay đến những giấc mơ bắt đầu bằng việc làm kinh tế.

"Phụ nữ vẫn nghĩ rằng có những chiếc vòng an toàn rồi không dám bước ra khỏi nó, nhưng thời cuộc sẽ luôn dịch chuyển và thứ mình tưởng là an toàn rồi cũng có thể bị phá vỡ. Vì vậy, hãy không ngừng xông pha, học hỏi và không ngừng cầu tiến để biết không nên đặt giới hạn nào cho bản thân cả, nó mạnh hơn bạn tưởng", chị Hoa nhấn mạnh.

Ngày 6/3/2022, câu chuyện của chị Trần Thị Như Hoa chủ xưởng may người khuyết tật tại thành phố Vinh, Nghệ An, với hành trình khởi nghiệp mạnh mẽ và xúc động của mình đã xuất hiện trong chương trình "Phụ nữ là để yêu thương" mùa 4 được phát sóng vào 20h30 Chủ nhật hàng tuần trên VTV2.

Từ câu chuyện truyền cảm hứng của chị Hoa, nhiều phụ nữ đồng cảnh ngộ với chị đã bắt đầu mạnh dạn từ gian bếp cũ kĩ nhà mình tự tin bước ra ngoài xã hội, quên đi mặc cảm về phần thân thể không lành lặn. Và người ta bắt đầu tin mọi sự chông chênh, mặc cảm của người phụ nữ khuyết tật đều có thể xóa mờ và hạnh phúc bền vững của phụ nữ không phải là tìm vận may ở một tấm chồng để dựa.


Theo Quang Vũ

Cùng chuyên mục
XEM