McKinsey: Việt Nam nằm trong top 18 quốc gia "đạt hiệu quả vượt trội"

14/09/2018 20:17 PM | Kinh doanh

Trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi, có 18 nền kinh tế - khoảng một phần tư – được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn”.

Theo báo cáo gần đây của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) về Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn, một số nền kinh tế mới nổi được xác định là đạt mức tăng trưởng cao và nhất quán hơn các nền kinh tế khác trong nhóm. Đồng thời, báo cáo này cũng chỉ ra các yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng vượt trội này.

Việt Nam nằm trong số 11 nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP 5% trong 2 thập kỷ vừa qua

71 nền kinh tế mới nổi chiếm gần hai phần ba mức tăng trưởng GDP của thế giới và hơn một nửa mức tiêu dùng mới trong 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của từng quốc gia trong nhóm này lại có sự khác biệt rất đa dạng về căn bản.

Trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi, có 18 nền kinh tế - khoảng một phần tư – được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn”. 18 nền kinh tế này được chia thành 2 loại:

- Nhóm 1: 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm, từ 1965 đến 2016. Các nền kinh tế này bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

- Nhóm 2: 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996 đến 2016. Các nền kinh tế này bao gồm: Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

McKinsey: Việt Nam nằm trong top 18 quốc gia  đạt hiệu quả vượt trội - Ảnh 1.

Theo báo cáo, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này, các nền kinh tế vượt trội hơn  vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản:

Một là, có chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới.

Hai là, vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp lớn - nhưng bị đánh giá thấp – trong việc thúc đẩy năng suất và sự tăng trưởng. Theo cách tính toán có sự điều chỉnh theo quy mô của nền kinh tế, 18 nền kinh tế được đánh giá là vượt trội hơn trong báo cáo này có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác (doanh nghiệp quy mô lớn được định nghĩa là các doanh nghiệp niêm yết công khai với doanh thu hàng năm trên 500 triệu USD).

Báo cáo cho thấy, việc nhân rộng công thức thành công của các nền kinh tế vượt trội hơn cho tất cả các nền kinh tế mới nổi khác có thể đóng góp thêm 11 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới đến năm 2030, tức là tăng 10% tương đương với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc. 

Trong đó, 8 nghìn tỷ USD có thể được đóng góp trực tiếp từ các nền kinh tế chưa khởi sắc hiện nay, với điều kiện các nền kinh tế này đạt được mức tăng trưởng năng suất tương đương các nước vượt trội hơn. Với sự thúc đẩy năng suất từ các quốc gia này, các nền kinh tế mới nổi có thể tiếp tục đóng góp hơn hai phần ba tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030.

Thế Trần

Từ khóa:  việt nam , gdp
Cùng chuyên mục
XEM