MB đã rớt khỏi “chiếu trên” các ngân hàng cổ phần

14/11/2016 09:09 AM | Kinh doanh

MB chỉ đi ngang suốt từ 2012 tới nay trong khi VPBank và Techcombank tăng trưởng ngoạn mục khiến cho ngôi vị đầu bảng của Ngân hàng Quân đội bị mất vào tay đối thủ.

Qua giai đoạn tái cấu trúc, thị trường tài chính ngân hàng 9 tháng đầu năm 2016 có nhiều thay đổi, vị thế của các nhà băng qua đó cũng thay đổi theo.

Cú bứt phá mang tên VPBank, Techcombank

Năm 2015, VPBank đã là “hiện tượng” với lợi nhuận tăng trưởng “nóng” chưa từng thấy là trên 3.000 tỷ đồng và xếp thứ hai trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sau MB. Song 9 tháng đầu năm 2016, ngôi vị quán quân đã gọi tên nhà băng này với hơn 3.100 tỷ đồng.

Dẫu có ý kiến cho rằng, lợi nhuận của VPBank phần lớn là “ăn nhờ” công ty con FE Credit vì riêng ngân hàng mẹ 9 tháng chỉ đạt có 1.491 tỷ đồng trước thuế, nhưng ngân hàng có lý do của họ, rằng điều đó phụ thuộc vào chiến lược phát triển của mỗi nhà băng: Anh có thể bám vào tín dụng, dịch vụ, ngoại hối, còn tôi lại muốn phát triển mảng tiêu dùng, nhắm vào công ty tài chính…

Đứng thứ hai trong nhóm cổ phần là Techcombank. Không giống VPBank, Techcombank dù đã mua được công ty tài chính nhưng mảng này còn chưa phát triển, lợi nhuận hợp nhất hầu hết đều do ngân hàng mẹ đem lại thông qua mảng tín dụng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn tăng trưởng ấn tượng, thu từ dịch vụ và hoạt động khác cũng đáng kể. Dù kém trên 200 tỷ đồng so với VPBank, nhưng xét riêng mảng ngân hàng thì nói rằng Techcombank đang bỏ xa VPBank cũng không sai.

Ngoài ra, Techcombank còn đang có lợi thế hơn VPBank để tiếp tục bứt phá khi chất lượng tài sản khá tốt. Hiện Techcombank cho vay nhiều hơn VPBank nhưng tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,81% trên tổng dư nợ. Trong khi đó riêng VPBank có nợ xấu chiếm 2,35% nhưng ngân hàng hợp nhất thì tỷ lệ nợ xấu lên tới hơn 3% bởi công ty tài chính tiêu dùng FE Credit đang cõng nợ xấu lên đến hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,69% trên dư nợ của công ty này.

Nhìn lại chặng đường 5 năm trở lại đây, cả VPBank và Techcombank đều có điểm chung là liên tục bứt phá, tăng trưởng từ năm này sang năm khác.

“Chiếu trên” không còn chỗ của MB

Báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB ) cho thấy, tại thời điểm 30/9 năm nay, tổng tài sản của ngân hàng này là 239.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 16.311 tỷ. Cho vay khách hàng đạt 145 nghìn tỷ trong khi huy động vốn là 186 nghìn tỷ.

Trong các hoạt động, thu nhập từ lãi vẫn là trụ cột chính của ngân hàng, trong khi đó hoạt động dịch vụ lại đi xuống, kinh doanh ngoại hối lại sa sút so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng ngân hàng đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.788 tỷ đồng và sau thuế 2.243 tỷ đồng.

Như vậy, trong số các ngân hàng cổ phần, từ vị trí đầu bảng, MB tạm thời rơi xuống ngôi vị thứ 3 về lợi nhuận. Điều này khiến cho không ít người bất ngờ bởi các năm trước MB cùng với Sacombank là những người chiếm lĩnh vị trí quán quân.

Nhưng nhìn lại xu hướng phát triển thì sự sụt giảm vị thế về lợi nhuận của MB cũng là điều dễ hiểu bởi nhà băng này gần như đi ngang suốt từ 2012 tới nay với con số lợi nhuận dao động từ 3.000 – 3.200 tỷ đồng mỗi năm, trong khi các ngân hàng VPBank và Techcombank thì tăng trưởng liên tục. So với thời điểm năm 2012, lợi nhuận của cả hai ngân hàng dẫn đầu hiện nay đều đã tăng tới…gần 4 lần.

Vì đâu nên nỗi?

Suốt từ năm 2012 trở lại đây, cơ cấu nguồn thu của MB không có nhiều thay đổi, trong đó thu nhập thuần từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với năm 2012 là 84,5%, sang năm 2013 tỷ lệ này là 79,9%, năm 2014 là 78,7% và năm 2015 là 83,4%.

Các khoản thu khác không có gì vượt trội sau các năm, thậm chí tỷ trọng lãi thuần từ dịch vụ - vốn dĩ đang được các ngân hàng, kể cả các ông lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV hay “lớp đàn em” như ACB, SHB, Sacombank đẩy mạnh – thì ở MB lại sụt giảm, từ mức 9 – 11% trong tổng doanh thu giai đoạn 2012 đến 2014 xuống còn chưa đến 6,2% trong năm 2015.

Về chiến lược phát triển, MB cũng đã có ý định tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp. Trong khi đó, cũng bằng con đường này, Sacombank, HDBank hay các ngân hàng Nhà nước như BIDV, VietinBank sau khi nhận sáp nhập đều lớn mạnh trông thấy về tổng tài sản và mạng lưới hệ thống cùng nhân sự.

Hoặc như chiến lược phát triển tài chính tiêu dùng, dù được đề cập nhiều lần và cũng có tham vọng ở mảnh đất màu mỡ này, nhưng đến nay MB mới sáp nhập xong công ty tài chính Sông Đà và vẫn chưa thể bắt tay vào khai thác mạnh mẽ, trong khi các đối thủ cạnh tranh đã có những thành công vang dội. Chẳng hạn HDBank sau khi mua lại công ty tài chính SGVF đã bán 49% cho đối tác Nhật, đổi tên thành HD Saison đang chiếm lĩnh thị phần đáng kể trên thị trường. Hay VPBank với công ty tài chính FE Credit đang “làm mưa làm gió” với thị phần dẫn đầu và đóng góp tới hơn một nửa lợi nhuận cho VPBank trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016.


Nhờ có mảng tài chính tiêu dùng phát triển mạnh do công ty con đem lại, thu nhập lãi ròng của VPBank đang cao hơn nhiều so với MB (data:CafeF)

Nhờ có mảng tài chính tiêu dùng phát triển mạnh do công ty con đem lại, thu nhập lãi ròng của VPBank đang cao hơn nhiều so với MB (data:CafeF)

Trong khi kinh doanh vẫn đi ngang thì chi phí hoạt động không những không giảm mà còn ở xu hướng tăng lên, từ 35% trên tổng thu nhập thuần vào năm 2013 lên 37% năm 2014 và trên 39% từ năm ngoái tới năm nay, khiến cho ngân hàng không thể có sự bứt phá về lợi nhuận.

Theo một chuyên gia, nhìn vào hoạt động của MB cho thấy ngân hàng không có chiến lược nào bứt phá. Với những lợi thế sẵn có từ vị thế, thương hiệu, nguồn vốn, nhân lực, lẽ ra MB hôm nay đã lớn mạnh hơn nhiều và các “đàn em” như VPBank và Techcombank khó có thể cạnh tranh. Song dường như ngân hàng vẫn đang “ngủ quên trên chiến thắng” ở ngôi vị quán quân. Công cuộc cạnh tranh ngân hàng cũng như mọi cuộc đua khác, nếu mọi người cùng chạy mà vài người chỉ đi bộ hoặc đứng yên quan sát thì bị bỏ rơi phía sau là điều khó tránh khỏi.

Và theo vị này, trong quý 4 năm nay và những năm tới, nếu không có sự thay đổi đáng kể mà vẫn cứ giữ nhịp tăng trưởng chậm như thời gian qua thì MB không chỉ đối mặt với những đối thủ cạnh tranh về lợi nhuận mà còn cả mối lo về thị phần, không chỉ là mối đe dọa từ Techcombank, VPBank mà còn là các ngân hàng nhỏ hơn như SHB, ACB, Sacombank, thậm chí là "chú bé tí hon" TPBank.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM