MB chốt 11 nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029, ông Lưu Trung Thái tiếp tục làm Chủ tịch
Hơn 1.000 cổ đông MB bầu các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2024 – 2029, sáng ngày 15/6 tại MB Grand Tower.
Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Quân đội - MB (HoSE: MBB) công bố nghị quyết về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 để bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029.
MB bầu 11 thành viên vào HĐQT, chủ yếu là nhân sự 8X
Cơ cấu HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ mới gồm 11 thành viên. Trong đó, ông Lưu Trung Thái được Đại hội đồng cổ đông bầu là thành viên HĐQT với tỷ lệ phiếu cao nhất. Ông Thái tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT MB nhiệm kỳ mới.
Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Hải Phượng bà Vũ Thái Huyền và ông Lê Viết Hải, tiếp tục tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029.
Bên cạnh các nhân sự cũ, có bảy nhân sự mới tham gia vào HĐQT đa số là các lãnh đạo thế hệ 8X.
Trong đó, ông Phạm Như Ánh tiếp tục là Tổng giám đốc, gắn bó 19 năm với MB, có nhiều kinh nghiệm điều hành kinh doanh ngân hàng. Ông từng là thành viên Ban điều hành, phụ trách Khối Khách hàng lớn (CIB) và hoạt động kinh doanh khu vực phía Nam.
Ông Vũ Thành Trung thành viên ban điều hành, đã gắn bó 14 năm với Tập đoàn MB. Ông có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đầu tư, bán lẻ, phụ trách các cơ quan trọng yếu của MB. Trong nhiệm kỳ mới, ông Trung được kỳ vọng sẽ tăng cường, mở rộng hợp tác và kinh doanh quốc tế của MB.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý – "nữ tướng" (Viettel) được bầu là Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029. Bà được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, mở rộng hoạt động hợp tác, kinh doanh của MB và các công ty thành viên (CTTV) trong lĩnh vực kết hợp với viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm liên kết viễn thông...
Ông Phạm Doãn Cương là nhân sự có 20 năm công tác tại Viettel với nhiều năm kinh nghiệm tại các thị trường nước ngoài quan trọng của tập đoàn này. Ông từng là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital). Nhiệm kỳ mới, ông sẽ hỗ trợ MB trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số.
Ông Vũ Xuân Nam là nhân sự trẻ nhất của HĐQT MB nhiệm kỳ này, có 13 năm gắn bó và giữ các vị trí quản lý, phụ trách mảng đầu tư của Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Ông được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác, kinh doanh giữa MB Group và Tổng Công ty trực thăng Việt Nam trong các lĩnh vực: dịch vụ vận tải/hàng không, dầu khí, cơ khí, bay thương mại/du lịch ….
Bà Hoàng Thị Thu Hiền có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế toán, đầu tư của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các CTTV. Bà cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngân hàng khi công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Bà Hiền được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác, kinh doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và MB Group trong các lĩnh vực cảng biển, vận tải biển, dịch vụ tàu biển, logistic, đóng tàu …
Thành viên độc lập HĐQT là ông Hoàng Văn Sâm, tiến sĩ Kinh tế, có kiến thức sâu về kinh tế, luật kinh tế, có 32 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, giám sát tài chính, quản lý nhà nước và hiểu sâu sắc về MB, đáp ứng các tiêu chuẩn về tính độc lập theo quy định.
MB bầu 5 thành viên Ban Kiểm soát
Ban Kiểm soát gồm 5 thành viên, có ba nhân sự kế thừa từ nhiệm kỳ trước gồm bà Lê Thị Lợi, bà Nguyễn Thị An Bình, bà Đỗ Thị Tuyết Mai. Các thành viên mới trong Ban Kiểm soát là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà và ông Đỗ Văn Tiến.
Trong đó, bà Hà có 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và 19 năm gắn bó với MB. Còn ông Đỗ Văn Tiến có 32 năm trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Tiến là nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm quản lý, điều hành Chi nhánh Ngân hàng; có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong hoạt động phê duyệt tín dụng của MB.
Trước đó, MB đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào ngày 19/4 với hơn 2.200 cổ đông tham dự trực tiếp. Qua đó trở thành phiên họp cổ đông ngành ngân hàng có số lượng người tham dự cao nhất năm nay.
Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu tăng lãi trước thuế hợp nhất tăng 6-8% so với năm 2023, ước đạt 27.800-28.400 tỷ đồng và tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng.
Lãnh đạo MB cho rằng đây là phương án an toàn, thận trọng trong bối cảnh nhu cầu hấp thụ vốn vay giảm, nợ xấu toàn ngành tăng gấp đôi năm ngoái, nên áp lực về trích lập dự phòng nợ xấu tăng lên. Ngoài ra, lãnh đạo MB cho biết trong năm nay ngân hàng có thể hoàn tất việc nhận sáp nhập bắt buộc một ngân hàng yếu kém để thực hiện tái cơ cấu.