Máu của chúng ta đang nhiễm nhựa: Lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hạt vi nhựa trong máu người
Những hạt vi nhựa này có thể đi tới mọi vị trí trên cơ thể bạn.
Ngay lúc này, có khoảng 25 nghìn tỷ tế bào hồng cầu đang chen chúc nhau trên những xa lộ động mạch và tĩnh mạch khắp cơ thể bạn. Chúng giống như những chiếc xe tải trên cao tốc, đang chở O2 và CO2 ra vào các tế bào.
Nhưng đôi khi, một tế bào hồng cầu nhìn sang bên và phải thốt lên "What the… một hạt vi nhựa!".
Nhựa là thứ vật liệu trụ cột cho nền văn minh của chúng ta, một dấu ấn của kỷ Anthropocene . Nhưng khi nó xuất hiện không đúng nơi, đúng chỗ - nhựa là một loại rác, một loại rác độc hại không phân hủy.
Bây giờ, một nghiên cứu đầu tiên đã xác nhận sự hiện diện của nhựa trong mạch máu con người. Rốt cuộc thì chúng đã đi vào cơ thể chúng ta bằng cách nào? Và hậu quả sẽ là gì?
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Vrije Amsterdam và Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, Hà Lan. Trong đó, họ đã phân tích mẫu máu thu được từ 22 người hiến tặng khỏe mạnh.
Các nhà khoa học đã thực hiện toàn bộ các xét nghiệm của mình trong phòng siêu sạch, nơi mọi hạt bụi đã được hút ra ngoài bằng các hệ thống lọc HEPA, và mọi dụng cụ thí nghiệm đều được rửa bằng nước tinh khiết đến mức không thể sạch hơn được nữa.
Hai phương pháp xác định thành phần hóa học và các hạt có trong mẫu máu đã được sử dụng để đối chiếu nhau. Kết quả vẫn cho thấy sự hiện diện của hạt vi nhựa, hay polyme tổng hợp trong số 17 mẫu thử.
Con số tương đương với tỷ lệ 77%. Nghĩa là nếu kết quả ngoại suy được áp dụng, cứ 10 người thì sẽ có tới 7 người đang có nhựa trong máu.
Các nhà khoa học Hà Lan xác định mẫu nhựa họ tìm thấy là polyethylene terephthalate- thường được gọi là nhựa PET và được sử dụng làm chai đựng nước cũng như vải quần áo. Ngoài ra còn có sự hiện diện của nhựa polyme styrene, thường được sử dụng để làm thảm và hộp đựng thực phẩm.
Trung bình, mỗi mililit máu tình nguyện viên chứa 1,6 microgam vật liệu nhựa. Người có nồng độ nhựa cao nhất trong máu là khoảng 7 microgam/mililít. Các nhà nghiên cứu cho biết nhựa trong máu tồn tại ở dạng vi hạt có kích thước 700 nm. Nghĩa là nó nhỏ hơn cả tế bào hồng cầu.
Nếu ví các tế bào hồng cầu có kích thước 7-8 micromet như những chiếc xe tải, thì hạt vi nhựa giống như những gã say rượu đang đi xe máy vào cao tốc. Chúng có thể bị nhiễm vào cơ thể từ thức ăn, nước uống, thậm chí không khí.
Và một khi đã vào cơ thể, "những hạt vi nhựa này có thể đi tới mọi vị trí trên người bạn", Kick Vethaak, một giáo sư độc tố sinh học tại Đại học Vrije Amsterdam cho biết.
Đó là thực tế đã từng được chứng minh. Năm 2018, một nghiên cứu đầu tiên của các nhà khoa học Áo đã chứng minh được sự hiện diện của hạt vi nhựa trong đường tiêu hóa của con người.
Năm 2020, lần đầu tiên các nhà khoa học Mỹ tìm thấy hạt vi nhựa trong gan, phổi và thận. Cùng năm, một nhóm nghiên cứu tại Ý còn phát hiện sự hiện diện của hạt vi nhựa trong nhau thai.
Chính xác thì tất cả những điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta? Đó vẫn là câu hỏi mà các nhà khoa học chưa thực sự hiểu rõ.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy hạt vi nhựa có thể trở thành một chất độc thần kinh, các hóa chất dư thừa trong nhựa có thể làm thay đổi môi trường nội tiết tố. Sự hiện diện của nhựa cũng làm tăng tổn thương vì hiệu ứng oxy hóa. Và do đó về lý thuyết, nhựa trong máu và nội tạng có thể thúc đẩy và làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật chưa chắc đã đúng với con người, và nếu các kết quả này được dịch sang cơ thể chúng ta, các nhà khoa học cũng cần biết tác hại của nhựa sẽ ở mức độ nào.
"Câu hỏi lớn đặt ra là lượng nhựa dồi dào này ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể người. Hạt vi nhựa có được giữ lại trong cơ thể không? Chúng có di chuyển đến một số cơ quan nhất định, ví dụ như vượt qua hàng rào máu - não không? Liệu lượng vi nhựa này có đủ cao để gây bệnh?", giáo sư Vethaak nói.
Ngoài ra còn có câu hỏi: Liệu những hạt vi nhựa mà nghiên cứu này tìm thấy có trôi nổi tự do trong huyết tương, hay chúng đã bị các tế bào bạch cầu nuốt chửng? Các tế bào bạch cầu làm việc giống như những chiếc xe cảnh sát đi tuần trên cao tốc. Chúng sẽ bắt bất kể kẻ ngoại lai nào đi vào con đường mạch máu này, từ virus, vi khuẩn nên cũng có thể cả các hạt vi nhựa.
Vì phương pháp chiết tách mà các nhà khoa học Hà Lan liên quan đến việc phá hủy mẫu, họ không thể biết chắc những hạt vi nhựa đã bị bạch cầu trấn áp hay chưa. Mỗi kịch bản về sự hiện diện của những hạt ngoại lai nguy hiểm này bên trong mạch máu của chúng ta đều có sự phân nhánh.
"Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục tài trợ cho các nghiên cứu sâu hơn nhằm làm rõ những vấn đề này", giáo sư Vethaak nói.
Tham khảo Sciencealert