Mất tập trung không còn là hòn đá cản trở sự nghiệp: 4 kiểu nghề nghiệp dễ đem lại thành công cho người hay xao nhãng

05/01/2020 08:12 AM | Sống

Mất tập trung có thể là động lực thúc đẩy trí tò mò và sáng tạo: thông tin bạn chắt lọc được càng có vẻ ít liên quan, ý tưởng của bạn càng dễ trở nên mới lạ và độc đáo. Việc bạn uể oải với những công việc có sự lặp đi lặp lại sẽ thôi thúc bạn học hỏi và trải nghiệm, mở rộng hiểu biết và phát triển trí thông minh, tăng tương tác xã hội, sự tò mò.

Bên cạnh vô số ưu điểm, kỷ nguyên số có một nhược điểm lớn là khiến người dùng tiếp cận với quá nhiều nguồn gây sao nhãng: thông báo từ các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn, tin sales. Mặc dù vẫn còn khá sớm để chứng minh ảnh hưởng dài hạn các bong bóng công nghệ tác động lên bộ não của chúng ta, các nghiên cứu khoa học gần đây vẫn chỉ ra được mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với tần suất dày đặc và sự suy giảm tập trung, yếu kém các kỹ năng xã hội, người dùng cũng dễ trở nên tự ti và có nhiều bất mãn với cuộc sống hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc một người để tâm trí mình sao nhãng bởi các thiết bị công nghệ cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc của người đó. Những người này ý thức được vấn đề của bản thân, thậm chí ám ảnh với thói quen khó bỏ của mình. Theo thống kê của Google Trends, ngày càng có nhiều người tìm đến thanh công cụ tìm kiếm Google để xin lời khuyên "làm thế nào để làm việc năng suất".

Tuy nhiên, khi lệnh cấm sử dụng các ứng dụng, trang web ngoài công việc được áp dụng tại công sở, năng suất làm việc và sự hài lòng với công việc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi lẽ mạng xã hội cho phép người ta dễ dàng hơn trong việc chia sẻ thông tin cũng như tương tác.

Nghiên cứu chứng minh rằng mức độ mất tập trung ở mỗi người là khác nhau. Sao nhãng cũng được coi là một thang đo để định hình tính cách của một người. Mặc dù phần lớn chúng ta đề cao sự tập trung, chuyên tâm vào một việc trong một khoảng thời gian nhất định, chúng ta vẫn cần nhớ rằng mất tập trung có thể là động lực thúc đẩy trí tò mò và sáng tạo: thông tin bạn chắt lọc được càng có vẻ ít liên quan, ý tưởng của bạn càng dễ trở nên mới lạ và độc đáo. Việc bạn uể oải với những công việc có sự lặp đi lặp lại sẽ thôi thúc bạn học hỏi và trải nghiệm, mở rộng hiểu biết và phát triển trí thông minh, tăng tương tác xã hội, sự tò mò.

Mất tập trung không còn là hòn đá cản trở sự nghiệp: 4 kiểu nghề nghiệp dễ đem lại thành công cho người hay xao nhãng - Ảnh 1.

Cách đối phó với sao nhãng ưu việt hơn cả có lẽ là chọn một công việc mà bạn có thể tận dụng được thói quen dễ mất tập trung của mình. Nói cho cùng thì tài năng cũng là một nét tính cách được phát huy đúng chỗ và đúng cách: nếu bạn tìm được cho mình một công việc phù hợp với bản chất con người và thói quen của bạn, những thói quen và tính cách đó sẽ được nhìn nhận là "tài năng". Nói cách khác, khi bạn tìm được môi trường làm việc có thể phát huy được những tiềm năng vốn có của mình, xác suất bạn thành công trong công việc sẽ cao hơn.

Dưới đây là 4 ngành nghề có thể giúp bạn tận dụng sự sao nhãng và trí tưởng tượng của mình. Nếu bạn thấy bản thân gặp khó khăn trong việc làm những công việc lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, bạn muốn trải nghiệm đa dạng trong công việc, những gợi ý sau có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Khởi nghiệp

Khó có con đường sự nghiệp nào cho bạn đa dạng các trải nghiệm bằng khởi nghiệp, đương nhiên khởi nghiệp ở đây bao gồm cả hình thức đơn giản và nguyên sơ nhất gọi là tự mình làm sếp của mình. Lên ý tưởng, tìm kiếm các nguồn lực để biến ý tưởng thành hành động, liên lạc với các nhà đầu tư, bán hàng và phát triển kinh doanh, bạn sẽ không có thời gian để thấy nhàm chán một khi đã bước chân vào kinh doanh. Những người này sẵn sàng đón nhận các thử thách mới, họ khác những người làm quản lý và lãnh đạo chuyên nghiệp ở sự tò mò, hứng thú với những cái mới lạ, đa dạng đồng thời dễ thấy chán hơn, những công việc lặp đi lặp lại và sự ổn định thường không phải lựa chọn của họ.

Quan hệ công chúng (PR)/Truyền thông đại chúng

Nếu bạn gặp khó khăn với việc tập trung vào một công việc lặp đi lặp lại ngày qua ngày, PR, truyền thông đại chúng sẽ là những gợi ý hay dành cho bạn. Hiếm có khi nào bạn thấy buồn tẻ vì bạn sẽ liên tục làm việc với khách hàng đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, hãy chuẩn bị tâm lý để tiếp nhận liên tục các thông tin sự kiện mới, giao tiếp với nhiều phân khúc khán giả khác nhau với đa dạng các phương thức truyền thông. 

Người làm PR chuyên nghiệp cần có khả năng tiếp thu và tổng hợp một lượng thông tin khổng lồ, chắt lọc ra các thông tin quan trọng để biến chúng thành nguyên liệu thô cho nội dung và các câu chuyện của mình. Tương tự, người làm truyền thông cần có hiểu biết đa ngành, dồi dào ý tưởng và concept, kiểm soát được nhiều giai đoạn tiến hành từ kịch bản, lên kế hoạch, casting đến đạo diễn. Các nguồn làm bạn sao nhãng thì vô tận: bạn tiếp xúc với đủ kiểu người khác nhau và họ luôn đòi hỏi bạn phải ở trạng thái sẵn sàng.

Mất tập trung không còn là hòn đá cản trở sự nghiệp: 4 kiểu nghề nghiệp dễ đem lại thành công cho người hay xao nhãng - Ảnh 2.

Chuyên gia tư vấn

Một hướng đi sự nghiệp khác dành cho các bạn sợ sự đơn điệu và lặp lại là tư vấn. Trên thực tế có nhiều loại hình tư vấn khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều phát huy được trí tưởng tượng của những người dễ sao nhãng, cởi mở với những trải nghiệm mới. Mặc dù chuyên môn vẫn là yếu tố chủ chốt, đối với mảng tư vấn, điều bạn đã biết không quan trọng trọng bằng điều bạn sẵn sàng học. Người làm tư vấn thường thành công hơn nếu họ có hiểu biết đa dạng trên nhiều lĩnh vực thay vì tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, mỗi khách hàng sẽ đem đến cơ hội để bạn học được một điều mới và phát triển một chuyên môn mới.

Báo chí

Lựa chọn cuối cùng bạn có thể hứng thú nếu bạn có một bộ não linh hoạt nhạy bén với thông tin là làm báo. Trên thực tế, công việc này thường có sự kết hợp của cả 3 nghề nghiệp đã được liệt kê ở trên. Bạn cần tạo dựng thương hiệu và bán các sản phẩm của mình như người khởi nghiệp, bạn cần nhạy bén với tin tức và các sự kiện đời sống xã hội, bạn cũng cần cởi mở với nhiều lĩnh vực, không ngừng tìm ra lời giải cho những câu hỏi mới. Tức là sự sao nhãng không dừng ở mức cảm tính mà bạn biến nó thành công cụ để mở rộng trải nghiệm và học hỏi.

Bạn không cần dằn vặt mình vì bạn mãi không thể tập trung, sự sao nhãng là một phần con người bạn. Để công việc được thuận lợi hơn, bạn nên tìm một ngành nghề có thể phát huy đặc trưng vốn có của mình. Thay vì chạy theo lý tưởng, hãy phát huy tính cách sẵn có của bản thân.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM