Mất 2 năm giải mã khoản lỗ nghìn tỷ, ông "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín kỳ vọng gì ở Gỗ Trường Thành?

08/03/2021 13:41 PM | Kinh doanh

Nhắc lại câu chuyện "giải cứu" Gỗ Trường Thành vừa qua, ông Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, kế hoạch 10 năm tới đây được ông trùm "giải cứu" xác định là thập kỷ nhảy vọt, đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu Asean cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.

Nổi tiếng với vai trò "giải cứu" những công ty lớn, mà mới đây nhất là Gỗ Trường Thành, doanh nhân Mai Hữu Tín đã có những chia sẻ, kiến nghị tại buổi đối thoại 2045 với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ông Tín kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, có giải pháp phù hợp với những diễn biến mới trong chính sách thương mại của các đối tác lớn, để xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam.

Điểm lại, cú sốc hàng tồn và khoản phải thu tại Gỗ Trường Thành (TTF) vào năm 2016, cùng những hệ luỵ đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư tham gia giải cứu, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc.

Đầu tiên, quyết định chi 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn TTF vào tháng 5, đến tháng 11/2016 Tân Liên Phát (công ty con VinGroup) đã lần lượt bán ra cổ phiếu nắm giữ. Cùng tham gia công cuộc cứu thương hiệu gỗ vang bóng một thời vào cuối năm 2017, SAM Holdings đến tháng 4/2018 cũng vội vàng rút chân…

Chỉ còn một người ở lại, Xây dựng U&I của ông Tín, sau này cùng với Sứ Thiên Thanh. Tại ĐHĐCĐ năm 2019, dù tình hình kinh doanh cũng như giao dịch TTF trên thị trường còn kém sắc, ông Tín tự tin khẳng định: "Chúng tôi cũng mất 2 năm để tìm ra con số lỗ khủng tại Công ty. Đến nay chúng tôi đã có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con lỗ đã giấu rất nhiều năm".

Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Như vậy, sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm 2016 cơ bản dứt điểm.

Lũy kế năm 2020, TTF đạt doanh thu thuần hơn 1.210 tỷ đồng và lãi ròng hơn 21 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện lần lượt 50% và 30% chỉ tiêu kế hoạch đề ra dù cải thiện mạnh so với chỉ số năm ngoái.

 Mất 2 năm giải mã khoản lỗ nghìn tỷ, ông trùm giải cứu Mai Hữu Tín kỳ vọng gì ở Gỗ Trường Thành?  - Ảnh 1.

Về công tác đầu tư phát triển, TTF năm qua cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới mang tên CTCP Central Wood với công suất 9.000 m3 mỗi tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định: Đây là địa điểm mà theo ông Tín, có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho TTF hiện nay và là nơi có cảng lớn thứ 3 trên toàn quốc.

Với thị trường xuất khẩu, TTF bày tỏ đang dần có vị thế vững chắc hơn. Năm 2020, Công ty bắt đầu đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; hiện phần lớn với 70% sản lượng gỗ đang xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Chiều ngược lại, tự nhận định thứ mà TTF thiếu chính là thị trường bán lẻ nội địa, Công ty cũng đặt tham vọng trở thành đơn vị chuyên thi công nội thất cho các công trình bất động sản trong nước song đối tác lớn nhất không thể tạo đủ dự án cho TTF do những thách thức thực tế của thị trường bất động sản thời gian qua.

Dù vậy, những tham vọng lớn vẫn chưa thực sự rõ nét, có thể do những tồn đọng quá lớn cần thêm thời gian xử lý, thị giá TTF trên thị trường vẫn khá lình xình, chưa đạt kỳ vọng của ban lãnh đạo cũng như cổ đông. Hiện, TTF đang giao dịch tại mức 5.630 đồng/cp, vẫn giữ nguyên tình trạng trong diện kiểm soát do còn lỗ luỹ kế 3.000 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2020.

 Mất 2 năm giải mã khoản lỗ nghìn tỷ, ông trùm giải cứu Mai Hữu Tín kỳ vọng gì ở Gỗ Trường Thành?  - Ảnh 2.

Điểm qua về ngành gỗ, đại diện là ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM cũng báo cáo: "Nếu tại hội nghị năm 2018, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành gỗ Việt Nam làm sao trong 5 năm tới đứng vào vị trí thứ 2 thế giới. Thì hôm nay, sau 3 năm, tôi xin vui mừng báo với Thủ tướng là năm nay chúng ta đã đứng thứ nhì thế giới".

Theo vị này, năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ tăng trưởng 2 con số. Xuất siêu đạt 10 tỷ USD. Cũng theo ông Khanh, ngành gỗ thường được nhắc tới là ngành ít đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiều lao động nhưng thực sự ngành gỗ rất quan trọng đối với Việt Nam. Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt 18 năm qua tăng trưởng 2 con số. Riêng 2 tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu 2,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ.

"Gỗ là sản phẩm có khả năng tái tạo rất lớn. Nếu xây 1m2 nhà bằng gỗ thì tiết kiệm năng lượng hơn 10 lần. Nguyên liệu nào thì cũng sẽ hết trừ gỗ. Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỉ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm", theo ước tính của ông Khanh hiện nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa phát triển của ngành đến năm 2045 còn rất lớn.

Ông Khanh cũng đề xuất Chính phủ có chính sách thúc đẩy xây dựng các thế hệ doanh nhân trẻ, coi đây là ngành khởi nghiệp; đầu tư nhiều vào công nghệ, tích cực chuyển đổi số. Ngành gỗ cần đi trước về công nghệ, cần có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không chỉ đi gia công.

Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM