Mất 100 triệu vì sập bẫy trúng thưởng trên Facebook
Với số CMND người dùng khai, đối tượng lừa đảo sẽ lấy để đi đăng ký các dịch vụ như ngân hàng và khi có vấn đề thì chính người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương vừa cho biết trong bảy tháng đầu năm nay đã tiếp nhận đến hơn 30 vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo. Trong đó có trường hợp người tiêu dùng mất hơn 100 triệu đồng bị lừa.
Tuy nhiên, hiện nhiều người trong quá trình cung cấp thông tin trên mạng xã hội, sử dụng các thông tin giao dịch tài chính không ý thức được các nguy hiểm tiềm ẩn khi bên thứ ba có thể khai thác và lợi dụng các thông tin này vào mục đích lừa đảo.
Gài bẫy trúng thưởng khủng
Chị Lê Hồng Anh, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM kể mới đây đã nhận được tin nhắn qua Facebook với nội dung “Chúc mừng tài khoản Messenger của bạn đã may mắn nhận được giải thưởng từ sự kiện Tuần lễ vàng tri ân khách hàng năm 2017. Tài khoản Facebook của bạn mang mã số DT2702 đã may mắn được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, xác nhận là tài khoản đã trúng thưởng”.
Tin nhắn còn khẳng định phần thưởng giải nhất gồm một xe máy Honda SH 150i Việt Nam trị giá 99 triệu đồng, một phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 170 triệu đồng, một thẻ sử dụng xăng miễn phí một năm trị giá 5 triệu đồng. Giải thưởng do Công ty CP Xe máy Honda Ngân lượng Việt Nam và Tập đoàn Mạng xã hội Facebook tài trợ.
Rất nhiều người khác cũng nhận được tin nhắn tương tự. Anh Nguyễn Văn Thành, nhà ở Tân Bình, TP.HCM cho hay tin nhắn này còn hướng dẫn anh truy cập vào trang www.phanthuongthang8.com và làm theo các hướng dẫn như khai tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ email, mật khẩu, tài khoản ATM. Sau khi hoàn tất các hướng dẫn trên, trang web này hiện ra thông báo khách hàng vui lòng chuẩn bị 3 triệu đồng để thanh toán phí làm hồ sơ gốc.
Bên cạnh đó, trang web yêu cầu người trúng giải phải thanh toán phí hồ sơ gốc để hệ thống thực hiện làm hồ sơ gửi về các cơ quan chức năng. Sau đó tiến hành ký kết hợp đồng trao giải với nhà tài trợ. Lệ phí thủ tục là 3 triệu đồng...
Người tiêu dùng nhận được tin nhắn trúng thưởng qua Facebook với giá trị lớn. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhiều người tiêu dùng nhận được thông báo trúng thưởng xe máy SH, điện thoại iPhone… Ảnh: TÚ UYÊN
Đánh vào lòng tham của khách
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương vừa xác nhận có nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc nhận được thông báo trúng thưởng xe máy SH, điện thoại iPhone, số tiền trị giá 100 triệu đồng...
Người thông báo khẳng định chương trình quay số trúng thưởng đã được công nhận bởi các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính,… Người tiêu dùng phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng.
“Một số người tiêu dùng xin tư vấn về tính xác thực của vụ việc, tuy nhiên có một số người đã tin và làm theo hướng dẫn. Kết quả là hàng nhận được chỉ là điện thoại chất lượng kém hoặc hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền 1-2 triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí là 100 triệu đồng” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng dẫn chứng.
Trước nguy cơ người tiêu dùng có thể bị lừa đảo và gây hoang mang trong cộng đồng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo: “Trường hợp bị đối tượng liên tục quấy rối qua điện thoại, đe dọa, ép buộc nhận thưởng…, người tiêu dùng cần kiên quyết từ chối các thông tin do đối tượng cung cấp hoặc có thể phản ánh tới các cơ quan công an tại địa phương” - cơ quan trên nhấn mạnh.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, cho biết thêm những trường hợp thông báo trúng thưởng như vậy chủ yếu đánh vào lòng tham của khách hàng. Do vậy người tiêu dùng nên tránh khai thông tin tên tuổi, địa chỉ, CMND… để nhận giải vì qua đó đối tượng lừa đảo sẽ ăn cắp thông tin.
Chẳng hạn với số CMND người dùng khai, đối tượng lừa đảo sẽ lấy để đi đăng ký các dịch vụ như ngân hàng và khi có vấn đề thì chính người tiêu dùng bị thiệt thòi. Ngoài ra, đối tượng có thể lấy CMND để đăng ký nick Facebook, sau đó bán lại. Những nick Facebook có lượng người theo dõi cao sẽ bị bán với giá vài triệu đến cả chục triệu đồng.
“Để tránh sập bẫy với các chương trình trúng thưởng trên mạng xã hội thì người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình. Bởi lẽ các server thường nằm ở nước ngoài nên rất khó đòi hỏi quyền lợi cũng như việc quản lý gần như bỏ ngỏ” - ông Thắng khuyến cáo.
Mua thông tin cá nhân quá dễ
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010 quy định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện nay việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng đã không được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dẫn tới việc rò rỉ thông tin của người tiêu dùng và đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo.
Tại Việt Nam, rất dễ dàng để một doanh nghiệp có thể mua được một danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết gồm vị trí địa lý, điện thoại, email, chức vụ. Thậm chí là lịch sử giao dịch của người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp sử dụng các thông tin này để gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email với những mục đích đa dạng và khác nhau. Thực tế cho thấy có nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tính chất lừa đảo người tiêu dùng.
Rất khó giải quyết khiếu nại
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định việc liên hệ với các đối tượng lừa đảo để giải quyết các khiếu nại liên quan đến thông báo trúng thưởng thường là rất khó do các đối tượng đã mạo danh hoặc không xác định được tính chính xác về thông tin của đối tượng.