Masan lãi trước thuế 2.074 tỷ đồng quý 1/2022, gấp 4,3 lần cùng kỳ, chuỗi WinMart và WinMart+ đem về doanh thu gần 7.300 tỷ đồng
Mảng bán lẻ đóng góp doanh thu lớn nhất cho Masan, tiếp theo là các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu.
Tập đoàn Masan vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu thuần 18.189 tỷ đồng, thấp nhất 7 quý do tác động của việc ngừng hợp nhất mảng thức ăn chăn nuôi.
Trong cơ cấu doanh thu của Masan, mảng bán lẻ tiêu dùng có doanh thu lớn nhất, đạt 7.274 tỷ đồng. Đứng thứ hai là sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu đem về 6.147 tỷ đồng. Vật liệu công nghệ cao đóng góp 3.930 tỷ đồng và MeatLife thu 577 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 2.074 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.596 tỷ đồng, lớn gấp 4,3 lần và 8,5 lần cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu lợi nhuận của Masan gồm 1.144 tỷ đồng lợi nhuận khác, 1.076 tỷ đồng lợi nhuận từ sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu, 189 tỷ đồng từ MeatLife và 138 tỷ đồng từ Vật liệu công nghệ cao. Trong khi đó, mảng bán lẻ tiêu dùng tiếp tục lỗ 366 tỷ đồng dù lợi nhuận gộp được cải thiện.
Masan cho biết, trong quý 1/2022, WinCommerce đã mở mới 109 điểm bán, giúp doanh thu WinCommerce tăng lên. Chuỗi WinMart+ đem về 4.756 tỷ đồng doanh thu trong khi các cửa hàng WinMart đạt 2.510 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý 2/2022 và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu.
Năm 2022, doanh thu Masan có thể từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22-36% so với năm 2021 (loại trừ mảng thức ăn chăn nuôi). Lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 6.900-8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 82%-124% (sau khi loại trừ các khoản thu nhập một lần và đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi).
Phúc Long năm nay dự kiến sẽ đạt 2.500-3.000 tỷ đồng doanh thu nhờ mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WinCommerce cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Với Mobicast/Reddi, thương hiệu này đặt mục tiêu thu hút 500 ngàn tới 1 triệu thuê bao.
Mới đây, Masan đã quyết định chi 65 triệu USD để mua 25% cổ phần Trusting Social.