Mark Zuckerberg tham vọng tạo ra "iPhone của thế giới ảo" và đây là chi tiết dự án đó

23/04/2022 07:49 AM | Công nghệ

Meta hiện đang triển khai 2 dự án kính thực tế ảo với tên gọi "Nazere" và "Hypernova", với tham vọng có thể làm được những gì mà Apple từng làm được với các sản phẩm iPhone của mình.

Metaverse hiện là ưu tiên hàng đầu của Mark Zuckerberg và Meta. Đó là lý do vì sao công ty này đang đẩy mạnh sản xuất các thiết bị phần cứng thực tế tăng cường (AR), với 2 sản phẩm có tên mã là “Project Nazere” và “Hypernova”.

“Project Nazere” là một cặp kính AR cao cấp, có thể hoạt động mà không cần đến smartphone. Phiên bản đầu tiên của mẫu kính này dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2024, với các bản nâng cấp cũng lần lượt trình làng vào năm 2026 và 2028. Theo The Verge cho biết, “Nazere” sẽ sử dụng ống dẫn sóng tùy chỉnh kết hợp với màn hình microLED để dung hợp hình ảnh trong thế giới thực với 1 lớp hình ảnh kỹ thuật số.

Trong khi đó, “Hypernova” là dòng sản phẩm tầm trung, hoạt động dựa vào khả năng kết nối và sức mạnh điện toán trên smartphone, và cũng sẽ ra mắt vào năm 2024. Cả “Nazere” và “Hypernova” đều sẽ tương thích với 1 loại thiết bị đeo tay sử dụng điện cơ vi sai để nhận biết các tế bào thần kinh điện, cho phép tạo ra các dữ liệu đầu vào tương tự như việc điều khiển trí não.

 Mark Zuckerberg tham vọng tạo ra iPhone của thế giới ảo và đây là chi tiết dự án đó - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg và Meta đang "tất tay" cho cho metaverse, với những mẫu kính AR hiện đại dự kiến sẽ ra mắt từ năm 2024 tới đây

Những bộ kính này đều là các sản phẩm chiến lược quan trọng trong mục tiêu tối cao nhất của Meta, đồng thời cũng là “bản mở rộng” cho khát vọng, hy vọng và cả niềm mơ ước của Mark Zuckerberg. Biên tập viên Alex Heath của The Verge nhận định: “Nếu kính AR và các phần cứng tương lai khác do Meta sản xuất có thể đi vào hoạt động, chúng sẽ đưa cả công ty này, cùng với những hoài bão của Zuckerberg, đến 1 chân trời mới. Một cựu nhân viên trong dự án của Meta từng chia sẻ với tôi rằng: “Cái tôi của Zuck gắn liền với các bộ kính AR. Anh ấy muốn chúng phải có “khoảnh khắc iPhone”.

Mỗi người sẽ có cách hiểu cụm “khoảnh khắc iPhone” của riêng mình, nhưng nhìn chung, nó liên quan đến 1 sản phẩm có tác động lớn đến thị trường và thời đại. Đó không nhất thiết phải là sản phẩm đầu tiên trong 1 lĩnh vực cụ thể, nhưng lại là một siêu phẩm nâng tầm cho cả lĩnh vực đó để có thể tiếp cận rộng rãi hơn, gần với đại chúng hơn. iPhone chính là dòng điện thoại đã làm được điều này trong hơn 1 thập kỷ qua.

Đối với một CEO mảng công nghệ như Zuckerberg, tạo ra một “khoảnh khắc iPhone” không chỉ liên quan đến doanh số cao, lợi nhuận khủng, mà còn phải cung cấp được khả năng toàn quyền kiểm soát 1 hệ sinh thái rộng lớn. Điều đó cho phép một công ty tự vẽ ra và đi trên định mệnh của chính mình - thứ mà họ không bao giờ làm được nếu xây dựng sản phẩm dựa trên nền tảng của người khác. Đã từ lâu, Zuckerberg vẫn luôn cảm thấy khó chịu khi những sản phẩm hàng đầu của Facebook/Meta luôn hoạt động trong các môi trường được vận hành bởi công ty khác, như Apple hay Google chẳng hạn.

 Mark Zuckerberg tham vọng tạo ra iPhone của thế giới ảo và đây là chi tiết dự án đó - Ảnh 2.

Zuckerberg muốn metaverse của Meta làm được những gì mà Apple đã làm được với iPhone

Trở lại năm 2015, vào cuối thời kỳ mà Facebook vẫn còn là 1 hiện tượng chứ chưa trở thành 1 gã khổng lồ khó chịu trong làng công nghệ, Mark Zuckerberg cho biết: “Một trong những hối hận lớn nhất của tôi chính là Facebook chưa có cơ hội để tự hình thành 1 hệ sinh thái hệ điều hành di động cho riêng mình”.

Cuộc cách mạng điện thoại thông minh đã diễn ra trong nhiều năm trước khi Facebook đủ lớn mạnh để tự xây dựng nền tảng của mình. Và thế là, mạng xã hội này, dù được rất nhiều người ưa chuộng, vẫn đành ngậm ngùi hoạt động trên những chiếc smartphone phổ biến nhất - iPhone và Android phone. Những nỗ lực giành lại một số quyền kiểm soát về mặt trải nghiệm, giao diện, mà điển hình là Facebook Home trên Android, đều chịu chung số phận thất bại ê chề.

Mark Zuckerberg có lý do để cảm bực mình vì vấn đề này. Ví dụ rõ ràng nhất chính là tính năng App Tracking Transparency (ATT) của Apple - cho phép người dùng quyết định liệu 1 ứng dụng có thể theo dõi hành vi của họ hay không. Đây chẳng khác nào một cú tát trời giáng vào hoạt động kinh doanh quảng cáo của Meta. Vào tháng 2 vừa qua, đại diện Meta cho biết ATT sẽ khiến công ty của họ thiệt hại đến 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022, và kéo theo đó, rất có thể sẽ là cú trượt dốc lịch sử của giá cổ phiếu.

 Mark Zuckerberg tham vọng tạo ra iPhone của thế giới ảo và đây là chi tiết dự án đó - Ảnh 3.

Metaverse là cơ hội để Facebook tạo dựng nền tảng của riêng mình, không cần phụ thuộc vào Apple, Google hay các công ty công nghệ khác

Đến năm 2024, thời điểm mà các bộ kính AR của Meta ra mắt, đối thủ lớn nhất mà họ phải đối mặt có lẽ vẫn sẽ đến từ Apple. Vậy liệu đây có phải 1 nguyên nhân nữa khiến Zuckerberg quyết tâm phải tạo ra bằng được “khoảnh khắc iPhone” cho các sản phẩm thực tế ảo của mình hay không?

Vấn đề là ở thời điểm hiện tại, không ai có thể khẳng định chắc chắn liệu Meta, Apple hay bất kỳ công ty nào khác, có thể tạo ra một sản phẩm phần cứng AR với tầm vóc và sức ảnh hưởng như iPhone đã từng làm được. Trong vòng 15 năm qua kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, ngay cả những phát minh đỉnh cao nhất của Apple, ví dụ như iPad hay Apple Watch, cũng chưa thể mang đến những tác động mạnh mẽ đối với công ty, với cả ngành công nghiệp hay cả xã hội như iPhone. Nhìn xa hơn 1 chút, làng công nghệ cũng không có nhiều “khoảnh khắc iPhone” như vậy, ngoài máy tính IBM năm 1981, hệ điều hành Windows 95 năm 1995, và mẫu iPod đầu tiên năm 2001.

Mark Zuckerberg đang làm mọi cách để hiện thực hóa ước mơ tự định hình nền tảng riêng cho các sản phẩm của mình. Không phải ngẫu nhiên, Meta/Facebook lại bỏ ra đến 2 tỷ USD để mua lại Oculus - nhà tiên phong trong lĩnh vực thực tế ảo (VR), để rồi sau đó trở thành cái tên thống trị thị trường này trong vài năm qua. Theo số liệu của IDC, bộ kính Quest 2 của Meta chiếm 78% thị phần VR năm 2021, với doanh số 8,7 triệu sản phẩm. Bên cạnh đó, người dùng Quest đã bỏ ra tổng cộng 1 tỷ USD để trải nghiệm game và các nội dung khác trên dòng thiết bị này.

 Mark Zuckerberg tham vọng tạo ra iPhone của thế giới ảo và đây là chi tiết dự án đó - Ảnh 4.

Mark Zuckerberg đang làm mọi cách để hiện thực hóa ước mơ của mình, và metaverse là 1 bước quan trọng để thực hiện điều đó

Thế nhưng, ngay cả VR cũng chưa thể tìm ra “khoảnh khắc iPhone” cho riêng mình, bởi đối với nhiều người, thực tế ảo vẫn là 1 cái gì đó mà “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Đó có lẽ cũng là 1 phần lý do vì sao trong vài năm gần đây, Meta và Facebook đã quyết định tất tay cho metaverse, một ý tưởng mà về bản chất chính là sự kết hợp giữa AR và VR.

Một điều nữa về những “khoảnh khắc iPhone”: Đó chính là việc nó sẽ không đến ngay tức khắc, mà sẽ là 1 thử thách cực đại về độ “lì đòn” của các công ty công nghệ. Ngay cả iPhone cũng vậy. Doanh số của mẫu smartphone đầu tiên nhà Apple thực sự không quá ấn tượng. Và phải đến 18 tháng sau ngày ra mắt, họ mới trình làng App Store - 1 trong những chức năng có lẽ là quan trọng bậc nhất của iPhone cho đến tận bây giờ. Xa hơn nữa, chúng ta có iPod - dòng sản phẩm không phát huy được hết tiềm năng của mình cho đến khi tương thích với Windows vào năm 2002 và cho phép người dùng tải nhạc vào năm 2003.

Vì Meta đã lên lộ trình phát triển AR ít nhất đến năm 2028, đồng thời còn khẳng định sẽ bỏ ra khoảng 10 - 15 năm để hoàn thiện metaverse, nên họ hoàn toàn hiểu rằng bản thân đang đi trên 1 hành trình dài hơi với nhiều cột mốc quan trọng cần phải chinh phục. Điều đó đồng nghĩa với việc rất có thể phải nhiều năm nữa, chúng ta mới biết được liệu Zuckerberg đã có thể hài lòng với việc tự định hình đột phá lớn lao tiếp theo trong làng công nghệ hay chưa. Với lĩnh vực này, không có gì là chắc chắn cả, kể cả khi bạn sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ USD cùng với 1 niềm tin, 1 sự kiên nhẫn vô hạn cho 1 sản phẩm.

Theo FastCompany


Theo DG

Cùng chuyên mục
XEM