Mark Zuckerberg - Gã điên có tâm và có tầm

10/11/2022 10:37 AM | Kinh doanh

Với vai trò là người lãnh đạo, CEO Mark đã dũng cảm nhận trách nhiệm cho tình hình không mấy khả quan của Meta hiện nay.

Theo tờ Fortune, khoảng thời gian này là giai đoạn chẳng mấy vui vẻ gì cho những lao động ngành công nghệ. Trong khi Elon Musk sa thải khoảng 3.700 nhân viên, tương đương một nửa lao động của Twitter thì Mark Zuckerberg của Meta (Facebook) cũng tuyên bố đuổi việc 11.000 người, tương đương 13% lao động của hãng.

Tất nhiên, việc sa thải nhân viên chẳng hề dễ dàng gì, nhất là với những lao động cống hiến lâu năm cho doanh nghiệp. Thế nhưng tờ Fortune nhận định cách sa thải lao động của Elon Musk và Mark Zuckerberg có sự khác nhau rõ rệt, cho dù nhân viên đều bị đuổi việc.

Mark Zuckerberg - Gã điên có tâm và có tầm - Ảnh 1.

Nghệ thuật sa thải

Những nhân viên Twitter nhận được thư điện tử (email) đuổi việc mà không có chữ ký của Elon Musk sau khi kết thúc ngày làm việc. Một số người thậm chí chỉ biết mình bị đuổi sau khi không thể đăng nhập được vào email hay hệ thống nội bộ của Twitter.

Mặc dù từ 3 tháng trước, nhiều nhân viên Twitter biết rằng ngày này cuối cùng cũng sẽ đến nhưng cách mà nó diễn ra khiến nhiều người phải ngã ngửa. Câu chuyện sa thải nhân viên của Elon Musk không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Nhóm Twitter tại Ấn Độ đã bị cắt giảm từ 200 nhân viên xuống còn 12 người, trong khi phần lớn lao động của hãng tại Ghana đã bị đuổi việc với chỉ 1 tháng lương trả trước.

Bức email đuổi việc của Twitter cũng khiến nhiều người bất ngờ vì chúng chẳng có chữ ký của tỷ phú Elon Musk: “Như đã chia sẻ trước đó, Twitter đang tiến hành cắt giảm nhân sự để cải thiện tình hình kinh doanh. Quyết định này không hề dễ dàng và chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến bạn là vai trò của bạn tại Twitter đã nằm trong vùng bị điều chỉnh”.

Ngay lập tức, hàng loạt khiếu nại về tính hợp pháp, sự không rõ ràng về thế nào là “bị điều chỉnh” cũng như kế hoạch bồi thường chi tiết cho người lao động đã nổ ra. Thậm chí Twitter sau đó đã phải mời lại một số nhân viên họ đã sa thải quay lại vì chẳng kiếm được ai thay thế ngay lập tức lượng công việc cực lớn còn đang dang dở.

Người dân thì đua nhau tải ứng dụng Twitter nhưng vào chỉ để “hóng biến”, còn nhiều doanh nghiệp như Mercedes hay Volkswagen thì tạm hoãn quảng cáo trên nền tảng này cho đến khi tình hình rõ ràng hơn.

Trong khi câu chuyện sa thải lao động tại Twitter khiến cộng đồng bàn tán xôn xao và gây nên nhiều sự hỗn loạn thì ngày 9/11/2022, nhà sáng lập Mark Zuckerberg của Facebook cũng tuyên bố đuổi việc 11.000 người.

Thế nhưng khác với Elon Musk, CEO Mark đã cho đăng tải công khai một bức thư có chữ ký của bản thân trên website công ty với những lời lẽ chân thành: “Tôi xin được nhận mọi trách nhiệm cho quyết định sa thải này cũng như việc khiến công ty đi đến tình trạng như hiện nay. Tôi biết điều này thực sự khó khăn với mọi người và tôi rất lấy làm tiếc vì những ảnh hưởng do quyết định sa thải trên”.

Mark Zuckerberg - Gã điên có tâm và có tầm - Ảnh 2.

Với vai trò là người lãnh đạo, CEO Mark đã dũng cảm nhận trách nhiệm cho tình hình không mấy khả quan của Meta hiện nay. Nhà sáng lập này cho biết mình đã dự đoán sai về khả năng bùng nổ của thương mại điện tử kể từ khi đại dịch bùng phát sẽ còn tiếp tục mãi mãi, nhưng trên thực tế chúng lại vấp phải khó khăn như hiện tại.

Trong bức thư của mình, Mark Zuckerberg cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ thôi việc kéo dài 16 tuần, bao gồm hỗ trợ cho những lao động nhập cư, tạo cơ hội kiếm việc làm mới, tổ chức tư vấn hoặc cung cấp thêm thông tin, giấy tờ cần thiết cho nhân viên.

Tờ Fortune nhận định, dù cùng là sa thải nhân viên nhưng hành động của Elon Musk đã khiến cho nước đi của Mark Zuckerberg trở nên ít tiêu cực hơn. Rõ ràng, đuổi việc cũng là một nghệ thuật mà các nhà lãnh đạo cần học tập.

Ông chủ có tâm

Theo Fortune, chẳng có câu chuyện sa thải nào là màu hồng cả nhưng chí ít có sự khác nhau về cách đối xử của công ty với những nhân viên đã từng đóng góp cho họ. Bởi vậy khá nhiều nhà quản lý nhân sự đã chỉ trích Elon Musk với phong cách quá thiếu tế nhị khi đuổi việc một nửa nhân viên đã từng đóng góp cho Twitter như trên.

Giám đốc nhân sự Katie Calabrese của Security Risk Advisors nhận định ngoài các vấn đề về pháp lý thì việc cắt giảm đột ngột lao động ở quy mô lớn mà không có kế hoạch chuẩn bị chu đáo chỉ cho thấy khả năng quản lý nhân sự kém cỏi.

“Khi các giám đốc làm điều này thì hoặc là họ đặt bản thân lên trên cảm nhận của người khác, hoặc là họ không muốn tốn thời gian cho việc sa thải đầy khó khăn mà chẳng mấy vui vẻ gì, hoặc là thậm chí cả 2 điều trên. Cho dù thế nào thì việc làm này cũng cho thấy sự yếu ớt, thảm hại và tàn nhẫn”, bà Calabrese chỉ trích.

Tờ Washington Post nhận định mặc dù Mark Zuckerberg cũng không hoàn toàn hoàn hảo trong việc sa thải nhân viên, ví dụ như không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của lao động sau tuyên bố đuổi việc, thế nhưng ít nhất tập đoàn này cũng biết bày tỏ lòng thành hơn Twitter.

“Tôi biết rằng nhiều người vẫn ghét Meta nhưng phải nói rằng họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người trong việc xử lý sa thải nhân viên”, nhiếp ảnh gia Daniel Cuthbert đăng trên Twitter.

“Những gì Elon Musk làm đã biến Mark Zuckerberg trở thành người hùng”, giáo sư Sarah T.Robert của trường đại học UCLA-Los Angeles nhận định.

*Nguồn: Fortune

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM