Mang cả gia tài lên phố, người nông dân được gì: Bài học kinh điển khi kinh doanh giúp bạn đặt ra mục tiêu đúng đắn cho bản thân
Người xưa có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Đây là tư tưởng người xưa truyền lại từ kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh, và kinh nghiệm ấy giờ đây trở thành bài học trong kinh doanh bởi ngày nay “thương trường cũng như chiến trường".
Có một người nông dân, bởi vì trồng được những vụ hoa màu có thu hoạch tốt, nên cuộc sống vô cùng thoải mái, dễ chịu. Người trong làng đều khen ngợi anh ta thông minh, hơn nữa có người còn khẳng định chỉ cần anh ta buôn bán, nhất định sẽ phát tài.
Trong lòng anh ta trở nên ngứa ngáy khó chịu, liền thương lượng với vợ về chuyện buôn bán. Vợ anh ta là một người hiểu chuyện, biết rằng anh ta không phải là một người buôn bán giỏi, liền khuyên anh ta nên từ bỏ suy nghĩ đó đi. Nhưng việc anh ta đã quyết, người vợ nói thế nào anh ta cũng không nghe.
Nhận thấy việc khuyên nhủ không có tác dụng, người vợ bèn nói: "Buôn bán làm ăn thì phải có tiền vốn, ngày mai anh hãy đem con cừu và con lừa duy nhất của nhà mình mang vào thành bán đi."
Sau khi nói xong, người vợ trở về nhà mẹ đẻ, tìm ba người, căn dặn họ một vài chuyện. Ngày thứ hai, anh nông dân rất vui vẻ và hào hứng lên đường. Người mà vợ anh ta tìm thì lén lút đi theo đằng sau.
Anh nông dân là một người ham ngủ. Người thứ nhất nhân lúc anh nông dân đang ngủ gật trên lưng con lừa, lấy cái chuông trên cổ con cừu xuống, buộc vào đuôi con lừa, xong dắt con cừu đi mất.
Không lâu sau, anh nông dân quay đầu lại, không thấy con cừu đâu nữa, liền vội vàng đi tìm.
Lúc này, người thứ hai đi đến, rất nhiệt tình hỏi thăm xem anh ta đang tìm cái gì.
Anh nông dân nói: "Con cừu của tôi bị người ta trộm mất rồi, anh có nhìn thấy không?"
Người thứ hai tùy tiện chỉ một hướng: "Tôi nhìn thấy một người đang dắt một con cừu từ trong rừng đi ra, chính xác là anh ta rồi, nhanh đuổi theo đi."
Anh nông dân vội vàng đuổi theo con cừu, để con lừa lại cho người "hảo tâm" kia trông nom. Đến lúc anh ta trong hai tay chẳng có thứ gì quay trở lại, thì đã không còn thấy bóng dáng con lừa và người "hảo tâm" kia nữa đâu rồi.
Anh nông dân đau lòng cực độ, vừa đi vừa khóc. Lúc đi tới gần một hồ nước, anh ta lại phát hiện có một người đang ngồi bên hồ, khóc còn đáng thương hơn anh ta.
Anh nông dân thấy rất kì lạ, nghĩ: "Còn có người nào xui xẻo hơn mình hay sao?" Vì vậy anh ta tiến tới hỏi người đó vì sao lại khóc.
Người đó nói với anh nông dân rằng, cậu ta đang đeo một túi tiền vàng lên thành mua đồ, đi tới bên hồ này nghỉ chân, lúc cậu ta cúi xuống rửa mặt, không cẩn thận làm túi tiền rơi luôn xuống nước.
Anh nông dân nói: "Vậy cậu mau xuống đó tìm túi tiền đi." Nhưng cậu ta nói mình không biết bơi, còn nói nếu anh nông dân chịu xuống hồ tìm túi tiền lên cho cậu ta, cậu ta nguyện ý tặng cho anh 20 đồng vàng.
Anh nông dân nghe thấy vậy hết sức vui mừng, nghĩ: Như vậy thì tốt rồi, tuy rằng cả cừu và lừa đều đã mất nhưng có thể có được 20 đồng vàng, như vậy những thiệt hại trước đó không những được bù đắp đủ mà anh ta còn được dư ra nữa.
Anh nông dân liền vội vàng cởi quần áo rồi nhảy xuống hồ vớt túi tiền lên. Lúc anh ta tay không leo lên bờ, quần áo và lương khô của anh ta đều không thấy đâu nữa, số tiền duy nhất còn lại cũng nhét ở trong túi áo.
Khi anh nông dân về đến nhà, bất ngờ phát hiện ra con cừu và con lừa đều còn ở trong nhà, vợ của anh ta nói: "Lúc chưa xảy ra chuyện thì lơ là sao nhãng, lúc xảy ra chuyện rồi mới hoảng loạn lo lắng, sau khi mất mát mới gấp gáp muốn đền bù. Đến những chuyện căn bản này anh còn chẳng dự liệu được, còn nói gì tới làm ăn buôn bán lớn chứ, anh vẫn là ở nhà chăm chỉ làm ruộng thì hơn."
Bài học rút ra: Mặc dù doanh nhân người Do Thái có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng họ sẽ không dễ dàng tham gia vào các lĩnh vực mà họ không quen thuộc nếu họ không có đủ bản lĩnh và năng lực. Họ tin rằng nếu làm như vậy kết quả chỉ có một kết cục duy nhất là thất bại mà thôi.