Maison chiêu mộ 2 ông chủ tai tiếng Leflair để đổi lấy dữ liệu khách hàng?

07/05/2020 20:32 PM | Kinh doanh

Trước việc Maison cho rằng chỉ thuê 2 ông chủ tai tiếng Leflair làm tư vấn, hàng trăm nhà cung cấp đồng loạt phản đối và đưa ra nhiều dẫn chứng phản bác.

Liên quan đến lùm xùm của Công ty Cổ phần Maison (Maison) khi chiêu mộ 2 ông chủ tai tiếng của Công ty Cổ phần Leflair (Leflair) về làm lãnh đạo giữa tâm điểm nợ nần, ngày 7/5, trả lời VTC News, ông Lê Minh Nhựt - Giám đốc nhân sự của Maison cho rằng chỉ tuyển 2 cá nhân này về làm tư vấn trong vòng 3 tháng.

Đồng thời, ông Nhựt khẳng định, 2 pháp nhân Maison và Leflair không có công nợ với nhau ở thời điểm hiện tại. Việc hợp tác giữa 2 đơn vị diễn ra trong năm 2018 và 2019, tất cả công nợ được tất toán vào cuối năm 2019.

Trước nội dung trả lời của đại diện Maison, hàng trăm nhà cung cấp của Leflair một lần nữa "dậy sóng". Họ cho rằng thông tin này không có căn cứ và đưa ra nhiều dẫn chứng phản bác.

Tuyển người thất bại để sử dụng chất xám?

Cụ thể, theo đại diện của gần 500 nhà cung cấp của Leflair, với thông điệp được đưa ra từ Giám đốc nhân sự của Maison, không khác nào "tự Maison đang biến mình trở thành kẻ thù của 500 nhà cung cấp của Leflair".

Theo vị này, email giới thiệu 2 ông chủ của Leflair (Loic Erwan Kevin Gautier và Pierre Antoine Brun) vào công ty được Maison viết rất trân trọng, không có nội dung nào đề cập đến việc 2 cá nhân này chỉ làm việc ở vị trí tư vấn trong thời gian ngắn.

Ông Loic Erwan Kevin Gautier và Pierre Antoine Brun, 2 nhà đồng sáng lập Leflair vừa được Maison tuyển vào vị trí tư vấn của công ty.

Nếu 2 ông chủ của Leflair chỉ được thuê làm tư vấn theo hợp đồng 3 tháng thì không cần phải đưa vào cơ cấu tổ chức vì như vậy sẽ xáo trộn hoạt động của một công ty lớn như Maison. Email hoàn toàn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Pierre và Loic trong việc giúp xây dựng và vận hành nền tảng.

Đồng thời, khi tuyển dụng nhân sự cấp cao thì chắc chắn bộ phận nhân sự của bất kỳ công ty nào cũng phải tìm hiểu rất rõ thông tin về ứng viên.

"Như đại diện của Maison thừa nhận là họ biết về việc 2 nhà sáng lập của Leflair đã phải đóng cửa trang web sau 5 năm hoạt động, tuyên bố phá sản và không thanh toán tiền công nợ lên đến 50 tỷ đồng của 500 nhà cung cấp.

Mặc dù Leflair đã kêu gọi được 11 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ nhưng cuối cùng những quỹ này rời bỏ Leflair khi chưa giải ngân xong. Từ khi thành lập năm 2014 - 2018 theo báo cáo tài chính năm 2018 thì lỗ lũy kế của Leflair là hơn 110 tỷ đồng trong khi vốn pháp định là 5,6 tỷ đồng.

Một khi 2 nhà sáng lập Leflair có trình độ chất xám ở mức độ thất bại trong việc định hướng và điều hành 1 trang e-commerce (thương mại điện tử) thì chắc chắn họ cũng sẽ không được tín nhiệm để được tuyển dụng vào một vị trí tương tự ở một công ty khác", đại diện của gần 500 nhà cung cấp phân tích.

Mặc khác, đại diện của Maison cũng biết, Leflair đang có lùm xùm tố cáo và kiện tụng bởi các nhà cung cấp về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng họ vẫn bỏ qua để tuyển dụng 2 ông chủ tai tiếng này.

 Maison chiêu mộ 2 ông chủ tai tiếng Leflair để đổi lấy dữ liệu khách hàng?  - Ảnh 1.

Email giới thiệu 2 ông chủ của Leflair vào công ty không đề cập đến việc 2 cá nhân này chỉ làm việc ở vị trí tư vấn trong thời gian ngắn.

Đổi lấy dữ liệu khách hàng?

"Việc trả lời rằng trách nhiệm giải quyết công nợ là của Leflair chứ không phải của cá nhân ông Loic Erwan Kevin Gautier và Pierre Antoine Brun thì chúng tôi hoàn toàn thất vọng với khả năng hiểu biết và kỹ năng đánh giá vấn đề của Maison", đại diện của gần 500 nhà cung cấp nói.

Để chứng minh điều này, vị này đưa ra dẫn chứng: Leflair là công ty trách nhiệm hữu hạn do ông Loic Erwan Kevin Gautier là đại diện, ông Pierre Antoine Brun là đồng sáng lập.

Theo quy định pháp luật thì ông Loic phải là người đứng ra giải quyết vấn đề. Đồng thời, ông Pierre đồng ý ký vào giấy ủy quyền, và lúc này ông Pierre cũng phải có trách nhiệm liên đới.

"Sự thất bại và tiềm tàng rắc rối pháp luật lớn như vậy mà vẫn không ngăn cản được Maison tuyển dụng Loic và Pierre. Điều này chỉ có thể giải thích bằng một từ “đánh đổi quyền lợi”. Khi 2 nhà sáng lập tuyên bố nộp đơn phá sản, thì lúc này tài sản của Leflair có 2 loại: Các loại tài sản cố định và tài sản vô hình.

Trong đó, tài sản vô hình dễ dàng mua bán, trao đổi mà khó phát hiện, đó là dữ liệu khách hàng và hệ thống vận hành của Leflair. Tính đến thời điểm này thì đây là giá trị lợi dụng duy nhất của 2 vị sáng lập Leflair", đại diện của gần 500 nhà cung cấp nhận định.

Trước đó, trong buổi họp với các nhà cung cấp ngày 10/3, chính 2 ông chủ của Leflair cũng thú nhận rằng, họ đang cố gắng bán tài sản vô hình này cho những công ty muốn phát triển e-commerce. Với những yếu tố trên, các nhà cung cấp cho rằng "có sự trao đổi nhất định" phía sau sự tuyển dụng này bất thường này.

Về vấn đề đại diện của Maison cho biết mọi công nợ đã được Leflair chi trả vào cuối năm 2019. Các nhà cung cấp khẳng định điều này là hoàn toàn sai sự thật.

 Maison chiêu mộ 2 ông chủ tai tiếng Leflair để đổi lấy dữ liệu khách hàng?  - Ảnh 2.

Các nhà cung cấp cho rằng Maison chiêu mộ 2 ông chủ tai tiếng Leflair để đổi lấy dữ liệu khách hàng.

Thực tế, các nhãn hàng do Maison phân phối tại thị trường Việt Nam được quảng cáo trên Facebook của Leflair và của cộng đồng mua hàng hiệu gồm: Christian Loubutin (21/11/2019), Puma (9/1/2020), và Mango (13/1/2020).

Quy trình thanh toán của Leflair luôn được thực hiện theo nguyên tắc: 7 ngày bán sale event + 15 ngày ra báo cáo bán hàng + 5 ngày đối chiếu công nợ và xuất hóa đơn + 15 ngày sau sẽ thanh toán. Như vậy các nhà cung cấp phải mất ít nhất 42 - 45 ngày mới có thể nhận được tiền từ Leflair.

Cho dù event của nhãn hàng Louboutin bán vào 21/11/2019 thì sớm nhất là đến ngày 5/1 mới có thể được thanh toán. Trong khi đó, trong buổi họp chính thức được ông Pierre và Loic thông báo vào tháng 3, không có nhà cung cấp nào được thanh toán công nợ của tháng 12/2019 và tháng 1/2020 và việc chi trả công nợ phải theo đúng quy định của luật phá sản.

"Do đó, việc Maison nói đã tất toàn hết vào cuối năm 2019 là sai sự thật. Đại diện của Maison đưa ra một thông điệp trái ngược lại với Leflair. Điều này cho thấy Maison đã không nói thật để phủ nhận việc có công nợ với Leflair và có thể dẫn đến thỏa thuận khác có lợi cho Maison.

Chung quy lại, dù thế nào đi nữa thì cả Maison và 2 ông chủ của Leflair rất có vấn đề. Đồng thời cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra để làm rõ có hay không loại “giao dịch bẩn” như vậy", đại diện của gần 500 nhà cung cấp khẳng định.

Theo Thy Huệ

Từ khóa:  Leflair , maison
Cùng chuyên mục
XEM