Mải quan sát hố đen, ít người biết Israel vừa phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng hôm nay nhưng chưa thành công lắm
Nó đã có thể làm được rất nhiều việc trên bề mặt Mặt Trăng, đáng tiếc là chuyến hạ cánh không suôn sẻ.
Israel nuôi tham vọng trở thành nước thứ tư trong lịch sử có thể hạ cánh an toàn một tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Giấc mơ của họ mang tên Beresheet, một tàu vũ trụ do chính các kỹ sư và nhà khoa học Israel lắp ráp; dự kiến nó sẽ hạ cánh xuống Mare Serenitatis, khu vực thuộc phía Bắc Mặt Trăng nhưng đáng buồn, nó đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng hồi 2 giờ 35 phút sáng nay, thứ Sáu ngày 12/4 theo giờ Việt Nam.
Livestream tiến trình hạ cánh bắt đầu lúc 1 giờ 45 sáng nay (giờ Việt Nam), và thông báo về việc động cơ ngừng hoạt động đột ngột xuất hiện khi Beresheet đang từ từ giảm tốc để đáp đất.
Nếu như mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Beresheet sẽ là con tàu do công ty tư nhân phát triển đầu tiên đáp được xuống Mặt Trăng. Những người đã đạt được kỳ tích này trước đây là cơ quan vũ trụ của Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Xô-viết cũ, họ đều đã hạ cánh được nhiều tàu thăm dò lên Mặt Trăng. Nước tiếp theo muốn viết tên lên danh sách này là Ấn Độ, khi họ dự định đưa tàu lên Mặt Trăng vào cuối năm nay.
Điểm khác biệt của Israel là đây: đất nước Trung Đông thực hiện sứ mệnh vũ trụ với một công ty tư nhân.
Con tàu thăm dò đã “đi nhờ” tên lửa Falcon 9 của SpaceX để lên quỹ đạo Trái Đất vào ngày 22 tháng Hai vừa qua, với điểm khởi đầu chuyến hành trình là Mũi Canaveral, Florida. Trong những tuần tiếp theo, Beresheet từ từ lấy động lượng để tự ném mình vào quỹ đạo Mặt Trăng.
Con tàu thăm dò có kích cỡ tương đương cái máy giặt mang trên mình camera, thiết bị đo từ trường tại nơi nó sẽ hạ cánh, một hộp kín lưu trữ toàn bộ dữ liệu trên Wikipedia viết bằng tiếng Anh, Ngũ Thư - tài liệu tối quan trọng của người Do Thái, cờ Israel và tuyên ngôn độc lập của đất nước Trung Đông.
Trên Beresheet còn có một loạt thiết bị thử nghiệm của NASA, đáng chú ý trong số đó là thiết bị phản chiếu laser, cho phép hiển thị vị trí chính xác trên Mặt Trăng. Những tàu thăm dò tương lai có thể dựa vào đó để hạ cánh chính xác.
Hệ thống phản chiếu laser trước khi được lắp lên tàu Beresheet.
Dự án vũ trụ này được cấp vốn một phần bởi hai cơ quan nhà nước là Cơ quan Vũ trụ Israel và Ngành Hàng không Vũ trụ Israel, tuy vậy, cơ sở chính thực hiện mọi nghiên cứu, đo đạc và lắp ráp là tổ chức phi lợi nhuận có tên SpaceIL.
SpaceIL được thành lập năm 2011 với nỗ lực giành giải Google Lunar X Prize, giải thưởng 30 triệu USD cho bất kỳ ai hạ cánh được trên Mặt Trăng, đi được 500 mét và chụp về một bức ảnh có độ phân giải cao. Khi Google Lunar X Prize hết hạn hồi tháng Ba năm ngoái, vẫn chưa đội ngũ nào giành được giải thưởng.
Nhưng điều đó không có nghĩa SpaceIL bỏ đi toàn bộ cố gắng họ đã thực hiện. Nhận được thêm quỹ từ một số nhà đầu tư khác, họ quyết định thực hiện mục tiêu lớn nhất mà SpaceIL hướng tới.
Đáng buồn là con tàu Beresheet không đạt đúng kỳ vọng, nó đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng, được xác nhận là không thể tiếp tục vận hành.