'Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp', Vingroup đã đóng những mảng nào để tập trung cho xe điện?
Vingroup lần lượt đóng cửa các mảng kinh doanh bán lẻ, dược phẩm, hàng không, sản xuất điện thoại và tivi trong 3 năm qua.
12 năm trước, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng bán Chứng khoán VincomSC, thu hẹp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, hướng trọng tâm vào bất động sản. Quyết định này đã góp phần đưa Vingroup ( HoSE: VIC ) trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong 3 năm qua, Vingroup cũng liên tục có động thái rời bỏ các mảng kinh doanh mới mở: rút lui khỏi bán lẻ, ngừng dự án hàng không, dừng sản xuất điện thoại, tivi, và mới đây nhất là mảng ôtô động cơ chạy xăng.
Vingroup tiếp tục cho thấy động thái tập trung nguồn lực tối đa cho mảng xe điện. Ảnh: Vinfast |
Khởi đầu với dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nha Trang Resort, sau đó là Trung tâm thương mại Vincom Center Bà Triệu và 2 Khu đô thị Times City, Royal City, giai đoạn 2012 tới 2018 đánh dấu sự mở rộng liên tục của Vingroup trong các mảng kinh doanh. Năm 2012 và 2013, tập đoàn lần lượt tham gia vào 2 lĩnh vực y tế và giáo dục với 2 thương hiệu Vinmec và Vinschool. Hiện đây là 2 lĩnh vực hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận của họ.
Tháng 11/2014, Vingroup khai trương chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ đầu tiên, đặt chân vào ngành bán lẻ Việt Nam. Tiếp tục mở rộng, hệ thống bán lẻ công nghệ - điện máy VinPro gồm 2 mô hình kinh doanh VinPro và VinPro+ ra mắt vào tháng 3/2015. Bên cạnh đó là hàng loạt chuỗi bán lẻ khác như VinFashion (cửa hàng kinh doanh thời trang), VinDS (cửa hàng bán lẻ chuyên biệt gồm làm đẹp, giày dép, thể thao, đồ nội thất và gia dụng).
Tới tháng 8/2015, sàn thương mại điện tử A Đây Rồi (Adayroi.vn) đi vào hoạt động. "Nữ tướng" Lê Thị Thu Thủy là người đứng đầu dự án này, cùng với rất nhiều nhân sự cao cấp trong lĩnh vực này về đầu quân cho A Đây Rồi.
Trong chiến lược mở rộng quy mô và số lượng, Vingroup đã mua lại nhiều đơn vị bán lẻ trên thị trường, khởi đầu là Ocean Mart, Maximart, sau đó là Fivimart, Shop&Go, Viễn thông A, Queensland Mart. Hệ thống của VinCommerce phủ đỏ tại các tỉnh thành, trong các con phố và các hệ thống trung tâm thương mại.
|
Doanh thu mảng bán lẻ của liên tục tăng trưởng. Năm 2019 đã gấp 70 lần của năm 2014. Trong chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ của mình, Vingroup dự kiến đến năm 2025 đạt hơn 300 siêu thị VinMart và gần 10.000 cửa hàng VinMart+.
Khi đang hướng tới một kế hoạch đầy tham vọng, những ngày cuối năm 2019, Vingroup bất ngờ công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp – công nghệ. Theo đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Vingroup chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và VinEco sang cho Masan Group.
Việc đóng các mảng kinh doanh này, theo CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang chia sẻ tại thời điểm đó là đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart. "Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn". Và Vingroup quả thực đã dồn hết mọi nguồn lực cho mục tiêu lớn nhất - một trong những công ty xe điện thông minh hàng đầu thế giới.
Năm 2017, với mục tiêu đánh dấu Việt Nam trên bản đồ ngành ôtô thế giới, Vingroup đầu tư tổ hợp ôtô và xe máy điện VinFast tại Cát Hải (Hải Phòng). Đến tháng 6/2018, VinSmart ra đời, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi. Tuy nhiên đến tháng 5/2021, Vingroup công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động.
Chưa kịp ra mắt, nhưng đầu tháng 1/2020, Vingroup gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Quyết định được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương thành lập hãng hàng không Vinpearl Air với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng. Đây sẽ là bước gần cuối trước khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau hơn nửa năm Vingroup công bố thành lập tham gia lĩnh vực này.
Hay như đầu năm 2018, Vingroup tham gia lĩnh vực sản xuất dược phẩm khi thành lập Công ty cổ phần VinFa và đầu tư xây dựng dự án "Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Các nhà phân phối thuốc VinFa cũng được thành lập đi cùng với chuỗi VinMart. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này dần thu hẹp từ cuối năm 2019.
Mới đây nhất, vào sáng nay theo giờ Hà Nội, tại lễ ra mắt 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm CES 2022 (Mỹ), bà Lê Thị Thu Thủy, người giờ đây là Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast Global cho biết VinFast sẽ dừng sản xuất ôtô động cơ xăng và chính thức chuyển thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022.
VinFast hiện kinh doanh các mẫu ôtô động cơ xăng gồm 3 dòng chủ lực là Lux SA2.0, Lux A.20 và Fadil, bên cạnh mẫu xe cao cấp với số lượng giới hạn President.
Phép thử của Vingroup
Không chỉ Vingroup, nhiều doanh nghiệp ngày nay cũng đang thực hành quan điểm kinh doanh “mở nhanh, đóng nhanh”. Đầu tư Thế Giới Di Động gọi đó là mô hình "thử và sai" với thử nghiệm tại số lượng ít các cửa hàng, nếu thấy hiệu quả sẽ mở rộng nhanh chóng. Ngược lại, "ông lớn" ngành bán lẻ sẽ khai tử mô hình này. Trong lịch sử hoạt động, Đầu tư Thế Giới Di Động mở ngành hàng đồng hồ, đóng lại các sản phẩm kính mắt thời trang, đóng chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ nhưng mở ra mô hình Điện Máy Xanh Supermini.
Nhưng không giống Đầu tư Thế Giới Di Động, có thể nhận thấy các mảng kinh doanh ngừng hoạt động của Vingroup được triển khai rất nhanh và đạt được những thành tích nổi bật về quy mô. Khởi điểm chỉ 9 siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+, hệ thống bán lẻ này có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng VinMart+ trên khắp các tỉnh thành, trước khi chuyển giao cho Masan Group. Hệ thống bán lẻ công nghệ - điện máy VinPro, VinPro+ được nâng lên 242 cửa hàng tính tới tháng 4/2018.
Sau 15 tháng, các mẫu điện thoại của VinSmart đứng thứ 3 về thị phần tại Việt Nam. Doanh số các mảng xe xăng của VinFast cũng rất ấn tượng khi thị phần chỉ thua Toyota, theo dữ liệu của Forbes. Thậm chí, Fadil là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc xe hạng A.
Thế nhưng, giống như tất cả các công ty đang trong quá trình mở rộng khác, doanh nghiệp phải đánh đổi lợi nhuận. Tổng lỗ mảng bán lẻ từ năm 2014 đến 2019 là hơn 20.000 tỷ đồng, còn mảng công nghiệp từ năm 2018 đến 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 38.430 tỷ đồng. Tạp chí Forbes dẫn số liệu từ Vingroup, tổng vốn đầu tư cho VinFast là 5,4 tỷ USD (gần 125.000 tỷ đồng). Mảng duy nhất đóng góp lợi nhuận cho hệ sinh thái Vingroup giờ đây vẫn là bất động sản - bao gồm chuyển nhượng hoặc cho thuê.
|
|
Nguồn: BCTC Vingroup |
Việc đóng lại các mảng kinh doanh một cách chóng vánh cũng đặt ra những câu hỏi về các chính sách hậu mãi và tính bổ trợ của hệ sinh thái của Vingroup. Nếu như trước đây người tiêu dùng có thể tích điểm cho các khoản chi trả tại hệ thống Vinmec, Vinschool, Vinpearl… vào VinID, thì sau khi được chuyển nhượng cho Masan Group chỉ còn chấp nhận tích điểm cho các khoản tiêu dùng tại hệ thống WinMart, WinMart+.
Với điện thoại, tivi Vsmart và các mẫu xe xăng, VinSmart và VinFast cam kết hỗ trợ hết vòng đời sản phẩm. Cụ thể, ông Hoàng Chí Trung, Tổng Giám đốc VinFast Trading Việt Nam, cho biết công ty đã dự trù kỹ lượng linh kiện, phụ tùng, thiết bị với số lượng gấp 1,5 lần thông lệ thị trường, đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng cho tất cả các dòng xe xăng của VinFast đến hết vòng đời sản phẩm. Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng đây là cơ sở để người mua bớt lo ngại cho việc hậu mãi của các sản phẩm xe xăng thương hiệu VinFast. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng băn khoăn về "toàn bộ vòng đời sản phẩm" cụ thể là bao lâu và tính khả thi của phương án hỗ trợ là cung cấp linh kiện ngay lập tức hay cần thời gian.