Mai Linh rút khỏi Thủ Thiêm, dự án trên đất vàng thủ đô vẫn hoang sơ

27/09/2016 19:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 26/9, thông tin THACO hiện đã nắm giữ 90% vốn của Đại Quang Minh - chủ đầu tư Khu đô thị Sala, trong khi Đầu tư Mai Linh đã bán toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này đã khiến thị trường BĐS những ngày cuối tháng 9 ngỡ ngàng.

Sau một thời gian dài góp vốn vào Đại Quang Minh, động thái rút khỏi Khu đô thị Sala của đầu tư Mai Linh đã khiến nhiều người hoài nghi, liệu có phải Mai Linh đang có toan tính cho một dự án lớn nào khác tại thủ đô Hà Nội sau một thời gian dài Nam tiến.

Đầu tư Mai Linh là ai?

CTCP Đầu tư Mai Linh thành lập từ những năm 2006 với một trong những cổ đông sáng lập là ông Trần Đăng Khoa. Ông Khoa (sinh năm 1970) nổi tiếng với biệt danh “Khoa Keangnam". Vốn dĩ có tên này là bởi ông tham gia khá sâu vào hoạt động mua bán, giao dịch tại một trong những dự án “hot” nhất thị trường Hà Nội thời điểm 2007-2009 trên vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina - chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower.

Sau khi thành lập, tên tuổi Đầu tư Mai Linh gắn với dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì, Hà Nội có quy mô 3 tòa tháp cao 30 tầng, khoảng 1.000 căn hộ cao cấp đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cũng tại dự án này Mai Linh từng gặp nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến việc buộc khách hàng mua nhà xây thô phải sử dụng nhà thầu do chủ đầu tư đưa ra.


Hình ảnh bà Nguyễn Thị Minh Hồng trong buổi ra mắt dự án Golden Palace và ông Trần Đăng Khoa.

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Minh Hồng trong buổi ra mắt dự án Golden Palace và ông Trần Đăng Khoa.

Đầu tư Mai Linh từng là chủ đầu tư đầu tư dự án Thành Phố Xanh 17,7ha thông qua Công ty BĐS Hồng Ngân. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã được chuyển nhượng lại cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (một công ty con của Vingroup). Hiện nay dự án này đã được đổi tên thành dự án Vinhomes Gardenia và đang được triển khai một cách rầm rộ.

Ngoài ra, Đầu tư Mai Linh cũng được biết tới với hàng loạt dự án đình đám khác như: Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công An tại lô đất 1.1 ha tại khu đô thị Bắc Cổ Nhuế-Chèm, Từ Liêm, Hà Nội, quy mô gần 600 căn hộ chung cư với tổng vốn đầu tư 1,000 tỷ đồng; tham gia đầu tư dự án Golden Palace Lê Văn Lương quy mô 17 tầng nằm ngay tại đất vàng Lê Văn Lương. Ngoài ra, tại dự án công viên Mai Dịch với tổng vốn đầu tư 975 tỷ trên diện tích 15ha Mai Linh cũng từng là một trong những nhà đầu tư chính.

Kế hoạch lớn tại thủ đô?

Sau vài năm Nam tiến, động thái rút chân khỏi dự án Khu đô thị Sala của Đầu tư Mai Linh là một quyết định lớn. Theo nhiều đồn đoán trên thị trường, Mai Linh đang tập trung sức mạnh để thực hiện một trong những dự án có quy mô lớn trên đất vàng phía Tây Hà Nội Dự án khu Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A.

Điều đặc biệt, Golden Palace A chính trước đây chính là Dự án tháp dầu khí 102 tầng của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo thiết kế ban đầu, dự án toà nhà PVN Tower cao 102 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 3/2011 dự án đã được điều chỉnh độ cao còn 79 tầng đồng thời kinh phí đầu tư giảm còn 600 triệu USD.

Hồi tháng 7/2015, giới đầu tư bất động sản xôn xao khi UBND thành phố Hà Nội chính thức chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư mới của dự án Tháp dầu khí. Đồng thời dự án này được đổi tên thành “Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A”.

Theo quy hoạch, khu công viên vui chơi giải trí nằm trong Golden Palace A có mật độ xây dựng không quá 5%, tối đa 3 tầng hầm; Khu chức năng hỗn hợp (thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở) có mật độ xây dựng không quá 50%, tầng cao tối đa 45 tầng; Khu tổ hợp khách sạn dầu khí Việt Nam thực hiện theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo quy định, CTCP Đầu tư Mai Linh, đơn vị tổ chức lập quy hoạch phải hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch chi tiết trong vòng không quá 6 tháng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin nào từ phía Mai Linh.

Theo quan sát của chúng tôi hiện nay, một phần của dự án phía tiếp giáp với đại lộ Thăng Long đã được biến thành các bãi đỗ xe, trạm trộn bê tông, địa điểm thu mua phế liệu. Dọc đường Châu Văn Liêm, Lê Quang Đạo, dự án vẫn quây tôn kín mít như cũ, bên trong cỏ mọc hoang hóa và không động thái xây dựng.

Dự án tọa lạc tại vị trí vàng phía Tây Hà Nội.

Nhìn từ phía đường Châu Văn Liêm cây cối mọc um tùm xung quanh dự án.

Bên trong dự án vẫn là những bãi đất trống không.

Trạm trộn bê tông hình thành trên đất dự án, phía giáp Đại lộ Thăng Long.


Phế liệu xây dựng đổ ngổn ngang quanh dự án.

Phế liệu xây dựng đổ ngổn ngang quanh dự án.

Theo Lan Nhi

Cùng chuyên mục
XEM