Ly kỳ những màn thâu tóm đất vàng của đại gia Việt vừa trả giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất
"Thực tế trong bối cảnh các đại gia ngồi với nhau, ai cũng có chút bốc đồng dẫn đến quá đà", đại gia Đỗ Anh Dũng, chia sẻ 1 lần bị "hớ" khi bỏ hơn 1.4000 tỉ sở hữu lô đất "vàng".
Lô đất vàng cuối cùng được đấu giá ngày 10/12 thuộc về Công ty Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức giá "vô tiền khoáng hậu" lên tới 24.500 tỉ đồng khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua. Mức giá thắng đấu giá bình quân hơn 2,4 tỉ đồng/m2 cũng là mức giá giao dịch thành công tính theo mỗi mét vuông đất cao chưa từng có trên thị trường bất động sản.
Theo đó, các thông tin về tiềm lực của Ngôi sao Việt cũng như ông chủ đứng sau nhận được sự quan tâm không nhỏ. Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và đưa ra mức giá.
Doanh nhân Đỗ Anh Dũng (bên phải) trong buổi đấu giá đất hôm 10/12 tại TP HCM.
Ông Đỗ Anh Dũng là ai?
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng sinh năm 1961. Hiện tại, ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Từ năm 2015 đến nay, ông Minh còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (nay là Tập đoàn Tân Hoàng Minh) được thành lập năm 1993 với nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, kinh doanh vận tải hành khách công cộng, xây dựng,…
Sau đó, doanh nghiệp của vị doanh nhân nhân lấn sân sang lĩnh vực vận tải với thương hiệu Taxi V20. Năm 1998, ông tiếp tục cho ra đời thương hiệu Ratex với các dòng sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Sang đến 2006, ông Dũng định hướng cho Tân Hoàng Minh trở thành một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chú trọng vào thị trường bất động sản cao cấp với nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội, Hà Tĩnh... như D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng, với mức giá dao động từ 14-56 tỷ đồng/căn (diện tích từ 113- 239m2/căn).
Rời bỏ 2 lĩnh vực kinh doanh đang gặt hái nhiều thành công để chuyển hướng sang làm bất động sản cao cấp, nhiều người nói gàn dở nhưng Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng gọi đó là cái duyên.
Mua được đất vàng nhưng tự nhận bị "hớ"
Trước thương vụ đấu giá gây xôn xao ở Thủ Thiêm, ông chủ Tân Hoàng Minh từng đứng sau nhiều lần thâu tóm đất vàng gây sốc.
Năm 2016, ông Dũng là người trả giá "khủng"" cho khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM với 1.430 tỷ đồng - cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Ở thời điểm đó, có tới 14 doanh nghiệp tham gia đấu giá khu đất với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Sau 16 phiên đấu giá căng thẳng, Tân Hoàng Minh hoàn toàn đánh bật đối thủ vì cách trả giá hào phóng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch của Tân Hoàng Minh tự nhận rằng, dù mua được "đất vàng" nhưng dưới góc độ kinh tế, đây là một cuộc đấu giá "thất bại".
"Là một nhà kinh doanh, tôi cho rằng giá bán cao hơn giá khởi điểm khoảng 10-20% là hợp lý. Bởi một dự án bất động sản, ngoài chi phí đất đai và xây dựng còn có chi phí tài chính như lãi vay trong suốt thời gian phát triển dự án. Và đây là khoản chi phí rất lớn nên chỉ cần vài chục phần trăm hàng tồn là mất lãi, thậm chí lỗ ngay", đại gia Đỗ Anh Dũng nói trong một bài phỏng vấn.
Hiểu về chi phí của hoạt động kinh doanh bất động sản như vậy, nhưng chủ tịch của tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn chấp nhận trả cái giá cao. Ông Dũng tâm sự: "Là một cuộc đấu giá…trót thắng. Thực tế trong bối cảnh các đại gia ngồi với nhau, ai cũng có chút bốc đồng dẫn đến quá đà".
Tân Hoàng Minh sau đó đã gửi văn bản cho UBND TP.HCM đề nghị được huỷ kết quả đấu giá lý do là đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá. Doanh nghiệp này sau đó cũng không nộp tiền đã trúng đấu giá.
Vụ việc mất một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Tuy nhiên, do quá thời gian quy định, nên ngoài số tiền trúng đấu giá tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỉ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.
Đến 2019, thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán 2018 ghi nhận đất vàng 23 Lê Duẩn từ tay Tân Hoàng Minh về một đơn vị khác.
Trước đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô "đất kim cương" tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mục đích xây trung tâm thương mại và tái định cư. Về sau, tập đoàn này cũng sang tay cho một đơn vị khách để triển khai dự án bất động sản hàng hiệu.