Lý do giúp cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử

29/12/2019 09:15 AM | Xã hội

Vụ án là trường hợp đặc biệt khi từ giai đoạn điều tra đã thu hồi được gần 9.000 tỷ đồng thất thoát. Trước ngày tuyên án, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng giao nộp đủ 3 triệu USD nhận hối lộ nên được xem xét giảm nhẹ.

Biết sai vẫn làm

Ngày 28/12, sau gần 2 tuần xét xử, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Bắc Son – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng 13 đồng phạm. Theo chủ tọa Nguyễn Thị Xuân Thu, tất cả các bị cáo trong vụ đều thừa nhận hành vi phạm tội trong quá trình thực hiện dự án cho Tổng Cty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Cty nghe nhìn toàn cầu AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng vào năm 2015.

Cụ thể, các bị cáo đã quyết định việc mua bán một cách trái pháp luật khi không có quyết định đồng ý chủ trương từ Thủ tướng Chính phủ. Chủ tọa cho rằng các bị cáo đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Để bán được cổ phần, bị cáo Phạm Nhật Vũ – nguyên Chủ tịch AVG còn gọi điện, nhắn tin hàng trăm lần cho bị cáo Nguyễn Bắc Son để nhờ ông Son yêu cầu cấp dưới đẩy nhanh tiến độ. Bị cáo Vũ cũng liên hệ với Lê Nam Trà – nguyên Chủ tịch Mobifone, Cao Duy Hải – nguyên Tổng GĐ Mobifone nhằm nắm tình hình thực hiện mua bán.

Trong vụ án, HĐXX xác định bị cáo Nguyễn Bắc Son đóng vai trò chỉ đạo xuyên suốt. Ông Son đã giới thiệu và định hướng cho Mobifone mua AVG khi bị cáo Vũ muốn bán cổ phần; chỉ đạo cấp dưới phê duyệt dự án, đưa dự án vào danh mục “Mật” của nhà nước... “Mặc dù nhận thức rõ Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án dịch vụ truyền hình của Mobifone; giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng bị cáo Son vẫn cố ý phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG” – bản án sơ thẩm nêu.

Tương tự, các bị cáo Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng), Phạm Đình Trọng – nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ TT&TT cũng nhận thức rõ việc cho Mobifone mua AVG là sai nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Son khi ký các văn bản liên quan. Tiếp đến, nhóm bị cáo là lãnh đạo tại Mobifone bị xác định đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công dẫn đến vi phạm pháp luật trong việc đề xuất đầu tư, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG của Cty AMAX làm căn cứ đàm phán giá mua dù kết quả này không có cơ sở.

Được khoan hồng vì trả lại tiền

Bản án sơ thẩm cũng ghi nhận năm 2018, Phạm Nhật Vũ đã trả lại cho Mobifone gần 9.000 tỷ đồng gồm toàn bộ tiền chuyển nhượng cổ phần, tiền lãi và các chi phí liên quan. Ông Vũ được cho đã khai báo thành khẩn, chủ động đầu thú và tích cực giúp cơ quan tố tụng giải quyết vụ án. Ngoài ra, bị cáo này được xem xét giảm nhẹ hình phạt do có thường xuyên tham gia các công việc an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... với số tiền hàng nghìn tỷ đồng; được nhiều cá nhân, tổ chức uy tín ở trong và ngoài nước xin cho hưởng khoan hồng.

Trong vụ, nhóm bị cáo nhận hối lộ đã giao nộp số tiền bất chính nên cũng được xem xét giảm nhẹ. Cụ thể, tòa án xác định khi bán được AVG, bị cáo Vũ đã hối lộ ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500 nghìn USD và Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD. Khi vụ án được phát hiện, các bị cáo Trà, Hải, Tuấn đều đã giao nộp cho cơ quan chức năng số tiền bất chính nói trên. Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng vận động gia đình giúp khắc phục hậu quả và đến nay đã trả được toàn bộ 3 triệu USD. Vì vậy, HĐXX cho rằng không cần thiết phải tử hình bị cáo Son như đề nghị của đại diện VKSND. Các bị cáo này có tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không cần chịu hình phạt bổ sung.

Lý do giúp cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử  - Ảnh 1.
Bị cáo Trương Minh Tuấn

Đánh giá vụ án, HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, làm ảnh hưởng xấu tới Mobifone – doanh nghiệp viễn thông lớn; tạo dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân... nên cần có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, tòa án cũng đánh giá, đa phần các bị cáo là người có nhân thân tốt, đạt nhiều thành tích trong lao động và chiến đấu... Đồng thời, người liên quan trong vụ là Mobifone, Bộ TT&TT cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công”, tù chung thân cho tội “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt là chung thân. Cùng về 2 tội danh này, bị cáo Trương Minh Tuấn phải nhận 14 năm tù, Lê Nam Trà lĩnh 23 năm tù, Cao Duy Hải nhận 14 năm tù.

Nhóm bị cáo chỉ phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công” cũng phải nhận án tù gồm Phạm Đình Trọng 5 năm tù; Phan Thị Hoa Mai và Hồ Tuấn – cùng nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long – cùng nguyên Phó tổng GĐ Mobifone đều chịu mức án 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên – nguyên Phó tổng GĐ Mobifone nhận 2 năm tù; bị cáo Võ Văn Mạnh – GĐ Cty thẩm định giá AMAX nhận 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Duy Quang – nhân viên AMAX lĩnh 3 năm tù.

Riêng Phạm Nhật Vũ bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Về dân sự, HĐXX tuyên hủy bỏ kê biên với căn nhà của vợ chồng bị cáo Nguyễn Bắc Son; số tiền các bị cáo nhận hối lộ đã giao nộp sẽ được tịch thu, sung công.

Theo Xuân Ân

Cùng chuyên mục
XEM