Lý do gì khiến người Hàn Quốc chi nhiều tiền nhất thế giới cho hàng xa xỉ?
Hãy cùng tìm hiểu sâu xa về lý do tạo nên cơn sốt tiêu dùng hàng hiệu cao cấp tại Hàn Quốc!
Từ lâu, ở Hàn Quốc, việc sở hữu và diện trên mình những món đồ của các thương hiệu xa xỉ là biểu tượng của sự thành công và quyền lực mà chỉ những người trung niên hoặc những người thành đạt mới sở hữu.
Gần đây, thị trường đồ hàng hiệu ở Hàn Quốc đã hoàn toàn thay đổi. Không chỉ người giàu mới vung tiền mua những món đồ này, mà cả thế hệ MZ - một thuật ngữ của Hàn Quốc dùng để chỉ thế hệ millennials và Gen Z (những người sinh từ những năm 1980 đến 2010) cũng sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho những món đồ xa xỉ. Những đứa trẻ vừa chào đời cũng được khoác lên mình đồ hiệu.
Người Hàn Quốc chi nhiều tiền nhất thế giới cho hàng xa xỉ
Khi Kelly Yoon, một bà mẹ 38 tuổi đến từ khu trung lưu Songdo, ngoại ô thủ đô Seoul (Hàn Quốc), tham dự một sự kiện của trường cùng con gái 9 tuổi, cô kinh ngạc trước những món đồ hàng hiệu mà các bà mẹ khác mặc trên người.
"Tôi thấy đủ loại túi Chanel trên đường đến lớp học của con", Kelly nói. "Các bà mẹ yêu thích bộ sưu tập trang sức Diva's Dream của thương hiệu Bulgari và Van Cleef & Arpels. Hàng hiệu nhiều đến nỗi mà áo khoác mùa đông của Moncler cứ như thể "đồng phục" cho các bà mẹ. Còn loại xe phổ biến ở đây chính là Mercedes-Benz".
Đó là một cảnh tượng phổ biến đang diễn ra trên khắp Hàn Quốc, nơi có sự kết hợp mạnh mẽ giữa những người đang tìm một địa vị trong giới thượng lưu, những đại gia bất động sản lắm tiền nhiều của và thế hệ millennials với phương châm Yolo-ing (bạn chỉ sống một lần). Họ đã "bắt tay" biến Hàn Quốc trở thành quốc gia có mức chi tiêu bình quân đầu người nhiều nhất thế giới cho các thương hiệu xa xỉ.
Theo một báo cáo của Morgan Stanley được công bố vào đầu tháng 1 năm 2023, chi tiêu của người Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân, túi xách hàng hiệu đến áo khoác phao, đã tăng 24% lên 21,8 nghìn tỷ won (hơn 416 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022. Tương đương khoảng 325 đô la Mỹ (7.6 triệu đồng) cho mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em.
Góp phần thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu cho hàng hiệu này chính là sự bùng nổ nhà ở nhanh chóng của Hàn Quốc. Giá bất động sản ở một số thành phố tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch, khiến nhiều người trở nên giàu có hơn.
Ở một phương diện khác, những người Hàn Quốc trẻ tuổi dần có suy nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ có thể sở hữu nhà ở vì giá bất động sản tăng phi mã. Họ quyết định chi tiêu hết tiền lương cho những món hàng xa xỉ.
Xu hướng này phản ánh sự gia tăng toàn cầu trong chi tiêu xa xỉ, một phần do sự giàu có ngày càng tăng trên toàn thế giới. Kết quả là túi tiền của ông trùm người Pháp Bernard Arnault, người đứng sau tập đoàn LVMH, đã nhiều nay lại càng nhiều hơn, giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới.
Tiến sĩ Lee Wonjae, giáo sư xã hội học tại Trường Cao học Công nghệ Văn hóa Kaist ở Daejeon, cho biết: “Mọi người dường như rất lạc quan về tương lai của họ trong đại dịch. Niềm tin của người tiêu dùng rất mạnh vì chứng khoán, tiền điện tử và giá nhà đất đang tăng. Dù nhiều người không dám mạo hiểm đầu tư nhưng sự thật có những người đã kiếm được tiền, vì vậy họ tin rằng mọi thứ sẽ như thế này mãi mãi”.
Tiến sĩ Ahn Dong-hyun, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết thế hệ millennials cũng góp phần vào sự bùng nổ hàng xa xỉ. “Họ có thể đã từ bỏ việc mua nhà và thay vào đó cố gắng làm cho mình hạnh phúc bằng cách mua những thứ đắt tiền".
Theo một báo cáo năm 2022 từ đơn vị khách hàng thân thiết thành viên của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte Group, việc mua hàng hóa xa xỉ của những người ở độ tuổi 20 đã tăng 70% vào năm 2021 so với năm 2018, mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc và mạng xã hội
Cô Christine Lee, một công nhân 30 tuổi kiếm được khoảng 24.000 đô la Mỹ (546 triệu đồng) một năm tại một công ty bảo hiểm, cho biết cô đã mua một chiếc túi xách Marni trị giá 1,6 triệu won (hơn 30 triệu đồng) vào năm 2020.
“Tất cả bạn bè của tôi đều có ít nhất một chiếc túi xách sang trọng”, cô nói. “Gen Z của Hàn Quốc có một phương châm gọi là Yolo. Chúng tôi không thể mua một ngôi nhà, nó quá đắt, vậy tại sao chúng tôi phải tiết kiệm tiền cho tương lai?”.
Cô Lee cho biết các bài đăng trên Instagram khoe về mua sắm đồ hiệu cũng ảnh hưởng đến cô.
Theo một báo cáo năm 2022 từ Hootsuite (công cụ quản lý truyền thông xã hội cho phép người dùng lên lịch và đăng cập nhật lên bất kỳ trang hoặc tiểu sử nào cho Facebook, Twitter, LinkedIn...), Hàn Quốc được xếp hạng thứ 3 trên thế giới bởi những người sử dụng mạng xã hội tích cực chiếm 91,2% dân số nước này.
Sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, dẫn đầu là nhóm nhạc nam BTS và bộ phim đoạt giải Oscar "Ký sinh trùng", đã thúc đẩy các hãng thời trang và thương hiệu xa xỉ hàng đầu ký hợp đồng với các ngôi sao Hàn Quốc làm đại sứ.
Những người nổi tiếng như nữ diễn viên phim "Squid Game" Hoyeon Jung bày tỏ sự ưa thích các thương hiệu bao gồm Louis Vuitton và Bentley trên Instagram, trong khi các thành viên của nhóm nhạc nữ Blackpink lại thích xài đồ Chanel, Bulgari, Cartier và Tiffany. Tháng 1 đầu năm nay, Dior ra thông báo rằng họ đã ký hợp đồng với thành viên BTS Jimin làm đại sứ toàn cầu.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết tầm quan trọng của ngoại hình có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến người tiêu dùng Hàn Quốc, với việc chi tiêu cho phẫu thuật thẩm mỹ dường như bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn và cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.