Lương trăm triệu ở ngân hàng có dễ kiếm?
Lương của lãnh đạo trăm triệu là chuyện bình thường, nhưng việc các ngân hàng công bố lương của nhân viên cũng đạt con số đó thì quả là đáng ngưỡng mộ.
Lương trong ngành ngân hàng cao đã không còn là chuyện xa lạ với xã hội. Như trong báo cáo tài chính năm 2018 vừa công bố, thu nhập bình quân của người làm tại các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB đều vượt qua con số 30 triệu đồng/tháng, còn nhiều nhà băng khác như BIDV, VietinBank, VPBank, VIB, TPBank… cũng có mức bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi tháng.
Thu nhập bình quân được hiểu là lương của cả lãnh đạo lẫn nhân viên cộng lại chia đều, ngoài ra trong thu nhập còn có cả tiền thưởng.
Lương của lãnh đạo trăm triệu là chuyện bình thường, nhưng việc các ngân hàng công bố lương của nhân viên cũng đạt con số đó thì quả là đáng ngưỡng mộ. Gần đây VIB "chơi trội" cho biết nhân viên của họ có người hưởng lương tới 97 triệu đồng/tháng, còn Nam A Bank thì không ngại ngùng tuyên bố nhân viên của họ hưởng lương còn cao hơn, tháng trăm triệu là chuyện...bình thường!
Những công bố này, ngoài sự "ghen tị", chắc hẳn làm nhiều người không khỏi băn khoăn rằng liệu mức lương ấy có thật hay không? Bao nhiêu ngân hàng trả được mức lương cao thế? Trong một ngân hàng có cả nghìn người thì mấy ai được mức lương đó? Phải làm việc đến mức nào mới được hay là phải có thâm niên bao nhiêu lâu?
Đem câu hỏi này tới gặp các giám đốc nhân sự của một số nhà băng, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng mức lương như trên là có thật, ở ngân hàng nào cũng có. Nhưng có nhiều không? Không, rất hiếm, thậm chí ở những ngân hàng nhỏ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những người nhận được mức lương cao như vậy đều là các nhân viên xuất sắc của ngân hàng và 100% là ở vị trí kinh doanh.
Tham vấn ý kiến của chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng, ThS Trịnh Minh Thảo cũng cho câu trả lời tương tự.
Theo ông Trịnh Minh Thảo, lương của các ngân hàng hiện nay chỉ sàn sàn như nhau chứ không có chênh lệch nhiều, phổ biến là mười mấy triệu đồng/tháng, còn lại là ăn theo hoa hồng sản phẩm, nhất là các vị trí bán sản phẩm bảo hiểm, huy động vốn, tín dụng và thẻ - 4 mảng đang được trả hoa hồng cao nhất.
"Trong thực tế lương vài ba chục triệu mỗi tháng là bình thường, còn lên đến trăm triệu là đột biến một vài trường hợp, như một năm chỉ rơi vào 1 tháng 2 tháng của chu kỳ tính lương, quyết toán kết quả kinh doanh chứ không phải thường xuyên" – ông nói.
Cũng theo chuyên gia đào tạo Trịnh Minh Thảo, nếu các nhân sự bán hàng tốt, đặc biệt bán bảo hiểm, thì thu nhập một tháng vài chục triệu là bình thường, bởi lẽ bảo hiểm đang trả hoa hồng khá cao, có nơi tỷ lệ tới 9 – 10% nên nếu bán được khoảng 300 triệu tiền phí bảo hiểm mỗi tháng thì tiền hoa hồng đã được 30 triệu, cộng thêm lương nữa thì thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Song ông cũng nhắc lại, việc các nhân sự được hưởng mức lương cao như vậy không nhiều, mà nhóm được 20 – 30 triệu đồng khả quan hơn.
Đối với vấn đề thâm niên, ông Thảo cho biết lương cao hay thấp ở các ngân hàng hiện nay không phụ thuộc thâm niên, bởi lẽ mức lương tính theo bậc chênh nhau rất ít và có quy định rõ ràng. Ngay cả người mới vào nếu bán tốt thì hoa hồng sản phẩm vẫn được áp dụng như người làm lâu năm, còn người làm lâu năm nếu bán hàng kém thì lương thấp hơn người mới vào là chuyện bình thường.