Lượng tiền khổng lồ mà người Mỹ đang nắm giữ có giúp kinh tế phục hồi nhanh?

28/06/2020 16:36 PM | Xã hội

Khi tiền thực sự vào túi của người dân, điều đang xảy ra lần này bởi chương trình hỗ trợ của Fed được đưa ra cùng với gói kích cầu của chính phủ Mỹ, cú huých tiền mặt đó thực sự có ý nghĩa.

Cũng giống như thời kỳ năm 2008, trong năm nay Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bơm lượng tiền kỷ lục vào hệ thống tài chính để ngăn kinh tế sụp đổ.

Thế nhưng không giống với năm 2008 khi đó phần lớn tiền tập trung dồn vào tài khoản ngân hàng tại Fed, giờ đây tiền đang vào tài khoản của người Mỹ, theo tin từ Bloomberg.

Và đây thực sự là một điều khác biệt.

Khi tiền được giữ bởi các tài khoản ở Fed, tiền đó đã không thể đến được nền kinh tế thực. Tuy nhiên khi tiền thực sự vào túi của người dân, điều đang xảy ra lần này bởi chương trình hỗ trợ của Fed được đưa ra cùng với gói kích cầu của chính phủ Mỹ, cú huých tiền mặt đó thực sự có ý nghĩa.

Những con số mới công bố không khỏi gây ấn tượng. Trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến tháng 5/2020, cung tiền M1, loại tiền thanh khoản nhất và các loại tài sản trong M1 có thể được chuyển đổi thành tiền mặt một cách dễ dàng, tăng 26%.

Tỷ lệ tăng này cao gấp 3 lần so với thời kỳ 3 tháng tương ứng vào năm 2008 và nó cao hơn bất kỳ năm nào trong khoảng 6 thập kỷ qua mà giới chức Mỹ đã theo dõi số liệu.

Lượng tiền trong tài khoản của người Mỹ đã tăng chóng mặt trong 3 tháng qua.

Vấn đề quan trọng ở đây giờ là liệu người Mỹ có thực sự ra ngoài và chi tiêu số tiền đó hay không khi mà kinh tế đang chậm rãi mở cửa kinh doanh trở lại.

Giáo sư Jeremy Siegel thuộc đai học University of Pennsylvania cho rằng khả năng người Mỹ chi tiêu sẽ có thể xảy ra, tiêu dùng người dân sẽ có thể bùng nổ, nhờ vậy sẽ giúp cho kinh tế tăng trưởng và khiến cho lạm phát năm 2021 tăng.

Nhiều chuyên gia khác lo ngại điều trái ngược sẽ có thể xảy ra. Người Mỹ với những lo sợ về khả năng thất nghiệp kéo dài trong đại dịch sẽ lựa chọn giữ tiền phòng khi khó khăn và với cách này, quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị cản trở.

Chuyên gia thuộc Bloomberg Economics, bà Yelena Shulyatyeva, nhận xét: "Nếu tỷ lệ thất nghiệp đi ngang, vì vậy tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động nặng nề. Mối lo lớn nhất chính là người tiêu dùng sẽ không chi tiêu trở lại".

Trong thời kỳ Đại Khủng hoảng, sẽ thật bất ngờ nếu nhiều người biết đến sự thật rằng, nếu xét về mặt con số thể hiện trên giấy tờ, người Mỹ có nhiều tiền hơn bất kỳ năm nào trước đó. Suy thoái kinh tế thường khiến người ta nghèo đi, hơn 40 triệu người Mỹ đã mất việc vì đại dịch.

Tuy nhiên, chính quyền liên bang đã có những động thái giúp bù lại cho thu nhập sụt giảm. Từ tháng 3/2020, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận các gói kích thích quy mô hơn 2,8 nghìn tỷ USD trong đó có tiền gửi trực tiếp đến các hộ gia đình. Tất cả các chính sách trên được đưa ra khi mà nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và nhiều loại hình kinh doanh khác buộc phải đóng cửa.

Trong tháng 4/2020, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ, tỷ lệ thu nhập khả dụng mà người Mỹ có thể dùng để chi tiêu, tăng lên mức 32,2%. Trước đại dịch Covid-19 tính ngược lại từ năm 1959, chưa bao giờ tỷ lệ này vượt quá 17,3% và thường chỉ ở mức 10% tính từ năm 1995.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM