Lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tăng cao kỷ lục, bất chấp các lệnh phong tỏa do Covid-19
Mặc dù tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 trên toàn cầu nhưng phân tích mới đây từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, mức giảm này không thấm vào đâu.
Phát thải toàn cầu từ năng lượng hóa thạch đã tăng kỷ lục 6% vào năm 2021, nhất là khi thế giới vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào than đá để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sự sụt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 được ghi nhận vào đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát và khiến các hoạt động kinh tế, xã hội bị ngừng trệ. Khi đó đã có nhiều kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mang tính bền vững hơn.
Thực tế sản xuất năng lượng tái tạo đã đạt mức tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục hơn 8.000 TWh. Kết hợp với đó là năng lượng hạt nhân vẫn chiếm phần lớn trong sản xuất điện toàn cầu.
Thế nhưng bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, than đá vẫn đóng góp rất lớn vào lượng khí thải CO2 toàn cầu liên quan đến hoạt động sản xuất năng lượng trong năm 2021. Cụ thể, sản xuất điện từ than đá đã thải ra khoảng 36,3 tỷ tấn CO2, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Lượng phát thải khí CO2 từ hoạt động sản xuất năng lượng tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Ảnh IEA
IEA báo cáo có tới 40% tăng trưởng phát thải CO2 đến từ than đá, chiếm mức cao nhất mọi thời đại là 15,3 tỷ tấn khí CO2. Một phần nguyên nhân của điều này là do giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục, dẫn đến các quốc gia đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện.
Lượng phát thải CO2 từ than đá tăng cao trong năm 2021. Ảnh IEA
Trong khi đó, phát thải từ dầu mỏ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch do khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến giao thông vận tải cho đến năm 2021, cụ thể là lĩnh vực hàng không.
Theo IEA, tình trạng tăng phát thải CO2 chủ yếu là do Trung Quốc, quốc gia chủ yếu dựa vào than đá để đáp ứng nhu cầu điện tăng 10% vào năm 2021. Nhu cầu tăng 700TWh là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Theo tính toán của IEA, tổng lượng phát thải của Trung Quốc đã vượt 11,9 tỷ tấn CO2 vào năm 2021, chiếm 33% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Bù lại Trung Quốc cũng có mức tăng sản lượng điện tái tạo lớn nhất từ trước đến nay vào năm 2021.
Mặc dù chúng ta đã thấy lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm trong thời gian xảy ra đại dịch nhưng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên.
Mức tăng kỷ lục đã từng được ghi nhận trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2021. Điều này cho thấy sự suy giảm lượng CO2 phát thải chỉ là thoáng qua và không góp phần làm chậm xu hướng này. Trong khi đó, tình trạng phát thải khí nhà kính mạnh như mê-tan vẫn đang tiếp tục tăng.
IEA cho biết trong một tuyên bố: "Thế giới hiện phải đảm bảo rằng sự phục hồi toàn cầu về lượng khí thải trong năm 2021 là một lần duy nhất và quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng góp phần vào an ninh năng lượng toàn cầu và hạ giá năng lượng cho người tiêu dùng".
Tham khảo Newatlas