Lương 6 triệu/tháng: Đàn ông kêu "không sống nổi", phụ nữ vẫn tiết kiệm được 3 triệu rưỡi? Chi tiêu thế nào là tùy bạn nhưng hãy nghĩ về lâu về dài!

28/09/2018 13:15 PM | Sống

Không ai có thể trách các bạn hay ngăn cấm các bạn chi tiêu cả nhưng hãy nghĩ về lâu về dài. Vì chẳng ai biết tương lai các bạn gặp chuyện gì mà và tiền trong một số trường hợp sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể.

Chuyện chi tiêu làm sao cho hợp lý, tiết kiệm mà không "ném tiền qua cửa sổ" thực sự là một vấn đề rất khó khăn, đặc biệt với những người trẻ. Bởi chưa có ràng buộc gì về tương lai, về gia đình nên phần lớn những người trẻ thường chi tiêu không có kế hoạch. Không ít người tới cuối tháng là lại "âm tiền" trong tài khoản, đành bóp bụng ăn mỳ tôm đợi lương về.

Nhưng cũng chẳng thể trách được họ, cuộc sống độc thân chắc chắn phải cần chi tiêu hào phóng hơn để có thể sắm sửa, làm đẹp, chăm sóc cho bản thân tốt hơn. Cái đáng trách là họ luôn kêu than rằng với số lương họ nhận được luôn luôn ít ỏi, chẳng thể chi tiêu hết cho sở thích cũng chẳng tiết kiệm được mấy.

Trên mạng xã hội, không hiếm những lần bắt gặp những bạn trẻ mỗi tháng than thở với đồng lương 6 triệu/tháng ở Thủ đô thì làm sao mà sống được. Có lẽ là khó sống thật, vì vốn dĩ sống ở những thành phố lớn vốn đắt đỏ, trên mạng xã hội lại 'follow' những người nổi tiếng mỗi tháng lại đi du lịch một lần, ăn ở nhà hàng Tây, nghỉ ở resort, khách sạn 5 sao, càng khiến con người ta càng thêm khó chịu, bức bối vì số lương mình nhận được. 

Điển hình có những cánh đàn ông than thở như sau:

"Tôi là nam giới, 22 tuổi, mới ra trường và đi làm chính thức được 3 tháng nay. Từ lúc là nhân viên thử việc (lương 3 triệu đồng/tháng) đến bây giờ là nhân viên chính thức (lương 6 triệu/tháng), tôi luôn cảm thấy lương không đủ tiêu.

Mỗi tháng tôi phải chi 1 triệu cho việc học thêm tiếng Nhật, 1 triệu để dành chơi hụi với người chị họ, 1,5 triệu cho chi phí ăn cơm gần công ty + xăng xe đi lại, 500 nghìn phụ chị gái, 300 nghìn cho bố. Còn lại 1,8 triệu dành cho tiêu vặt, mua đồ dùng cá nhân, gặp gỡ giao lưu bạn bè, nhiều khi không đủ. Tôi tiêu pha như vậy, liệu có hoang phí quá không?

Tôi đặt mục tiêu mỗi năm tiết kiệm khoảng 50 triệu. Có lẽ tôi sẽ phải cố gắng hơn nữa. Trong công ty ai cũng khen tôi lanh lẹ, nhanh nhạy. Tôi có nên đổi công việc không? Anh chị nào có cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn, xin hãy tư vấn giúp tôi." (Theo VnExpress)

"Tôi dân tỉnh mới ra Hà Nội học rồi đi làm ở đây, làm 1 năm, nhảy đủ ngành, giờ lương cứ tàng tàng 6 'củ'. Trừ chi phí chỉ đủ ăn tiêu. Nếu cứ thế thì bao giờ tôi lấy được vợ, ở ổn định ở đây? Có ai cũng rơi vào hoàn cảnh từng giống tôi, hãy cho tôi lời khuyên với." (Theo Helino)

Lương 6 triệu/tháng: Đàn ông kêu không sống nổi, phụ nữ vẫn tiết kiệm được 3 triệu rưỡi? Chi tiêu thế nào là tùy bạn nhưng hãy nghĩ về lâu về dài! - Ảnh 1.

Ấy thế mà, có những người trẻ lương 6 triệu/tháng vẫn sống vui vẻ, chi tiêu thoải mái, không kêu ca. Họ chẳng phải thiên tài hay thiên thần gì cả, chỉ là họ biết đặt hạn định chi tiêu cho bản thân mình. 

Thực ra, vấn đề chi tiêu sao cho hợp lý chẳng phải nỗi niềm riêng của những người trẻ, người độc thân mà ngay cả những người đã làm bố làm mẹ. Vì chẳng ai biết có những vấn đề phát sinh trong một tháng và vấn đề ấy cần bao nhiêu tiền để giải quyết.

Dưới đây là bảng chi tiêu của một cô gái lương 6 triệu/tháng chọn sống trọ chung với một người bạn, đi làm bắt 2 tuyến xe bus đi quận 12 đến công ty ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn tiết kiệm được 3 triệu rưỡi mỗi tháng:

Tổng thu: 6 triệu/tháng

Nhà cửa + sinh hoạt phí = 800k

Đi lại + ăn sáng = 500k

Ăn uống nấu tại nhà = 400k

Tụ tập bạn bè = 200k

Sách/học phí = 200k

Việc phát sinh ngoài ý muốn = 200k

Mỗi tháng chi tiêu tầm 2,3 triệu đến 2,5 triệu. Vậy mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 3,5 triệu.

Khoản tiền tiết kiệm đó sẽ chia làm 3 phần. Trích 500.000 bỏ vào ống heo để dành cứ 2-3 tháng là sẽ đi du lịch đâu đó 1 lần. Hoặc chính đó là tiền để đi xe về quê thăm gia đình nếu không có dự định đi nơi khác.

Phần còn lại là 1 triệu bạn ấy gửi về cho ba má, 2 triệu gửi tiết kiệm ngân hàng. Khoản ngân hàng này sẽ được tích lũy dần dần coi như đó là vốn khởi nghiệp về sau.

Hay dưới đây là bảng chi tiêu của mẹ 9X Nguyễn Hoàng Yến cho thấy vấn đề chi tiêu không tùy thuộc vào số tiền kiếm được mà là do nhu cầu và tính toán của mỗi người. Vì ở nhà chăm sóc con nên trong thời gian đó chỉ có chồng Yến là đi làm. Công việc của chồng Yến là làm cơ khí, tuy vất vả nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn 6 triệu/tháng. 

Tổng thu: 6 triệu/tháng (chưa tính ngày nghỉ bị trừ lương)

- Tiền nhà: 400k

- Tiền điện + nước: 300k

- Tiền ăn: 30k/ngày x 30 ngày = 900k

- Tiền cháo cho con: 10k/ngày x 30 ngày = 300k

- Tiền bỉm cho con: 600k (thực chi 450k)

- Tiền điện thoại: 200k

- Tiền xăng xe, hỏng hóc: 300k

- Chi tiêu khác chưa kể phát sinh: 200k

Tổng chi: 3.050k

Để ra: 2.950k

Lương 6 triệu/tháng: Đàn ông kêu không sống nổi, phụ nữ vẫn tiết kiệm được 3 triệu rưỡi? Chi tiêu thế nào là tùy bạn nhưng hãy nghĩ về lâu về dài! - Ảnh 4.

Nguồn: FBNV.

Bạn thấy đấy, cùng một số tiền nhưng mỗi người có một cách chi tiêu và tính toán khác nhau. Người thì kêu than không đủ sống, người thì vẫn còn dư tiền để biếu bố mẹ và gửi ngân hàng. Suy cho cùng, cách chi tiêu tiền sẽ cho biết bạn là người sống như thế nào, có phải người tỉ mỉ hay không. 

Không ai có thể trách các bạn hay ngăn cấm các bạn chi tiêu cả nhưng hãy nghĩ về lâu về dài. Vì chẳng ai biết tương lai các bạn gặp chuyện gì mà và tiền trong một số trường hợp sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể.

Một blogger về tài chính đã gợi ý cách chi tiêu số lương 6 triệu làm sao cho hợp lý nhất có thể: 

Khoản 1: Dành 1/2 số tiền thu nhập (tương đương 3 triệu đồng) cho chi phí sinh hoạt, bao gồm ăn, ở, đi lại. Nếu ở trọ, hãy ở ghép để giảm chi phí. Ngoài ra, bạn nên nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài để tiết kiệm và đảm bảo an toàn sức khỏe. Rất nhiều bạn đã tiết kiệm được một khoản nhờ vào nấu ăn tại nhà.

Khoản 2: 600 nghìn đồng dành cho sức khỏe. Đây là khoản dự phòng cho trường hợp ốm đau, tai nạn. Nếu không dùng đến, một năm bạn có thể để dành được khoảng 7,2 triệu đồng. 

Khoản 3: 600 nghìn đồng cho các mối quan hệ xã hội. Sẽ có lúc bạn phải đi đám cưới, sinh nhật, cà phê cùng bạn bè hoặc mua quà cho bố mẹ. 600 nghìn đồng chính là khoản tiền để chi tiêu cho các dịp này.

Khoản 4: 600 nghìn đồng dành cho việc học hành. Hãy dành khoản này để học ngoại ngữ hoặc một khóa học kỹ năng nào đó để đầu tư cho bản thân, tăng cơ hội tìm việc lương cao hơn.

Khoản 5: 600 nghìn đồng để đầu tư sinh lời. Bạn nên dành ra một khoản tiền hàng tháng để đầu tư. Tích tiểu thành đại, mỗi tháng để dành 600 nghìn đồng, chỉ sau vài tháng, con số này sẽ tăng lên. Bạn hoàn toàn có thể đủ vốn để kinh doanh nhỏ như làm cộng tác viên online, bán hàng order. Điều này còn giúp bạn trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Khoản 6: 600 nghìn đồng dành riêng cho tận hưởng cá nhân. Bạn có thể mua sắm hay thực hiện một chuyến du lịch trong ngày.

Lương 6 triệu/tháng: Đàn ông kêu không sống nổi, phụ nữ vẫn tiết kiệm được 3 triệu rưỡi? Chi tiêu thế nào là tùy bạn nhưng hãy nghĩ về lâu về dài! - Ảnh 5.

Với các khoản 2, 3, 4, 6 không dùng đến trong tháng, bên cạnh việc "nuôi heo" tiết kiệm, bạn có thể cho vào khoản 5 để đầu tư sinh lời. Rõ ràng, đồng tiền sinh lời vẫn giá trị hơn hẳn, đúng không nào?

PV (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM