Luôn sợ bị bỏ lỡ: Hội chứng phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc, hài lòng quá thấp về bản thân, luôn muốn thoát ra khỏi sự bồn chồn, phiền muộn

08/06/2018 13:59 PM | WeLearn

Chắc chắn đây không phải điều tốt. Nó khiến bạn cứ kiểm tra mạng xã hội liên tục để không cảm thấy thiếu thông tin. Để biết bạn đang ổn. Để bạn cảm thấy mình không bị bỏ lỡ.

Ngày nay bạn nghe nói rất nhiều về FOMO (Fear Of Mising Out). Nhưng ý nghĩa thật của nó là gì? Một nghiên cứu gần đây về đề tài này đã định nghĩa:

… "Cảm giác bất an và đôi khi ám ảnh rằng bạn đang bỏ lỡ điều gì đó - rằng bạn bè của bạn đang làm, đang biết, hay đang có thứ gì đó nhiều hơn hoặc tốt hơn bạn".

Với định nghĩa FOMO này, gần 75% giới trẻ cho biết họ đã trải qua hiện tượng này.

Chắc chắn đây không phải điều tốt. Nó khiến bạn cứ kiểm tra mạng xã hội liên tục để không cảm thấy thiếu thông tin. Để biết bạn đang ổn. Để bạn cảm thấy mình không bị bỏ rơi.

Bạn nghĩ điều ấy làm giảm bớt nỗi lo nhưng thường thì không phải như vậy. Nó chỉ luôn thôi thúc bạn chạy theo những dòng cập nhật vô tận trên mạng xã hội để cảm thấy an lòng.

Phải chăng nó chỉ đơn giản là một hội chứng của cuộc sống hiện đại? Theo nghiên cứu gần đây thì FOMO tệ hơn nhiều so với bạn nghĩ…

FOMO phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc

Nếu bạn bị mắc kẹt trong FOMO? Có lẽ bạn thấy không vui vẻ với cuộc sống của mình. FOMO thường xuất phát từ sự thiếu hạnh phúc.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có mức độ hài lòng thấp đối với các nhu cầu cơ bản về năng lực, sự độc lập và mối quan hệ có mức độ sợ bỏ lỡ cao hơn, tương tự với những người kém vui và kém hài lòng với cuộc sống.

Bạn không cảm thấy quá hứng thú về mọi thứ. Nhưng bạn hay tự hỏi liệu người khác có đang vui vẻ hơn bạn? Làm sao bạn thoát khỏi cảm giác bồn chồn đó? Chắc hẳn là lướt Facebook.

FOMO có liên hệ nhiều đến việc tham gia vào mạng xã hội… Nghiên cứu 2 cho thấy hội chứng sợ bỏ lỡ đóng một vai trò then chốt trong lý do cho việc tham gia vào mạng xã hội nhiều như vậy.

Thực tế FOMO thúc đẩy người ta sử dụng Facebook thường xuyên hơn ngay sau khi thức dậy, trước khi ngủ và giữa bữa ăn. Điều này giống như một thói nghiện.

Dù bạn có nhận ra hay không, bạn đang cảm thấy không được vui và bạn tìm đến mạng xã hội để cảm thấy tốt hơn. Chỉ có một điều bạn không nhận ra: thật ra việc đó khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn…

Luôn sợ bị bỏ lỡ: Hội chứng phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc, hài lòng quá thấp về bản thân, luôn muốn thoát ra khỏi sự bồn chồn, phiền muộn - Ảnh 1.

Ảo ảnh Facebook

Facebook không thể hiện bức tranh toàn diện về cuộc sống của mọi người. Nó giống như một phiên bản hoàn hảo đã được chỉnh sửa cẩn thận.

Nếu việc khoe mẽ và phô trương bị cấm thì có lẽ nhiều người sẽ chẳng đăng bài nào lên mạng xã hội đâu. Nhưng theo các nghiên cứu, chúng ta vẫn không ngừng so sánh cuộc sống, thành tựu của mình với người khác. Niềm vui này tương đương với việc đưa một người dị ứng với hạt vào chế độ ăn chỉ toàn hạt.

Nếu hai phụ nữ đều trò chuyện với bạn bè trong một khoảng thời gian bằng nhau. Người nào dành nhiều thời gian đọc về bạn bè trên facebook hơn thì người đó có xu hướng phiền muộn nhiều hơn.

Nếu một người chỉ muốn hạnh phúc thôi thì họ có thể dễ dàng đạt được. Nhưng nếu ta còn muốn hạnh phúc hơn người khác thì việc này không bao giờ dễ dàng bởi ta luôn tin rằng họ hạnh phúc hơn so với thực tế. Việc so sánh giữa mình với người có cuộc sống dường như tốt hơn là không hữu ích.

Bạn đang tự hỏi không biết cuộc sống có đủ tốt hay không rồi bạn nhìn sang ảo ảnh về cuộc sống hoàn hảo của người khác vốn đã được họ "sàng lọc", "chỉnh sửa" có chủ ý… Đó là cảm giác giống như khi đọc bản sao kê ngân hàng của bạn sau khi xem qua danh sách Forbes 400.

Bạn ghen tị bởi bạn tưởng tượng ra niềm vui người khác có. Cho dù hiểu rằng Facebook không thể hiện chính xác cuộc sống của mỗi người, nhưng việc thường xuyên so sánh cuộc sống có vẻ thiếu thốn của mình với những thứ không thật khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, phiền muộn hoặc lo âu.

Vậy phản ứng mọi người thường làm nhất là gì? Là đăng một thứ gì đó lên. Như thế để nói: Nhìn tôi đây! Tôi cũng đang cảm thấy tuyệt vời. Nhưng điều đó chỉ củng cố thêm vòng lặp FOMO mà thôi.

Những người mắc chứng FOMO có những cảm xúc mâu thuẫn đối với Facebook. Nó khiến họ lên rồi lại xuống tinh thần. Đó là một chuyến tàu lượn cảm xúc, thăng hoa rồi xuống dốc. Bạn có thể đăng một bài viết phô bày phiên bản cuộc sống được chỉnh sửa của mình để xoa dịu cảm xúc khó chịu trong lòng. Nhưng chính bài viết đó, người xem bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Vậy làm cách nào chúng ta phá bỏ vòng lặp này?

Luôn sợ bị bỏ lỡ: Hội chứng phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc, hài lòng quá thấp về bản thân, luôn muốn thoát ra khỏi sự bồn chồn, phiền muộn - Ảnh 2.

Sự chú tâm

Tìm kiếm hạnh phúc trên mạng xã hội là một ý tưởng tồi. Bởi bạn sẽ không tìm được hạnh phúc ở đó. Khi bạn biết quá nhiều về một người ‘hạnh phúc hơn’ (trong suy nghĩ của bạn), bạn mất đi nhận thức chính xác về bản thân. Nỗi sợ bỏ lỡ khiến bạn không sống trong thế giới của chính mình như một con người thật sự.

Facebook không phải đời thực, cũng chẳng phải là cuộc sống. Chắc chắn nó không có thực. Chỉ có cuộc sống thật mới là đời thực. Còn bạn lại đang so sánh bản thân mình với cuộc sống giả tạo.

Mấu chốt để có hạnh phúc thật sự chỉ tóm gọn bằng một từ: Chú tâm.

Tất cả chúng ta đều gặp những chuyện không như ý trong cuộc sống. Nhưng những việc tiêu cực ấy sẽ không làm phiền ta khi ta không bận tâm đến nó. Hãy biết nhìn vào mặt tích cực.

Hạnh phúc của bạn được quyết định bởi cách bạn phân bố sự chú tâm của mình. Điều bạn quan tâm điều khiển hành vi và quyết định hạnh phúc. Nếu bạn không hạnh phúc thì ắt hẳn bạn đang phân bố sự chú tâm của mình chưa hợp lí… Vì vậy để hạnh phúc, bạn cần chuyển sự chú tâm khỏi những điều tiêu cực về phía những điều tích cực.

Nhưng khi mắc kẹt trong vòng lập FOMO, bạn không quan tâm với thế giới thực nữa và phần lớn chú ý đến thế giới ảo – Facebook để tìm phương thuốc cho hạnh phúc của mình.

Vậy làm sao để quan tâm nhiều đến cuộc sống thực hơn. Bạn nên làm gì khi cảm thấy cuộc sống trở nên ảm đạm hoặc nhàm chán? Điều này đơn giản một cách bất ngờ...

Luôn sợ bị bỏ lỡ: Hội chứng phát sinh từ sự thiếu hạnh phúc, hài lòng quá thấp về bản thân, luôn muốn thoát ra khỏi sự bồn chồn, phiền muộn - Ảnh 3.

Hãy thử biết ơn

Hãy nhìn chung quanh. Đâu là những điều tốt đẹp mà có thể bạn đang xem thường: Người thân? Gia đình? Bạn bè?

Thử tưởng tượng rằng những điều đó bị tước mất, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Những việc tồi tệ có thể ngẫu nhiên xảy đến với chúng ta. Ở mức độ nào đó, bạn đang may mắn có được thứ bạn đang sỡ hữu. Việc tưởng tượng cuộc sống không còn những khoảnh khắc quý giá nữa sẽ khiến bạn trân trọng những điều đó hơn, biết ơn và vui vẻ hơn.

Thái độ biết ơn được cho là vị vua của hạnh phúc. Một người càng biết ơn nhiều thì càng ít có khả năng phiền muộn, lo âu, cô độc, ganh ghét hoặc có tâm lý bất ổn.

Thái độ biết ơn không chỉ giúp bạn hạnh phúc hơn, nó còn liên quan đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tâm lý so sánh với những cuộc sống giả tạo trên Facebook khiến bạn cảm thấy thiếu thốn. Việc suy ngẫm về những gì bạn may mắn sỡ hữu sẽ giúp bạn cảm thấy mình có nhiều hơn.

Đã đến lúc nhìn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn thay vì theo dõi tường nhà Facebook. Hãy tắt thông báo đi và tìm cách tốt nhất để đảm bảo bạn luôn cảm thấy tích cực khi nghe tiếng gọi đầy cảm dỗ của mạng xã hội.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM