Luật không có điều nào tên là hy vọng

16/08/2016 20:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã “bẻ” thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Thế Phương khi ông này trình bày đề nghị cho Chính phủ tự điều chính vốn nước ngoài đã phân giao năm 2016.

Chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 vào cuối giờ sáng 16-8, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã phê bình sự vắng mặt của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Theo nguyên tắc đã được Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những tờ trình của Chính phủ phải do đích thân bộ trưởng dự họp và trình bày, nếu bộ trưởng vắng mặt thì phó thủ tướng trình bày” - ông Hiển lưu ý.

Nhiều dự án giải ngân rất chậm

Báo cáo tại phiên họp, thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết “kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân”.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị cho phép giao Thủ tướng “điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương trong tổng mức 50.000 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt; theo nguyên tắc giảm vốn đối với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã đạt mức giải ngân cao hoặc đã giải ngân hết kế hoạch, có nhu cầu bổ sung thêm vốn”.

Băn khoăn về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu hỏi: “Nếu điều chỉnh kế hoạch thì có ảnh hưởng đến danh mục đầu tư không? Có xáo trộn không?”.

Thứ trưởng Phương cho biết: Điều hòa này không hề ảnh hưởng đến danh mục. Bởi vì khi được Quốc hội đồng ý cho phân bổ 50.000 tỉ này thì Bộ Kế hoạch - đầu tư có kế hoạch phân bổ danh mục cụ thể.

Nếu có điều hòa thì điều hòa với các dự án trong danh mục thôi chứ không phải ngoài danh mục. Có những danh mục chưa hoàn thành thủ tục nên chưa giao thôi chứ không phải là không giao vốn.

Đây là Chính phủ mong muốn được điều hòa linh hoạt, chỗ nào cần trước thì bố trí trước. Có những bộ giải ngân rất chậm, ví dụ phân giao cho Bộ Y tế hơn 2.100 tỉ trong năm 2016 nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 500 tỉ.

Luật đã quy định rất rõ

Giải thích về đề nghị của Chính phủ, ông Phương nói: Những dự án có khả năng giải ngân mà không giải ngân được thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả.

Nhưng luật của chúng ta thì yêu cầu giải ngân trong dự toán, trong kế hoạch được phân giao, mà kế hoạch phân giao thì không thể dự báo hết được một cách chính xác bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

“Thực tế có những dự án đã đưa vào kế hoạch nhưng lại bị tắt các thủ tục, ví dụ như đơn giản như chưa giải phóng mặt bằng xong thì không thể giải ngân được. Điển hình nhất như là dự án cầu Nhật Tân bị chậm do giải phóng mặt bằng, chúng ta bị phạt mấy triệu USD.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị được điều hòa nguồn vốn nước ngoài, để những dự án nào có điều kiện thì bố trí trước, chuyển vốn từ các dự án đang tắc chưa giải ngân được sang các dự án có thể giải ngân” - ông Phương nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chất vấn: “Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn, bây giờ anh lại bảo là chưa đủ thủ tục là sao? Vậy tại sao anh lại trình ra Quốc hội để phân bổ vốn khi chưa đủ thủ tục?”.

Thứ trưởng Phương đáp rằng thời điểm trình danh mục dự án để Quốc hội phân giao vốn thì cũng có những dự án được hy vọng là sẽ đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện. “Luật làm gì có điều nào tên là hy vọng” - ông Hiển ngắt lời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe lại, và nếu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tất cả những vấn đề điều chỉnh, bổ sung cụ thể đều phải được giải trình thấu đáo”.

Bà nói tiếp: “Vì sao ba địa phương chưa có nhu cầu lại được bố trí vốn, vì sao Bộ Tư pháp lại chưa được phân giao kế hoạch vốn… Những chuyện như thế này còn khó hiểu lắm.

Việc điều hòa vốn giữa các bộ, ngành cũng phải làm chặt chẽ, không thì người ta sẽ khiếu nại tại sao vốn của tôi lại điều chuyển cho ông khác. Sau khi rà soát rồi thì Chính phủ mới báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội”.

Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu Chính phủ chuẩn bị lại tờ trình.

Theo Lê Kiên

Cùng chuyên mục
XEM