Luật fair-play giúp Việt Nam lách qua khe cửa hẹp từng bị Nhật Bản "biến tướng" thành kiểu bóng đá "Chí Phèo"
Trước ĐT Việt Nam, từng có tiền lệ một đội bóng vượt qua vòng bảng giải đấu lớn nhờ luật fair-play. Dù vậy, cách đội bóng đó chiến thắng nhờ fair-play lại bị nhiều người chỉ trích là "dơ bẩn".
Tại VCK World Cup 2018, hình ảnh đẹp đẽ của đội tuyển Nhật Bản bị méo mó rất nhiều bởi chính fair-play, điều lệ tưởng chừng "sạch sẽ" nhất giải đấu.
Ở lượt trận cuối cùng vòng bảng, Nhật Bản đứng trước cơ hội giành vé đi tiếp vào vòng 1/8 khi chỉ phải đối đầu với Ba Lan vốn đã bị loại.
Gặp đối thủ chắc chắn rời giải sau vòng bảng, Nhận Bản có cơ hội vàng. Tuy nhiên không vì thế mà thầy trò HLV Akira Nishino chủ quan bởi Ba Lan được đánh giá cao hơn và nếu sảy chân trước đối thủ này, khả năng Nhật Bản dừng cuộc chơi cũng không nhỏ.
Đại diện châu Á tạo ra nhiều cơ hội hơn và thi đấu khá áp đảo nhưng cuối cùng Ba Lan mới là đội mở tỷ số trước ở phút thứ 59. Sau bàn thua này, "Những chiến binh Samurai" tạm thời rơi xuống vị trí thứ ba bảng H do thua Senegal hiệu số bàn thắng bại (cùng 4 điểm nhưng Senegal có hiệu số 1, Nhật Bản hiệu số 0). Hiểu rõ điều này, HLV Akira Nishino liên tục yêu cầu các học trò dồn lên tấn công hòng tìm kiếm bàn thắng.
CĐV quốc tế bất bình trước màn chơi bóng "Chí Phèo" của Nhật Bản.
Nhưng bất ngờ, ở trận đấu còn lại, Colombia vượt lên dẫn Senegal 1-0. Tin nóng hổi này được cập nhật ngay tức thì. Như vậy, với tình thế hiện tại, Nhật Bản và Senegal sẽ bằng nhau ở tất cả chỉ số và chỉ có thể chọn ra đội đi tiếp nhờ luật fair-play. Tại thời điểm đó, số điểm fair-play của đoàn quân xứ mặt trời mọc là -4. Senegal thua 2 điểm với hiệu số -6.
Giữa việc chơi đẹp, tấn công mạnh mẽ để chắc suất đi tiếp hay cố giữ nguyên tình hình hiện tại và lọt vào vòng trong nhờ điểm fair-play, ông Nishimo đã chọn phương án hai. Nhưng cách thực hiện của các cầu thủ Nhật thực sự đi ngược lại với chính tiêu chí fair-play mà họ hướng tới.
Những phút cuối trận, ĐT xứ mặt trời mọc quyết định chơi theo kiểu "Chí Phèo". Họ không thèm đá bóng nữa. Trên sân khấu của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, các khán giả lại phải chứng kiến đại diện đến từ châu Á chuyền qua chuyền lại ở sân nhà để không phải dính thêm tấm thẻ nào nữa. Thậm chí, trong khoảng 5 phút cuối, Nhật Bản còn không chịu đưa bóng qua nửa sân dù khắp các khán đài, những tiếng la ó vang lên không ngớt.
Kết thúc trận đấu, dù ĐT Nhật Bản đã đi tiếp bằng luật fair-play nhưng cách họ chơi thì chẳng fair-play một chút nào. Thậm chí, sau "kỳ tích" của ĐT Nhật, nhiều chuyên gia bóng đá còn lên tiếng đòi bỏ điều lệ ngu ngốc này đi.
CĐV Nhật Bản cũng bức xúc vì màn đá ma câu giờ của đội nhà.
Sau trận đấu, màn "trình diễn" của 2 đội nhanh chóng bị công kích thậm tệ trên các diễn đàn lớn. CĐV Stabilizermotion chia sẻ trên trang cá nhân: "Nhật Bản và Ba Lan quá tồi. FIFA cố gắng nâng cao tinh thần fair-play và Nhật Bản đáp lại bằng cách đá phi thể thao. Ba Lan cũng đồng lõa theo, thật không thể chấp nhận được".
Một người khác có tài khoản là hcehce419 viết: "Nhật Bản đi tiếp nhờ điểm fair-play nhưng họ làm sao xứng đáng với nó? 10 phút cuối với Ba Lan thật đáng hổ thẹn".
Trong khi đó, nhà báo nổi tiếng người Anh, James Pearce cảm thấy tiếc cho Senegal vì họ bị loại khi đối thủ cố ý "đá ma" đến hết trận. Anh viết: "Thật tàn nhẫn cho các đối bóng chơi hết mình như Senegal khi họ bị loại vì thẻ vàng. Nhật Bản đã chuyền ngang cả 600 lần để câu giờ và đi tiếp".
Vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến câu chuyện fair-play có nên được áp dụng là một chỉ số chính để quyết định quyền đi tiếp hay không? Tuy nhiên, không thể phủ nhận điều luật này đã hạn chế tối đa hành vi bạo lực của các cầu thủ, đặc biệt trong những trường hợp đội nhà cần giữ tỷ số. Dĩ nhiên, chơi như Nhật thì cũng không hay. Nếu chăng, ngày hôm đó trọng tài có quyền "tặng" họ tấm thẻ răn đe thì hình ảnh của "fair-play" đã không xấu xí đến vậy.