Lúa mì mất mùa trên diện rộng, các nước "găm hàng", cơn khủng hoảng bột mì ở châu Á sẽ kéo dài đến bao giờ?

03/09/2021 08:52 AM | Xã hội

Người mua lúa mì ở Châu Á vẫn đang phải chật vật để đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh dự trữ còn ít mà người bán ở các nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới hạn chế bán ra sau khi giá lúa mì tăng vọt lên mức cao kỷ lục nhất trong vòng nhiều năm qua bởi sản lượng giảm sút.

Nắng nóng gay gắt trong những tháng gần đây làm héo rũ cây trồng ở khắp các khu vực xuất khẩu lúa mì trọng điểm của thế giới, bao gồm Biển Đen, Canada và Châu Âu, khiến các công ty thương mại bị động còn người mua rơi vào tình trạng không mua đủ lượng hàng cần thiết, và có thể khiến sản xuất tại các nhà máy bột mì sụt giảm.

Những nước sản xuất lúa mì lớn, như Trung Quốc, năm nay cũng tăng cường nhập khẩu lúa mì, khiến cho tình trạng cạnh tranh mua lúa mì ở Châu Á dự báo sẽ còn tiếp diễn.

"Giá (lúa mì) đã tăng cao hơn những gì chúng tôi dự đoán", chủ sở hữu của một nhà máy xay lúa mì và sản xuất mì hàng đầu Indonesia – nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới, cho biết.

Ông nói: "Chúng tôi dự đoán chế biến lúa mì năm 2021 sẽ giảm khoảng 10% so với năm 2020" do thiếu nguyên liệu.

 Lúa mì mất mùa trên diện rộng, các nước găm hàng, cơn khủng hoảng bột mì ở châu Á sẽ kéo dài đến bao giờ?  - Ảnh 1.

Giá tham chiếu lúa mì thế giới kể từ 2011 đến nay

Các khách hàng châu Á, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu lúa mì toàn cầu - thường có phản ứng với giá lúa mì tăng sớm hơn so với các khu vực khác do thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp và khoảng cách về địa lý xa với những thị trường giao dịch lúa mì chủ chốt - khiến cho chi phí vận chuyển tốn kém hơn những khu vực khác.

Người mua lúa mì ở châu Á hiện phải trả thêm khoảng 35 đô la mỗi tấn chi phí vận chuyển lúa mì từ những nhà xuất khẩu lớn như Canada, cao gấp hơn 2 lần so với số tiền mà các nhà nhập khẩu Bắc Phi phải trả khi mua lúa mì Biển Đen và Châu Âu.

Những người tiêu dùng khác cũng nhạy cảm với chi phí đã bắt đầu cảm nhận được tác động từ việc giá lúa mì tăng, chẳng hạn như khách hàng Ai Cập – nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – tháng 8 đã có đợt tăng giá bánh mì lần đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ, sau khi kinh phí của những chương trình trợ cấp lương thực tăng vọt.

Giá các mặt hàng chủ chốt như bánh mì là vấn đề nhạy cảm ở nhiều quốc gia. Trong quá khứ, giá lương thực cao đã gây ra bạo loạn xã hội ở Ai Cập vào năm 2011, khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Đối với Việt Nam, chi phí nhập khẩu lúa mì năm nay cũng tăng mạnh hơn nhiều so với mức tăng khối lượng nhập khẩu do giá tăng cao. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu lúa mì trong nước năm nay tăng do tiêu thụ mì gói tăng (do Covid-19) và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tăng (bởi sản lượng lợn tăng sau dịch tả lợn Châu Phi) ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sử dụng lúa mì làm nguyên liệu.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước nhập khẩu gần 2,75 triệu tấn lúa mì, trị giá gần 773,86 triệu USD, giá trung bình 281,8 USD/tấn, tăng cả về khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 63,4%, 77,8% và 8,8%.

Sản lượng giảm

Tình trạng mất mùa lúa mì đang xảy ra trên diện rộng ở khắp nơi trên thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã hạ tổng cộng 20 triệu ấn trong dự báo về sản lượng của 2 nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới là Nga và Canada trong niên vụ hiện tại, khiến dự trữ toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, làm dấy lên khả năng việc giá lúa mì tăng trên toàn cầu mới chỉ là giai đoạn đầu.

 Lúa mì mất mùa trên diện rộng, các nước găm hàng, cơn khủng hoảng bột mì ở châu Á sẽ kéo dài đến bao giờ?  - Ảnh 2.

Sản lượng và xuất khẩu lúa mì của các nước cung cấp chủ chốt

Giá lúa mì xuất khẩu của Ukraina và của Pháp đã tăng gần 20% trong tháng qua, khiến nhiều khách hàng không thể ký hợp đồng mua. Giá lúa mì xuất khẩu của Nga cũng liên tiếp 7 tuần qua.

Giá lúa mì càng tăng sau khi dự báo mùa xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ bị kéo dài với lượng xuất khẩu nhỏ giọt sau khi nước này tăng thuế xuất khẩu lúa mì, làm cho doanh số bán mặt hàng này chậm lại.

Ông Andrey Sizov thuộc công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon ở Moscow cho biết, nông dân Nga cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường để bán vì họ hy vọng giá cao hơn. Năm nay, những người trồng lúa mì ở Nga chủ yếu là những người có tiềm lực kinh tế nên họ có khả năng găm hàng lại để chờ giá cao hơn mới bán nhằm thu lời nhiều hơn.

Xuất khẩu của Nga, theo số liệu theo dõi bởi Refinitiv, đạt tổng cộng 3,1 triệu tấn trong tháng 8, giảm 20% so với mức trung bình của tháng 8 trong các năm của giai đoạn 2018 đến năm 2020. Về niên vụ 2021-22, Sovecon ước tính tổng xuất khẩu lúa mì Nga là 33,9 triệu tấn, sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2016-17.

Dự trữ giảm mạnh

Một nhà kinh doanh tại Singapore cho biết, các kho dự trữ lúa mì tại châu Á sẽ không có nhiều hàng dự trữ để xuất ra trong thời gian tới vì lượng dự trữ hiện tại thấp hơn mức bình thường, ví dụ các nhà xay xát lúa mì ở Indonesia hiện chỉ có lượng dự trữ đủ dùng trong khoảng 2 – 3 tháng, so với mức thông thường là 4 tháng.

Theo thông tin từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp lúa mì Mỹ và Biển Đen cho thị trường Châu Á, giá lúa mì cao hồi đầu năm nay và đại dịch Covid-19 đã lầm cho tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ bị chậm lại.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Philippines đều là những nước nhập khẩu ròng lúa mì.

Australia là điểm sáng hiếm hoi về tiềm năng sản xuất lúa mì trong năm nay, nhưng nông dân nước này cũng đang hạn chế bán, khiến cho dòng chảy lúa mì càng thêm tắc nghẽn.

Tham khảo: Refinitiv, World-grain

Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM