Lũ đã về, dân miền Tây như... sống lại!

09/10/2016 20:14 PM | Kinh tế vĩ mô

Lũ về muộn và cao hơn cùng kỳ năm trước làm cho dân nghèo ở miền Tây như được “sống lại” sau thời gian dài chờ đợi để mưu sinh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày gần đây, nhờ khu vực ĐBSCL thường xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên các đồng thuộc ở trũng của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã mênh mông nước. Đặc biệt, mực nước tại những cánh đồng giáp biên giới với Campuchia thuộc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận là đạt mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến người dân miền Tây cảm thấy rất vui.

Anh Huỳnh Văn Giang ở ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết cách nay không lâu, tại khu vực giáp biên này vẫn còn cảnh đồng khô cỏ cháy. Không thể chờ đợi được nữa nên anh Giang sang các cánh đồng bên Campuchia để hành nghề bẫy chuột với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nhiều dân nghèo khác ở đây phải chấp nhận bỏ xứ lên Bình Dương hoặc TP HCM để làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, khoảng 15 ngày trở lại đây, nước từ dòng kênh Vĩnh Tế bất ngờ dâng cao liên tục nên cả cánh đồng này chìm trong biển nước.

Anh Giang cho biết với 250 cái lợp như thế này nhưng mỗi ngày anh chỉ bắt được 10 kg cua đồng
Anh Giang cho biết với 250 cái lợp như thế này nhưng mỗi ngày anh chỉ bắt được 10 kg cua đồng

“Hiện cả xóm này chỉ còn lại khoảng hơn chục người chưa đi Bình Dương nên đã chuyển sang nghề đặt lợp cua hoặc giăng lưới cá linh. Với 250 cái lợp, mỗi ngày tôi bắt được khoảng 10 kg cua đồng để bán cho thương lái với giá 14.000 đồng/kg. Nếu trừ đi các khoản phí, thuế cho bên Campuchia thì tôi còn được khoảng 90.000 đồng. Với số tiền như vậy thì cũng coi như gia đình tôi tạm sống được qua ngày chứ không thể có dư”- anh Giang chia sẻ.

Còn anh Đỗ Văn Chí Linh ở xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết dân nghèo nơi đây chỉ mong năm nào cũng có lũ về để đi giăng câu, thả lưới hoặc sang Campuchia đặt lợp bắt cua, ốc kiếm sống. Những người có sức khỏe tốt thì làm nghề khuân vác ở các vựa thu mua thủy sản do người Campuchia mang sang bán lại với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Do nước lũ vừa ngập đồng nên các chủ vựa mới chỉ thu mua cua, ốc để giao lại cho các chủ vựa lớn hơn ở TP Châu Đốc hoặc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cũng do lũ về muộn nên có nhiều khả năng đến tận tháng 11 thì các chủ vựa mới mua được các loại cá, tôm, trong đó chủ yếu là cá linh già để làm mắm hoặc nước mắm.

Lượng cá, tôm từ Campuchia về các vựa ở xã Phú Hội hiện chưa nhiều mà chủ yếu là cua, ốc.

Những anh em công nhân trong đội khuân vác của anh Linh được chủ vựa trả công 150.000 đồng/ngày.

“Hiện tại thì mỗi ngày chủ vựa ở đây mua vào khoảng 3 tấn cua và ốc. Tất cả những thứ này đều do người Campuchia đem qua đây bán chứ ở bên mình thì đâu còn gì nữa. Ngay cả bông súng đồng bây giờ cũng phải “nhập khẩu” từ bên đó về. Nói chung là dân nghèo như tụi tôi chỉ mong năm nào cũng có lũ về để có công ăn việc làm chứ không thì khổ lắm”- anh Linh lo lắng.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã có nước lũ về nhưng đa số dân nghèo ở các huyện nguồn sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp lại tỏ ra kém vui vì nguồn lợi thủy sản gần như không có gì. Hình ảnh của mùa lũ hay mùa nước nổi ở tỉnh này vẫn còn đó nhưng chỉ để phục vụ cho nhu cầu du lịch chứ người dân địa phương không được hưởng lợi gì. Không còn nhiều tôm, cá để khai thác như trước nên có người phải chạy xuồng máy sang tận Campuchia mua bông súng đồng để mang về bán lại kiếm tiền chênh lệch.

Dân nghèo ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tỏ ra kém vui vì lũ đã về nhiều nhưng nguồn lợi thủy sản thì không có gì đáng kể.

Cha con anh Nguyễn Văn Tạo ở xã Thường Thới Hậu A chỉ bắt được mớ cua và cá linh sau một buổi thăm dớn.

Ngay cả việc người dân dùng đú 12 cửa ngục cũng không dính được cá.

Trắng tay vì chẳng có cá hay cua, ốc gì vào dớn.

Cũng có người phải sang tận Campuchia để mua bông súng đồng về bán lại kiếm tiền chênh lệch.

Hình ảnh mùa nước nổi vẫn còn đó với cô gái Đồng Tháp đang hái bông điên điển.

Theo T.Nốt

Cùng chuyên mục
XEM