L'Oreal Việt Nam và khát vọng 'Vì cuộc sống tốt đẹp hơn': Khi tính nữ thiêng liêng có thể làm nên những điều kỳ diệu!
"Tôi hiểu rằng chỉ khi nào người phụ nữ được độc lập về tài chính thì họ mới có được quyền lựa chọn cuộc sống cho chính mình và được sống cuộc sống của mình”, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Phó Tổng Giám đốc L’Oreal Việt Nam nói về sự ra đời của dự án Vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Beauty For A Better Life - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn là chương trình hỗ trợ những người có hoàn cảnh sống khó khăn, đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương về kinh tế và xã hội, nạn nhân của bạo hành và những thanh thiếu nữ đã rời khỏi gia đình hoặc bỏ học.
Khóa đào tạo thợ tóc cung cấp kỹ năng cao cấp trong ngành làm đẹp và hỗ trợ việc làm cho 100% người học, giúp họ cải thiện cuộc sống nhờ việc làm ổn định và thu nhập khá của ngành nghề này tại Việt Nam.
Vì cuộc sống tốt đẹp hơn là sáng kiến của Việt Nam năm 2009 và trở thành chương trình thế giới từ năm 2016, mang đến cơ hội việc làm cho hơn 100,000 phụ nữ khó khăn trên khắp toàn cầu. Hơn 10,000 phụ nữ Việt Nam từ 45 tỉnh thành, trong đó có hơn 200 phạm nhân nữ từ trại giam Đồng Sơn của Bộ Công An đã nhận được sự trợ giúp của chương trình và đã tạo lập cuộc sống ổn định sau khi học xong.
Chương trình L'Oreal Vì cuộc sống tốt đẹp hơn đã được trao giải thưởng platinum The Global CSR Award 2020 trong hạng mục Nâng cao quyền năng cho phụ nữ bởi tổ chức Pinnacles Group, Bằng khen của Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam (2015) và Doanh nghiệp FDI tiêu biểu về phát triển cộng đồng từ Bộ Kế Hoạch Đầu tư (2009).
Trò chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều mùa thu Hà Nội, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Phó Tổng Giám đốc L'Oreal Việt Nam nhớ lại ngày đầu tiên đặt nền móng cho "đứa con tinh thần" vào 14 năm trước. Đó là thời khắc bà Trinh hiểu được bản thân và L'Oreal sẽ giúp rất nhiều chị em phụ nữ yếu thế được tự viết nên cuộc đời của chính mình.
"L'Oreal có một lịch sử lâu dài trong việc thực hiện các cam kết và chương trình dành cho phụ nữ trên toàn thế giới. Năm 2009 là dịp chúng tôi kỷ niệm 100 năm sinh nhật của L'Oreal và mong muốn đóng góp một "món quà" ý nghĩa từ Việt Nam.
Thời gian đó, tôi tình cờ gặp được một phụ nữ kể chuyện trong nước mắt về hoàn cảnh gia đình chồng tước đoạt quyền nuôi con khi đứa bé còn trong tháng tuổi và đẩy cô ra khỏi nhà. Thương con nhưng vì không có tiền nên cô đành phải chấp nhận ra đi. Tôi lại đọc được những câu chuyện về hoàn cảnh thương tâm của hàng trăm cô gái trẻ bị lừa bán qua biên giới chỉ qua chiêu trò học nghề có việc làm kiếm tiền phụ giúp gia đình qua những trang báo. Tôi hiểu rằng chỉ khi nào người phụ nữ được độc lập về tài chính thì họ mới có được quyền lựa chọn cuộc sống cho chính mình và được sống cuộc sống của mình. Tôi đã quyết định tạo ra chương trình đào tạo nghề và cung cấp việc làm trong ngành làm đẹp - một ngành mà tiềm năng phát triển rất tốt và lâu dài cho những người phụ nữ yếu thế để mang đến cho họ quyền năng vươn lên trong cuộc sống.
Chúng tôi không chỉ chọn những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mà mục tiêu chính là tìm đến những người phụ nữ quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc đời mình. Như tài xế của một chuyến tàu, bạn không thể đưa hành khách về đích nếu hành khách ấy không sẵn sàng, thậm chí không dũng cảm bước lên chuyến tàu cùng bạn, để cùng trải qua một hành trình về được điểm đến", bà Trinh cho hay.
Không thể phủ nhận thực tế rằng phụ nữ có khả năng thay đổi cuộc sống. Những người phụ nữ được trao quyền đúng cách, được đối xử công bằng, tôn trọng,...chắc chắn họ có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu.
Đây chính là mục tiêu của chương trình, là tham vọng giúp cho phụ nữ yếu thế trở nên mạnh mẽ hơn, giúp họ luôn hướng về phía trước, khuyến khích họ lao động để thể hiện vai trò của mình trong sự phát triển đất nước. Thay vì nói về trao quyền cho phụ nữ, đã đến lúc cần thực hiện một sáng kiến thực sự hiệu quả để tạo sự khác biệt cho những người phụ nữ thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Tại thời điểm thành lập chương trình có khá nhiều khóa đào tạo tóc ngắn hạn từ các cơ sở của Hội Phụ nữ đang hoạt động. Tuy nhiên với nội dung, kỹ thuật chưa được tân tiến cùng cơ hội và số lượng thực hành hạn chế. Kết quả, nhiều chị em phụ nữ không thể lập nghiệp bằng ngành tóc, họ tiếp tục bươn chải tìm việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Trong khi đó, tham khảo báo cáo thị trường ngành tóc của các công ty đánh giá thị trường cho thấy, ngành tóc Việt Nam đang đi sau các nước trên thế giới đến hơn 20 năm và Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tốc độ phát triển ổn định lâu dài.
"Ngành tóc là ngành dịch vụ có thể tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và mang đến lợi ích thiết thực cho con người trong chăm sóc sức khỏe và xây dựng sự tụ tin qua nét đẹp từ bên ngoài.
Chúng tôi cũng đánh giá đây là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ Đô trong một tương lai không xa. Nó sẽ không ngừng phát triển cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, xu hướng, sức sáng tạo…Trong khi đó, L'Oreal là tập đoàn có thế mạnh vượt trội trong ngành làm tóc, không chỉ tạo ra dòng thuốc nhuộm an toàn đầu tiên của thế giới, L'Oreal với khả năng dẫn đầu trong sản phẩm và kỹ thuật sẽ có thể mang đến cơ hội cho hàng trăm ngàn việc làm từ chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam.
Kết hợp việc đánh giá tiềm năng thị trường và thế mạnh vốn có trong ngành, chúng tôi đã quyết định tạo ra chương trình Beauty For A Better Life (Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn) tại Việt nam vào thời điểm đó.", bà Trinh chia sẻ về bối cảnh ra đời của dự án.
Khác với các trung tâm đào tạo nghề, chương trình đào tạo của L'Oreal do L'Oreal Việt Nam tài trợ 100% và hướng đến mục tiêu tạo ra lực lượng lao động sáng tạo, đam mê và có kỹ thuật cao trong ngành làm đẹp.
"Chúng tôi thiết kế chương trình học hiện đại, cập nhật hàng năm để mang đến cho các học viên của mình nền tảng kiến thức vững chắc cùng với khả năng sáng tạo không biên giới. Thời gian học được xây dựng trong 4 tháng với hơn 750 giờ thực hành, và học liên tục 8 giờ hàng ngày.
Nếu tính ra thời gian học ở tại các nơi khác thì cũng phải kéo dài từ 1 đến 1 năm rưỡi, tuy nhiên do điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của người học, chúng tôi cần xây dựng mô hình đào tạo tốt nhất cho người học. Những người tham gia chương trình của L'Oreal đều được đào tạo liên tục, không chỉ trong thời gian học mà còn theo học các khóa nâng cao tay nghề hàng năm sau khóa học để đảm bảo khả năng luôn cập nhật kỹ thuật mới.
Học viên được giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ chuyên môn khi mở tiệm tóc. Việc đánh giá học viên sẽ được các chuyên gia trong ngành tóc thực hiện và kết quả của chương trình hoàn toàn dựa trên số lượng việc làm tạo ra cho xã hội và mức độ thay đổi thu nhập bền vững của học viên trước và sau khi tham gia chương trình học, cũng như sự thay đổi ở góc độ xã hội của từng học viên", Phó Tổng Giám đốc L'Oreal Việt Nam chia sẻ.
Để triển khai dự án, L'Oreal đã phối hợp với các chuyên gia ngành làm đẹp L'Oreal; các salon tóc hàng đầu tại các tỉnh thành; nghệ sĩ tóc Việt nam và nghệ sĩ tóc từ học viện London Rush (Anh Quốc), New Zealand, Malaysia và Hoa Kỳ…Từ đó, thực hiện việc xây dựng và cập nhật nội dung đào tạo, kỹ năng làm tóc hiện đại của thế giới, tổ chức các cuộc thi tài năng cho học viên tự tin và phát triển, tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng hàng năm.
Chi phí đào tạo và cung cấp việc làm được L'Oreal tài trợ 100%. Tổng chi phí đầu tư cho chương trình từ 2009 đến nay là 45 tỷ đồng.
Năm 2009, chương trình được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến cơ hội nghề nghiệp có thu nhập ổn định cho 200 phụ nữ nhóm yếu thế sau 16 tuần học và thực hành trong năm đầu tiên thực hiện.
3 năm tiếp theo, chương trình mở rộng phạm vi hoạt động đến tỉnh Quảng Bình để hỗ trợ thay đổi cuộc sống cho phụ nữ các huyện nghèo vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Sau 5 năm triển khai chương trình đã có hơn 400 thợ tóc và 100 tiệm tóc được tạo ra, thúc đẩy ngành dịch vụ tóc phát triển mạnh tại khu vực này.
Năm 2013, chương trình tiếp tục mở trung tâm tại Hà nội để đáp ứng cho nhu cầu việc làm cho phụ nữ tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Năm 2016, chương trình kết hợp với Hội Phụ Nữ tỉnh Nghệ An mở ra chương trình đào tạo và tạo ra việc làm cho hơn 500 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện miền núi trong khu vực. Cũng trong năm này, Hội Phụ nữ Cần Thơ đưa chương trình đào tạo và cung cấp việc làm cho phụ nữ các huyện vùng sâu tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Đặc biệt trong năm 2014, với sự kết nối của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt nam và Bộ công an, chương trình đã được chấp thuận cho đưa vào trại giam để đào tạo kỹ năng cho các phạm nhân nữ chuẩn bị kết thúc thời gian cải tạo, giúp họ tái hòa nhập nhanh chóng vào cộng đồng và giảm thiểu tỷ lệ tái phạm tội của những người đã chấp hành án phạt. Sau 2 năm thực hiện đã có hơn 200 phạm nhân nữ hoàn thành chương trình học và mở cơ sở kinh doanh, ổn định cuộc sống mới với gia đình.
Từ năm 2016, với thành công và hiệu quả đạt được tại các Tỉnh Thành, chương trình L'Oreal Vì cuộc sống tốt đẹp hơn đã nhận được nhiều yêu cầu từ các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước, Hội chữ thập đỏ, Hội Doanh nhân Đức, Lực lượng biên phòng... phối hợp thực hiện chương trình đào tạo ngành tóc tại các địa phương vùng sâu vùng xa thuộc các tỉnh Hậu Giang, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Điện Biên và đảo Thạnh An, Cần Giờ, mang lại cuộc sống mới cho hơn 5,000 gia đình.
Học viên của chương trình được cung cấp toàn bộ sản phẩm, dụng cụ, trang thiết bị cho việc học, tham gia vào các chương trình hoạt động làm đẹp cho cộng đồng khó khăn, và đã phục vụ cho hơn 75,000 người dân từ các vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tóc và da đầu.
Trải qua 14 năm với biết bao thăng trầm, khó khăn và thử thách, chương trình Vì cuộc sống tốt đẹp hơn đã mang đến cho ngành tóc hơn 9,000 thợ tóc và hơn 2,200 tiệm tóc mới tham gia vào thị trường tóc.
Thu nhập của thợ tóc tăng trên 250% so với thu nhập trước khi tham gia khóa học. Thu nhập của chủ tiệm tóc tăng trên 500% so với thu nhập trước khi tham gia khóa học.
Đặc biệt, sự tham gia của hơn 2,200 tiệm tóc vào thị trường tóc cũng giúp tạo ra việc làm gián tiếp cho chương trình với hơn 4,500 lao động tại các địa phương.
Đại diện L'Oreal, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết: "Học viên của chương trình có thể tham gia trở thành giáo viên của chương trình sau thời gian hoạt động trong ngành tóc và có đủ kinh nghiệm để hỗ trợ đào tạo học viên của chương trình.
Sau đó, đội ngũ giảng viên của chương trình được gửi sang Hàn Quốc, Singapore, Trung quốc để cập nhật kỹ năng bên cạnh đội ngũ chuyên gia quốc tế từ Hoa kỳ, New Zealand, Anh quốc đến Việt Nam để nâng cao trình độ của giáo viên và các lớp nâng cao dành cho học sinh của chương trình".
Với sứ mệnh tạo nên cái đẹp làm lay động thế giới, L'Oreal không chỉ tạo ra các chương trình sinh kế bền vững cho phụ nữ mà còn hỗ trợ phát triển cộng đồng nhà khoa học nữ tại Việt Nam. Một cộng đồng mà nam giới đóng vai trò chủ lực và số lượng phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học vẫn còn bị giới hạn.
Đó chính là giải thưởng L'Oreal- UNESCO For Women in Science National Awards hàng năm vinh danh những nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ năm 2009. Đến nay, gần 40 nhà khoa học nữ đã được vinh danh, tạo nền tảng cho họ kết nối với mạng lưới nhà khoa học thế giới và tiếp tục được công nhận sự đóng góp quý báu của nữ giới trong khoa học. Đã có gần 10 nhà khoa học nữ từ giải thưởng này được vinh danh qua giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới, Top 100 Nhà khoa học châu Á và các giải thưởng khoa học khác trong khu vực.
"Không chỉ riêng phụ nữ, với cộng đồng, L'Oreal tin rằng trách nhiệm của chúng tôi là chia sẻ sự phát triển theo hướng bền vững với cộng đồng, điều đó có nghĩa là cung cấp mức lương công bằng, khuyến khích những cách làm tốt và góp phần bảo vệ môi trường để có tác động hữu hình, lâu dài và tích cực đến cuộc sống của mọi người.
L'Oreal đã thực hiện các cam kết các mục tiêu tái tạo rừng nguyên sinh và đa dạng sinh thái lâu dài với các vườn quốc gia tại khu vực phía Nam từ năm 2015 cho đến nay. Bên cạnh các hoạt động này còn có đa dạng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng từ các thương hiệu của chúng tôi như chăm sóc bệnh nhân ung thư từ La Roche-Posay, Xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn của Kiehl's hay tăng quyền cho phụ nữ từ L'Oreal Paris", bà Trinh khẳng định.
Bất cứ con đường nào dẫn tới thành công đều không được trải hoa hồng. Hơn một thập kỷ hoạt động, dự án Beauty For A Better Life – Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn đã gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 chính là một cột mốc không thể quên.
Mặc dù làm đẹp là ngành được đánh giá là ngành thiết yếu cho xã hội trên thế giới, nhưng tại thị trường Việt Nam, ngành làm đẹp dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói và vị trí của mình. Thời gian COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh và phát triển của ngành này.
Việc đóng cửa dài hạn các tiệm tóc dẫn đến tình trạng kiệt quệ của các học viên vừa học ra trường và mở tiệm kiếm sống chưa được bao lâu. Trước tình hình này, L'Oreal đã thực hiện liên tục các hoạt động tài chính hỗ trợ học viên, chuyển đổi địa điểm đào tạo về tận các địa phương vùng sâu vùng xa, hỗ trợ thêm cho học viên các kỹ năng mới như kinh doanh online để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh nói với chúng tôi rằng, khi làm chương trình này, động lực mạnh mẽ nhất với bà chính là nụ cười của phụ nữ.
"Nụ cười được coi là quyền lực mềm của nữ giới. Nhìn họ an tâm trên con đường phía trước, tự tin với hiện tại qua nụ cười vui vẻ, rạng ngời trên khuôn mặt, tôi biết mình vẫn còn nhiều điều phải làm. Tôi mong sao chương trình của L'Oreal luôn là động lực cho những phụ nữ biết yêu thương mình, biết tự khẳng định mình và biết chứng minh cho những người không tin rằng phụ nữ luôn bị giới hạn để làm được những điều họ mơ ước.
Và để giữ lửa cho dự án này, tôi luôn ý niệm "vẫn chưa hoàn thành". Cái cảm giác hoàn thành điều gì đó sẽ làm cho tôi thỏa mãn và ngừng sức sáng tạo. Ở từng chặng của chương trình, tôi có thể đánh dấu những gì đã đạt được để khuyến khích mình đang đi đúng hướng và cũng để luôn nhớ đến điểm khởi đầu", bà Trinh hạnh phúc chia sẻ.
Hiện nay, chương trình L'Oreal Vì cuộc sống tốt đẹp hơn có xuất phát điểm từ Việt nam đã được nhân lên mô hình quốc tế và triển khai tại 35 quốc gia như Thái Lan, Philippines, Ấn độ, Trung quốc, Indonesia, Malaysia,Brazil, Columbia.. Mô hình đào tạo ngành tóc đã được tổ chức Kiểm toán Quốc tế EUROMONITOR đánh giá tích cực về khả năng nhân rộng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu trước khi chính thức trở thành chương trình được đón nhận trên toàn cầu năm 2016.
Mô hình đào tạo và kết nối với ngành làm đẹp để cung cấp việc làm cho phụ nữ đã và đang được chia sẻ với các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ nhằm giúp nhân rộng sáng kiến này để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi phụ nữ Việt Nam và trên thế giới.
"Tôi thích slogan của L'Oreal Paris. Because you are worth it (Bởi vì bạn xứng đáng). Bởi vì mỗi phụ nữ đều xứng đáng được yêu thương, được trân trọng và xứng đáng trở thành "Chính Nữ" – là nhân vật chính trong chính cuộc đời của mình nên đừng để ai nói rằng phụ nữ phải như thế này, phụ nữ không thể làm được việc kia. Khi bạn biết được giá trị của bản thân mình cũng là lúc không ai có thể khiến bạn cảm thấy mình vô giá trị nữa", bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho hay.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/