Lời tâm sự xúc động từ mẹ em bé ung thư não trong bộ ảnh "24h của Tom": Mình không được than vãn, vì thiệt thòi là con...
Mình nghĩ vui. Con mình chắc là em bé của Trời, vì phạm lỗi nên chịu phạt xuống trần gian. Nhưng lỗi rất bé nên chỉ chịu phạt 3, 4, 5 ngày... xuống trần thành 3, 4, 5 năm, rồi sẽ về lại trên đấy. Con không sợ ung thư vì con không biết kẻ thù của con mạnh như nào. Con cứ chiến đấu bình thường, để được sống.
"24 giờ của bệnh nhân ung thư " là dự án do nhiếp ảnh gia Kim Bánh Trôi Nước phối hợp cùng Salt Cancer Initiative (Trung tâm hỗ trợ bệnh nhân ung thư) thực hiện. Mỗi bộ ảnh thuộc dự án là một câu chuyện ghi lại cách các gia đình đối mặt với bệnh tật trong tâm thế lạc quan, tích cực.
"24h của Tom" là bộ ảnh ghi lại từng khoảnh khắc em bé 4 tuổi mắc ung thư não trải qua một ngày bên mẹ và các bạn. Sau một tuần đăng tải, những hình ảnh về Tom và mẹ Hà nhận được sự quan tâm và lượng chia sẻ đông đảo. Là 1 người mẹ, chị Hà không giấu nổi niềm hạnh phúc khi con là một em bé sức khỏe chưa tốt, nhưng đã được xuất hiện khắp nơi với những hình ảnh đẹp nhất, trong sáng, chân thật và bình dị nhất.
Một trong số những bức ảnh trong dự án "24h của Tom". Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước.
Chúng tôi hẹn gặp mẹ Hà và bé Tom vào một sáng cuối tuần trong căn nhà nhỏ trên phố Tôn Thất Tùng. Tom vừa mới ngủ dậy, mặt cậu bé phụng phịu đòi được mẹ yêu thương. Tom thích socola và những bản nhạc Hàn Quốc đang thịnh hành. Trong suốt buổi trò chuyện, sự thông minh, linh hoạt và vui vẻ của em giúp chúng tôi có cái nhìn khác về ung thư, cũng như những bệnh nhân đang ngày đêm đối mặt với căn bệnh này.
Được sự đồng ý của chị Hà, chúng tôi xin phép chia sẻ lại toàn bộ hành trình hơn một năm qua, chị đồng hành cùng con đi qua 16 đợt hóa trị và 2 cuộc phẫu thuật lớn. Dù có những lúc muốn khóc thành tiếng nhưng nhìn Tom, chị Hà lại cố kìm nén, chúng tôi hy vọng các bạn cũng sẽ cảm nhận được phần nào tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con bé nhỏ của mình.
Và dưới đây là câu chuyện của mẹ con Tom.
"Vì ở bên con, nên mẹ được nhìn thấy con thực sự đã cố gắng thế nào, hết lần này đến lần khác, ngay cả mẹ là người lớn cũng thua con. Nếu sau này gặp điều gì đó khó khăn hơn trong cuộc sống, mẹ sẽ nghĩ đến những tháng năm của chúng ta, đến sự mạnh mẽ của con để vượt qua. Cũng như rất nhiều bạn bè con - những chiến binh nhí có ước mong khôn lớn, hình ảnh của con nếu có thể chạm đến trái tim của các cô chú bác, các cô chú bác có thể chia sẻ để cùng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, điều may mắn cho con và các bạn.
Có những điều diệu kỳ vẫn có thể xảy ra trong cuộc sống, dù là trẻ con hay người lớn cũng đều muốn tin như vậy. Mong con đã có duyên đến với bố mẹ, thì hãy vì duyên mà ở lại thật lâu".
Mẹ Hà và em Tom.
Mình tên Hà. Bé Tom - con trai mình được xác định ung thư não khi 33 tháng tuổi. Khối u nằm ở phía sau gáy, trên cột tủy sống, vị trí nguy hiểm nhất. Hôm phát hiện bệnh là ngày 9/8/2017. Trước đấy con chưa từng uống thuốc kháng sinh, chưa từng gặp bác sĩ vì bất cứ bệnh gì, thậm chí cảm sốt, ho, hầu như không bị bao giờ. Lúc nhỏ, Tom là một em bé còi, ăn không nhiều, nhưng con rất cứng. Bố mẹ cũng hơi chủ quan cho đến khi con có những dấu hiệu ban đầu.
Bước đi liêu xiêu, chệnh choạng. Mình nghĩ chắc do hệ xương con yếu, một phần bị ảnh hưởng di truyền từ mình, vì hồi bé mình cũng là một đứa trẻ như thế. Tuy nhiên khi đưa Tom đi khám, các bác sĩ chẩn đoán khả năng cao có liên quan tới hệ thần kinh, cần phải chụp chiếu, tức là có bệnh rồi và kết quả "có" hay "không" chỉ cách nhau một tờ giấy A4 thôi.
Hôm đấy mình đi làm, bố Tom đưa em đi khám. Đêm trước, Tom vẫn còn đi sinh nhật chị họ, rất vui và thậm chí con không muốn về, tối ngủ luôn ở nhà bà ngoại. Không khí sinh nhật khác hẳn với sự nặng nề, u uất khi chồng gọi điện thông báo: "Thôi, chụp và có kết quả rồi. Em đi vào trong viện. À đừng đi xe máy nhé, đi taxi".
"Không cần đâu, em đi xe máy cho nhanh" - Mình trả lời, mà không hiểu rằng, điều tồi tệ đang đợi ở phía trước. Và có thể lúc sau, chân tay sẽ chẳng còn vững để lái xe về nhà.
Vợ chồng mình vào gặp bác sĩ, cũng là người bạn thời phổ thông. Vì thân nên nó nói một cách cặn kẽ, chi tiết, không giấu giếm gì cả.
Ung thư.
Mình tương đối bình tĩnh, nghe hết lời bác sĩ nói. Kết thúc, nó động viên: "2 vợ chồng cố lên!", trước khi mình thốt lên: "Mày đùa à?".
Tom được xác định ung thư não khi 33 tháng tuổi, trải qua 16 đợt hóa trị và 2 cuộc phẫu thuật.
Mình và chồng đi bộ rồi tạt vào quán cà phê bên đường. Lúc đấy không còn tâm trí nữa rồi, bố mẹ nào trong hoàn cảnh này cũng vậy thôi. Lúc gặp bác sĩ mình không khóc, nhưng khi còn 2 vợ chồng, mình khóc như một đứa trẻ. Như một cơn ác mộng, mình có 1 tỷ câu hỏi trong đầu. Câu hỏi lớn nhất là tại sao: Tại sao lại là chuyện này, và tại sao lại rơi vào Tom. Rồi mình sẽ đối diện chuyện này như nào, con sẽ phải trải qua những chuyện gì. Con có chịu được không, mình có chịu được không và gia đình có chịu được không? Xung quanh chưa có ai mắc ung thư và mình nghĩ những chuyện này tưởng chỉ đọc trên báo thôi, không thể nào rơi vào người thân của mình. Choáng nặng, tối sầm mặt mũi, mình rảo bước về gặp Tom vì con đang rất cần mình, ngồi đấy cũng không giải quyết được gì cả.
Chúng mình nói chuyện với gia đình 2 bên nội ngoại. Ngay đêm ấy, bà ngoại sang ngủ với Tom luôn, cảm giác bà sợ có thể mất em ấy bất cứ lúc nào. Ông nội nhận tin cũng khóc. Mẹ chồng bảo: "Mẹ cả đời thấy bố mày khóc 2 lần, 1 lần cụ mất, lần thứ 2 khi thằng Tom nó bị ốm. Bố mày chẳng bao giờ khóc vì chuyện gì...".
Đã có nhiều đêm mẹ Hà khóc khi nghĩ tới em bé Tom.
Ca phẫu thuật đầu tiên trong đời Tom
Trước khi rời viện trên tay kết quả chụp chiếu của Tom, cậu bác sĩ cảnh báo rằng con trai mình có thể đột tử bất cứ lúc nào, cần phải nhập viện ngay.
"Cho tớ về nhà 1, 2 hôm suy nghĩ đã!", mình van xin.
Phản ứng đầu tiên, mình không ngủ, chính xác là không dám ngủ, chỉ sợ khi mở mắt dậy không thấy Tom đâu. Nhưng không được, thậm chí không có thời gian để buồn vì khi phát hiện bệnh phải có quyết định ngay. Ngay hôm sau, mình xin nghỉ việc, chờ gặp một vài bác sĩ xin ý kiến. Ai cũng nói, tình hình của con rất nguy hiểm, khối u gần 5 phân như 1 quả trứng. Trước mắt sẽ phải phẫu thuật đặt van sau gáy, hai vợ chồng cần suy nghĩ kĩ.
"Chia sẻ chân tình, nếu là con anh, thì có thể chọn hoãn tối đa sự điều trị lại. Mình đi chơi, đi du lịch, làm những gì mình thích, không phải phẫu thuật là tốt nhất cho con" - anh bác sĩ nói.
Nếu như hoãn điều trị, nhất là với trẻ con, mình muốn chất lượng sống được ưu tiên hàng đầu dù là thời gian có ngắn, nhưng con được sống thoải mái vui vẻ, không đau đớn gì cả. Có lẽ đấy cũng là điều tốt nhất, vì mình cũng hiểu rằng trong quá trình điều trị, cơ hội để con khỏe là rất thấp, ngược lại phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ.
Mình là người quyết định, nhưng người chịu đựng tất cả lại là Tom, không phải mình.
Những vết đau in hằn trên cơ thể Tom, không che được nụ cười của em bé thông minh, lanh lợi.
Với Tom, chỉ cần đi đâu có bố có mẹ bên cạnh là con yên tâm. Mình đưa con đi bất cứ chỗ nào, sức khỏe của con liệu có đáp ứng được không, tâm lý hai vợ chồng cũng không thoải mái, mặc dù rất muốn cho con đi vì con đã đến thế giới này, mình muốn con biết nhiều nơi, nhiều chỗ trên cuộc đời.
Kệ! Đấu tranh xong, mình vẫn đi vào viện. Nếu mình quyết định sai, mình sẽ ân hận cả đời. Mọi chuyện cứ bình tĩnh, cứ nhập viện đã, tiến hành đặt van ổ bụng để giảm áp suất trên đầu con. Nếu không mổ, nguy cơ chết rất nhanh, mình không còn sự lựa chọn nào khác.
Ca phẫu thuật đầu tiên trong đời Tom diễn ra thuận lợi. Phản ứng đầu tiên của con tương đối tốt, sự tiếp xúc đỡ hơn một chút và mình có phần an tâm, tự nhủ quyết định này có phần đúng đắn.
Tiếp theo, mình có một tuần để quyết định việc có phẫu thuật cắt khối u hay không?
Hơn 1 năm nay, Tom đã chiến đấu đầy mạnh mẽ với ung thư.
Mình không biết phải làm thế nào, khối u lớn rồi, phải mổ nếu không nó sẽ chèn hết mạch. Suy nghĩ đầu tiên của mình sẽ đưa con ra nước ngoài. Bố mẹ luôn muốn những điều tốt nhất cho con, đi Sing hay Thái, đâu là tốt nhất? Vấn đề kinh tế, nhỡ đi một chuyến về hết, mình dồn tất cả vào một lần, mình đánh đổi như thế cũng hơi "mạnh tay" quá. Và cái chính là mình sợ, nếu ca mổ có vấn đề gì đó mà Tom không ở gần nhà, gần mọi người, thì đấy là cái rất thiệt thòi.
Mình lại gặp bác sĩ, lần này là ở Việt Đức, anh ấy nói: "Anh sẽ mổ được, em không phải lo. Em yên tâm, nếu em cho con đi Nhật, đi Mỹ thì anh không cản vì trình độ khác hẳn nhau. Còn nếu như em đi Thái hay Sing, thì anh cam đoan ở Việt Nam mình phẫu thuật tốt hơn".
Mình không dám tin tưởng, nhưng không có lựa chọn nào khác.
Ai cũng nói chấp nhận 50/50, có thể em bé không tỉnh dậy hoặc nếu tỉnh sẽ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như não. Lần này không mổ bằng nội soi hay xạ phẫu, mà bắt buộc phải mở hộp sọ ra, nghe kinh quá rồi. Mình mổ đẻ 15 phút còn ăn vạ nửa năm, sao Tom chịu được? Mổ cắt hết u sẽ ảnh hưởng tới dây thần kinh khác, nếu không muốn ảnh hưởng thì khả năng bác sĩ cũng không cắt được hết u, chỉ cắt phần tối đa, đấy là điều gia đình chấp nhận.
Mình không nghĩ nữa, không bàn phương án lùi, cũng không hoãn hay tránh né nó. Chiến đấu thôi!Em là niềm tự hào, nghị lực sống của mẹ Hà.
Em là niềm tự hào, nghị lực sống của mẹ Hà.
Bác sĩ chụp gây mê vào mặt, con ngất, đồ chơi cũng rơi theo
Ngày Tom mổ, mình nhớ là giữa tháng 8. 7h30 sáng, mình đưa con vào viện. Bác sĩ đưa một cái áo bệnh nhân, ở Việt Đức không có áo trẻ con, Tom mặc lên người trùm như chăn. Mình bế con đi theo bác sĩ, bảo con: "Đi chơi nha". Bác sĩ bảo bế hẳn con vào phòng mổ. Lúc đấy, bằng một cảm quan nào đó, Tom nhận ra, nói: "Con không chơi nữa đâu, cho con về cũng được".
Càng đến gần phòng phẫu thuật, Tom ôm mẹ càng chặt. Con thấy nguy hiểm, con sợ. Đến nơi, con sợ quá rồi, giẫy lên. Dù sáng ngủ dậy con tươi cười, tay vẫn cầm 2 đồ chơi bé tí, nhưng khi bác sĩ chụp gây mê vào mặt, con ngất, đồ chơi cũng rơi theo. Hình ảnh ấy chắc không bao giờ mình có thể quên được, phản ứng của con có một sự nhạy cảm nhất định.
Bác sĩ bảo cô y tá dẫn mình ra ngoài, đảm bảo không luẩn quẩn ở đây nữa.
Ánh mắt trong trẻo của Tom.
Con mổ từ 8h sáng. Mình mong thời gian trôi thật nhanh, nhưng trong đầu khi đó là một mớ hỗn độn và rối loạn. Chờ mãi tới 5h chiều, mình nhận được thông báo từ bác sĩ ca phẫu thuật kết thúc. Tuy nhiên không ai được lên thăm bệnh nhân. Mấy tiếng sau, con được chuyển sang phòng hậu phẫu.
10h đêm khi bác sĩ chính về, chỉ còn các cô y tá trực, bố mẹ mới được vào ngó Tom một chút. Mình đi vào suýt không nhận ra con. Con bé tí, trừ nhịp tim, còn lại trông con không có một chút sức sống nào. Mình cầm tay con, tay cũng không ấm, con vẫn đang mê man. Con mất nửa máu trong cơ thể, dây dợ chằng chịt không chỉ ở đầu mà ở cả cổ, tay, người, bụng và chân. Giữa không gian yên tĩnh đến đáng sợ của bệnh viện, chỉ có tiếng cái máy kêu: tít... tít... tít...
Mình là người quyết định phẫu thuật, tức mình là người đặt con vào hoàn cảnh đấy. Tom đang đấu tranh cho một sự hồi tỉnh, chỉ mình con nơi trận chiến, mà người làm mẹ như mình không biết là đến khi nào.
Đêm hai vợ chồng không ngủ được. Sáng hôm sau vào viện, con đã được chuyển xuống phòng Hồi sức tích cực.
Bên Tom, luôn có mẹ Hà và gia đình.
Lúc ấy, câu đầu tiên bác sĩ nói với mình: "Bệnh nhi được chuyển xuống đây một tiếng rồi nhưng qua chỉ số, chưa thấy con có dấu hiệu gì hồi phục. Khả năng rất cao là khối u ác tính, gia đình nên chuẩn bị tinh thần".
Mình biết, nếu con bị nhiễm trùng hay phù não thì xác định cơ hội sống rất mong manh. Phẫu thuật là một chuyện, nhưng sau phẫu thuật là cả một vấn đề.
Trước đây mình không hề khóc trước mặt con, vì nếu mình ốm hay suy sụp tinh thần thì con đang nhìn mình, mình là sự níu giữ duy nhất của con. Nhưng lần này, khi bác sĩ nói con không có dấu hiệu sống, về nhà không kiềm chế được, mình lại khóc òa lên vì nghĩ chính mình đã hại con, do mình quyết định mổ nên con mới bị như thế. Nếu ca phẫu thuật không cứu được con nữa thì hình ảnh mình bế con, con đã bảo không muốn vào đây đâu, chắc là nỗi ân hận suốt đời mà sẽ không bao giờ mình tha thứ cho bản thân.
Lúc sau, bác sĩ lại gọi điện: "Mẹ vào đi!". Mình xác định, có thể bác sĩ sẽ báo tin gì đấy không tốt.
Tới nơi, mình nhìn thấy con...
... con đang mở mắt và cầm tay bác sĩ, khẽ nói: "Bác sĩ ơi cho cháu về nhà đi! Mẹ Hà đâu rồi?".
Trời ơi, như là nằm mơ. Chưa đầy 24 tiếng sau phẫu thuật, con đã có thể tỉnh và nói được. Được vài tiếng sau, con tiếp tục rơi vào hôn mê và thở máy. Quá trình này kéo dài suốt một tháng, mình và bà ngoại xin ưu tiên cho vào ngồi gần Tom, nhỡ con có tỉnh dậy cần gì thì người thân ở bên cho con đỡ sợ. Con cứ tỉnh rồi lại mê, rồi lại tỉnh...
"Con ơi, mẹ đây này!"
Trong suốt một tháng ở Việt Đức, giường bên cạnh liên tiếp bệnh nhân vào rồi ra. Số người về nhà ít lắm, họ ra đi là phần nhiều. Trong khi con cứ nằm đấy chiến đấu, con có mở mắt nhưng không nhận ra mẹ. Sau phẫu thuật, mình phát hiện con có 2 vết sẹo ở 2 bên đầu, không phải do mổ mà bác sĩ dùng định vị kẹp đầu để đảm bảo không có sự động đậy gì.
Ngày nào bác sĩ cũng chỉ cho truyền 600ml sữa, 3 lần, mỗi lần 200. Con không ăn gì khác vì cơ thể rất yếu, không tiếp nhận được. Con không nhận ra bất cứ ai, dù mình ở cạnh thủ thỉ: "Mẹ đây này" rồi cho tay con chạm vào mặt mình, nhưng con bị ràng buộc đầu óc bởi dây dợ. Cả nhà cũng mệt mỏi, không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu, ai cũng lo lắng.
Sau hơn một tháng, Tom bắt đầu tỉnh. Phản ứng đầu tiên của con là thèm ăn. Quá sức kỳ vọng, rằng con đã tỉnh dậy. Một tuần sau, con được về nhà. Như 1 em bé được sinh ra lần thứ 2 trong đời, con rất yếu, không nói được, không đi được, ngủ 2-3 tiếng lại dậy. Thời gian tiếp, con hồi phục nhanh. Nếu gặp, mọi người sẽ thấy Tom như một em bé bình thường, không có bất cứ dấu hiệu vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn. Con nhớ mọi người, nhớ cả mọi việc đã trải qua.
Mình nghĩ, ước gì con chỉ phẫu thuật thế là xong, con khỏe mạnh bình thường, không phải làm gì khác. Nhưng phẫu thuật chỉ là bước đầu, sau đó còn phác đồ, hóa trị và xạ trị. Người lớn còn không chịu được hóa chất, sao Tom, khi ấy 3 tuổi, chịu được. Hay thôi, có thể không điều trị tiếp?
Nhưng trong trường hợp này, gia đình chỉ có thể đưa ra phương án tốt nhất, là phác đồ 16 lần hóa trị. Tom vào Bệnh viện nhi Trung Ương. Mình nghĩ nếu trong quá trình hóa trị, phản ứng của con không tốt thì sẽ thôi. Mẹ con mình sẽ về nhà, không nhất thiết phải điều trị nữa, không đánh đổi bằng mọi giá.
Lần đầu tiên, Tom nôn, mệt. Nhưng 15 lần sau đó, hầu như con không có vấn đề gì. Con bắt đầu hòa nhập và có tình cảm với "khách sạn". Mình hay đùa con bệnh viện chính là khách sạn, nơi có các bạn "trọc lóc" không thể phân biệt được trai hay gái. Với Tom, vào viện không còn là nỗi sợ hãi.
Mình biết bản thân đã cố gắng nhiều, nhưng thực ra bố mẹ cố gắng không đáng gì đâu, chỉ bằng 10% sự cố gắng của con thôi. Đó là sự chiến đấu vô thức nhưng mạnh mẽ. Mình là người quyết định, con vẫn kiên trì đi hết tháp đồ điều trị, vẫn tỉnh táo. Sau một năm, con vẫn có một cuộc sống bình thường, vẫn được đi chơi, vẫn cảm nhận đầy đủ cuộc sống, còn trưởng thành hơn.
Mình thiệt 1, Tom thiệt 5, thiệt 7. Không thể tưởng tượng cuộc sống của mình 1 phát sụp đổ hoàn toàn, không nhìn thấy tương lai đâu cả vì con cái chính là tương lai của bố mẹ. Mình không có động lực sống nữa, vì không biết làm gì. Có một đêm lang thang, chán nản, mình nhắn tin chồng: "Em buồn kinh khủng, tại sao mình đến mức độ thê thảm như thế này. Cảm giác không chịu đựng được nổi nữa".
Nhưng khi về nhà thấy con vẫn ngày đêm chiến đấu với ung thư, mình nghĩ lại, tự nhủ với bản thân: "Mẹ cân được hết. Mẹ chỉ phụ cho con, mẹ có phải là người chiến đấu chính đâu, mẹ không được than vãn vì con mới là em bé bị thiệt".
Khi mình bị rơi vào tình huống không mong muốn, cảm giác mình bị tụt lại phía sau nó tương đối nặng nề. Mình thậm chí không nói chuyện với ai, vì nhạy cảm nghĩ mọi người đang thương hại mình. Sự hỏi thăm của người thân, dù xuất phát từ sự quan tâm nhưng mình không muốn nhận, nhiều khi mình phản ứng hơi tiêu cực. Lướt FB thấy hình bạn bè đi chơi, đi ăn, đi du lịch cùng gia đình hay chỉ một hoạt động nhỏ trong cuộc sống thôi, mình cũng thấy chạnh lòng, như mình ở một thế giới khác, tách biệt, không có niềm vui chung với mọi người.
Kiếp này Tom là con của bố mẹ, là cái duyên trời cho mình về cùng 1 gia đình
Tom là em bé tình cảm, hay quan sát, để ý và "ghê gớm" (cười). Có một lần mình khóc, vô tình con nhìn thấy. 3-4 hôm sau đi ăn sáng, Tom nói với mình: "Mẹ ơi, mẹ đã hết buồn chưa?". Sau đó, tuyệt đối mình không còn khóc trước mặt con lần nào nữa.
Quá trình điều trị mình rất mong là kéo dài vì nếu dừng lại, đồng nghĩa không còn hy vọng. Nên thôi, mình cũng xác định, con cứ chiến đấu dài hơi đi, miễn là vẫn chiến đấu, mình sẽ sát cánh bên con. Ở Viện Nhi, có tuần chia tay một bệnh nhi, có tuần 2 em. Xin về nhà rồi cũng chỉ vài ngày sau, các con ra đi, thật sự kinh khủng và đau đớn.
Dù mình tự thấy bản thân là một người mẹ tương đối lạc quan, vui vẻ, nhưng để đối diện, nhìn các em bé bạn của con chia tay như thế, bố mẹ nào cũng phân vân. Liệu mình có đi đúng không, sao lại rơi vào tình thế này, con có chịu được không?
Đến một lúc, mình sẽ giống mẹ các bạn của con. Dù mình không mong muốn nhưng tuần nào cũng chứng kiến các con lần lượt ra đi. Mình đối mặt và chấp nhận, chỉ mong con chiến đấu lâu dài, mấy năm cũng được, 6 năm, 8 năm. Sau này có cơ hội, mình sẽ kể nhiều hơn những câu chuyện về những người bạn của con, mỗi em bé và gia đình đều là một hành trình. Mình hiểu rằng, với bệnh của con, tiền không phải là yếu tố quyết định, kể cả rất giàu, mình nghĩ nhiều hơn tới sự may mắn và tinh thần. Như Tom, con không sợ ung thư vì con không biết kẻ thù của con mạnh như nào. Con cứ chiến đấu bình thường thôi!
Mình nghĩ vui. Con mình chắc là em bé của Trời, vì phạm lỗi nên chịu phạt xuống trần gian. Nhưng lỗi rất bé nên chỉ chịu phạt 3, 4, 5 ngày... xuống trần thành 3, 4, 5 năm, rồi sẽ về lại trên đấy. Hôm nay, Tom thích gì, muốn ăn gì, muốn đi đâu chơi... đều được cả. Vì ngày mai là điều mình không còn nghĩ đến nữa. Mình từng cầu xin trời phật cho con khỏe mạnh đi qua bệnh tật, nhưng những lúc thấy con đau đớn mê man, lại chỉ dám xin cho con không đau đớn nữa là được rồi.
Không rõ ở một kiếp khác, Tom có hạnh phúc hơn không? Nhưng kiếp này Tom là con của bố mẹ, là cái duyên trời cho mình về cùng 1 gia đình.
Mẹ yêu Tom nhiều!
Mỗi ngày được bên con, trêu đùa cùng con đã là một hạnh phúc lớn lao.