Lối sống kiểu mới của người trẻ: Ngủ khách sạn dài ngày thay vì thuê hoặc mua nhà, vừa tiết kiệm vừa tiện nghi!

08/08/2023 16:18 PM | Sống

Trong xã hội đương đại, những giá trị từng ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như phải mua nhà mua xe đã bắt đầu bị nới lỏng ở một nhóm người.

Mua nhà từ lâu đã trở thành áp lực với nhiều người, nhưng những người không có ý định mua nhà cũng sớm đã bắt đầu quá trình chủ động lựa chọn một cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Có người nói: "Vay tiền mua nhà, thứ bạn mua không phải là căn nhà, mà là tổ ấm." Có một "căn nhà" mới có "nhà", giá trị quan này đã ăn sâu vào tâm khảm của nhiều người. Nhưng nó đồng thời cũng phản ánh một thực tế là dù phải vay với lãi suất cao, thời hạn cầm cố dài nhất có thể lên tới 30 năm, rất nhiều người vẫn luôn cố gắng có cho mình một căn nhà riêng.

Tuy nhiên, trong xã hội đương đại, những giá trị từng ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như thế này đã bắt đầu bị nới lỏng ở một nhóm người. Có một bộ phận người trẻ nhận ra rằng ở khách sạn dài hạn thuận tiện và giá cả phải chăng hơn so với thuê và mua nhà, cứ như vậy, họ từ bỏ nơi ở cố định và quyết định khám phá một lối sống mới.

Tờ "Tin tức Bắc Kinh" của Trung Quốc từng phỏng vấn ba người trẻ sống trong khách sạn đã nhiều năm, họ sống và làm việc ở các thành phố hạng nhất, giá nhà đất cao cộng với sự bất tiện khi thuê nhà khiến họ lựa chọn ở khách sạn lâu dài. 

Cách sống này đi kèm với sự mới mẻ, nhưng nó đồng thời cũng mang lại những rắc rối và bất lực riêng. Lã Đinh làm công việc tuyển sinh, hợp tác với hàng trăm cơ sở khảo thí nghệ thuật trên toàn quốc, giới thiệu học sinh cho họ, công việc tương đối tự do. Đối với cô mà nói, ở khách sạn thời gian dài đồng nghĩa với việc phải di chuyển thường xuyên hơn, cho nên đồ đạc cũng không nhiều lắm, một ít đồ dùng hàng ngày, một túi quần áo là tất cả hành lý của cô, những thứ khác khách sạn sẽ cung cấp.

Đinh nói: "Khi ở khách sạn, bạn sẽ nhận ra rằng thứ mình cần dùng quả thực rất ít." Lúc còn thuê nhà, Đinh thích dọn dẹp mọi thứ, vì nhiều giày nên cô cần mua giá giày, vì đọc sách nên cô phải mua thêm giá sách, nhưng khi sống trong khách sạn, cô tự động sống tối giản hơn, những thứ có không mua cô sẽ không mua, "thật ra thì ở khách sạn cũng tiết kiệm được kha khá tiền."

Lối sống

Lã Đinh: "Khi ở khách sạn, bạn sẽ phát hiện ra thứ mình cần dùng quả thực rất ít"

Khi nói đến chi phí ở khách sạn, phản ứng đầu tiên của nhiều người có lẽ là đắt, nhưng trên thực tế, giá cả khi ở dài hạn thường sẽ rẻ hơn, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất khi mà giá nhà cũng như tiền thuê là rất đắt. Có một số người thậm chí còn tìm được cách tiết kiệm hơn là "sống" ở khách sạn, đó là đến các viện dưỡng lão làm tình nguyện viên chăm sóc người già. Họ có thể đi làm vào ban ngày và tới viện dưỡng lão chăm sóc những người già vào buổi tối sau khi tan làm, mỗi tháng chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ ở cạnh người già tổng cộng 20 giờ.

Vì lý do này, một viện dưỡng lão ở Hàng Châu, Trung Quốc đã cố tình bỏ trống hàng chục phòng giống như phòng khách sạn tiêu chuẩn và để những người tới làm tình nguyện thuê chúng với mức giá 300 nhân dân tệ (khoảng 900 ngàn đồng) hàng tháng, phương thức này cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhà ở cho sinh viên mới ra trường. 

Ngoài giá rẻ, lưu trú dài ngày tại khách sạn cũng có nhiều ưu thế.

Cầm Nhã, người đã sống trong khách sạn được một năm, đã chia sẻ về trải nghiệm của cô khi thuê nhà, cô cùng ba người khác thuê một căn hộ ba phòng, cô ở một phòng, hai phòng còn lại một là của một cặp tình nhân, một là của một bạn nam khác. Bốn người dùng chung một phòng tắm, rất bất tiện, buổi sáng ngủ dậy cô thường không vào được phòng tắm, có khi đang tắm, bạn nam kia đột nhiên gõ cửa nói muốn đi vệ sinh. Cũng có những hôm bạn nam ban sáng mượn đồ của cô, ban đêm gõ cửa nói muốn trả đồ, cô không mở cửa, nói không cần, ngày mai có thể trả lại cô sau. Việc thuê nhà chung không chỉ mang đến sự bất tiện cho cuộc sống mà sự an toàn của bản thân cũng là một vấn đề lớn.

Lối sống

Cầm Nhã

Nhã cảm thấy rằng việc ở trong khách sạn trong một thời gian dài có thể giúp cô tránh được rắc rối, không bị ảnh hưởng bởi người khác.

Có người thậm chí đã tổng kết 6 lợi ích của việc ở trong khách sạn:

1. Không cần trả tiền nước, điện, băng thông và phí tài sản.

2. Bạn có thể sống một mình với mức giá thấp và được độc quyền sử dụng phòng tắm.

3. Có người dọn dẹp vệ sinh miễn phí.

4. Có người sửa chữa đồ điện, đồ gia dụng.

5. Lễ tân, bảo vệ 24 giờ một ngày.

6. Không cọc, không trung gian, không tranh chấp với chủ nhà.

Nhìn theo cách này, việc lưu trú dài ngày trong các khách sạn thực ra không có quá nhiều vấn đề ngoại trừ việc chúng có diện tích nhỏ hơn (thực tế là chúng vẫn lớn hơn hầu hết các phòng ngủ) và không thể nấu ăn. Nhưng trong mắt Lăng, một cô gái khác đã sống trong khách sạn được một thời gian dài, cuộc sống như này luôn khiến cô cảm thấy bất an. Vì tính chất công việc, Lăng hầu như phải đi công tác rất nhiều ngày trong năm, sau khi xem xét thực tế, cô quyết định ở khách sạn trong một thời gian dài. Dù là bị động nhưng Lăng cũng đồng ý rằng đây là một cách sống mới.

Ban đầu ở khách sạn, trong lòng sẽ cảm thấy sảng khoái, nhưng lâu dần, cảm giác này tất nhiên sẽ giảm bớt, cuộc sống sẽ trở lại nhàm chán, cảm giác lang thang, không có nơi ở cố định sẽ càng trầm trọng hơn.

Đặc biệt là đôi khi do khách sạn phân bổ phòng và phải di chuyển qua lại, mỗi lần trả phòng và nhận phòng sẽ nhắc nhở bạn rằng hiện tại bạn đang ở trong tình trạng không có nơi ở cố định, Lăng vẫn chưa hoàn toàn quen với kiểu sống này.

Lối sống

Lăng: "Mỗi lần trả phòng và nhận phòng sẽ nhắc nhở bạn rằng hiện tại bạn đang ở trong tình trạng không có nơi ở cố định"

Nhưng đối với Nhã, cảm giác không chắc chắn này là lý do khiến cô ở khách sạn lâu ngày. Cô nói: "Tại sao con người phải bị mắc kẹt ở một nơi cả đời. Nó cố định và không thể tùy ý thay đổi. Có thể hầu hết mọi người đang theo đuổi sự ổn định, nhưng tôi lại muốn theo đuổi sự thay đổi và những khả năng."

Tuy nhiên, dù theo đuổi sự thay đổi, cũng sẽ có những khoảng thời gian cô cảm thấy ghen tị với sự ổn định. Khi nhìn thấy một chiếc chăn trong bức ảnh do một người bạn đăng, cô nói: "Ghen tị quá, cậu có một chiếc chăn."

Người bạn hỏi: "Cậu không có à?"

Nhã trả lời: "Có, nhưng nó không phải của tớ."

Đó là một trong rất ít những thời điểm cô ghen tị với một người vì họ có nơi ở ổn định.

Lối sống

Đôi khi Nhã cũng ghen tị với những người có nơi ở cố định

Nhìn kỹ hơn, những người trẻ chọn ở trong khách sạn vì những lý do khác nhau này đều có một điểm chung - họ đều đang cố gắng thiết lập lại trật tự nội tâm bên trong của chính mình - không nhất thiết phải đạt được cảm giác an toàn từ một nơi ở ổn định, nhưng cũng mong có thể tìm thấy nơi mà bản thân thuộc về thông qua thay đổi và tự do.

Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống "nhà là tổ ấm", họ nhất định phải đối mặt với nhiều biến động và mâu thuẫn trong giai đoạn khám phá này. Sự lựa chọn của họ dường như đang muốn nói với tất cả chúng ta rằng, bạn có thể chọn cuộc sống mà bạn muốn bên ngoài con đường mà mọi người vẫn thường quen đi.

Cho dù là mua nhà bằng tiền vay, tiết kiệm tiền để thuê nhà, hay thuê khách sạn trong thời gian dài, tất cả cũng đều chỉ là hình thức bên ngoài của cuộc sống, nhận thức và tâm lý mới là thứ quyết định liệu chúng ta có có được cảm giác an toàn hay không.


Theo Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM