Lợi nhuận của BKAV sụt giảm "không thể tin nổi" sau khi có Bphone, thậm chí lỗ trong năm 2016

07/08/2017 08:25 AM | Kinh doanh

Không biết là sự trùng hợp tình cờ hay là một hệ quả của Bphone, từ khi ra mắt chiếc điện thoại này thì kết quả kinh doanh của CTCP BKAV không hề được cải thiện mà lại có chiều hướng suy giảm, cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.

Tháng 5/2015, sau gần 5 năm ấp ủ, Tập đoàn công nghệ BKAV vốn chủ yếu được biết tới với phần mềm diệt virus và dịch vụ an ninh mạng đã chính thức ra mắt thương hiệu điện thoại Bphone do chính doanh nghiệp này thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Trong buổi ra mắt, Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng đã dành hàng loạt những lời lẽ có cánh dành cho siêu phẩm của mình như “Thật không thể tin nổi”, “Thật là tuyệt vời” và mô tả đây là "siêu phẩm smartphone hàng đầu thế giới".

Với chiến dịch quảng bá rầm rộ cũng như sự hiếu kỳ của số đông, Bphone đã khá thành công về mặt truyền thông. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc "siêu phẩm" này sẽ thành công về mặt doanh số.

Sau một vài tháng, tin tức về Bphone bắt đầu nguội và dần chìm vào quên lãng trước sự ra mắt của hàng loạt mẫu mã đến từ Apple, Samsung hay Oppo. Thương hiệu điện thoại Made in Việt Nam này chỉ được hâm nóng trở lại trong thời gian gần đây khi BKAV dần úp mở thông tin về chiếc Bphone 2 với thông điệp rất cô đọng: "Chất".

Không biết là sự trùng hợp tình cờ hay là một hệ quả của Bphone, từ khi ra mắt chiếc điện thoại này thì kết quả kinh doanh của CTCP BKAV - công ty trung tâm của hệ thống BKAV - không hề được cải thiện mà lại có chiều hướng suy giảm, cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. CTCP BKAV hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Tử Quảng nắm giữ 90% cổ phần.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường VIRAC, doanh thu của BKAV vào năm 2015 - năm ra mắt Bphone - đã giảm 12% so với mức đỉnh 202 tỷ đồng của năm 2014 và tiếp tục giảm xuống còn 163 tỷ đồng vào năm 2016.

Trong khi đó, đầu tháng 6/2015, chỉ ít ngày sau chính thức ra mắt Bphone, phía BKAV thông báo đã bán được hơn 10.000 chiếc. Tạm tính với mức giá 10 triệu đồng thì chỉ riêng số máy này BKAV đã thu về 100 tỷ đồng.

Doanh thu chỉ giảm nhẹ nhưng lợi nhuận của công ty mẹ BKAV lại giảm rất sâu. Từ mức 36 tỷ đồng của năm 2014, lợi nhuận năm 2015 của BKAV chỉ còn chưa đến 6 tỷ đồng và thậm chí báo lỗ trong năm 2016.

Tất nhiên, số liệu bên trên chỉ là của riêng công ty mẹ BKAV. Trong năm 2014, BKAV đã thành lập một số công ty con để kinh doanh một số mảng riêng như BKAV Online, BKAV Smarthome... nên có khả năng doanh thu của công ty mẹ giảm là do đã chuyển doanh thu sang các công ty con. Và cũng rất có thể BKAV đã thành lập một pháp nhân mới để phụ trách mảng kinh doanh Bphone.

Kết quả kinh doanh của cả hệ thống chỉ có thể đánh giá chính xác khi có số liệu hợp nhất của toàn bộ công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết. Do đó, mặc dù kết quả kinh doanh của công ty mẹ BKAV giảm sút rõ rệt từ khi ra mắt Bphone nhưng với thông tin chưa đầy đủ thì cũng chỉ mới có thể coi đó là "hiện tượng" chứ chưa thể đánh giá là do Bphone.

Không loại trừ khả năng BKAV đang hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để đầu tư cho một chiến lược dài hơi.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau đều thành lập các công ty con để phụ trách những mảng kinh doanh riêng biệt để thuận tiện về mặt quản trị. Công ty mẹ lúc này vẫn có thể vẫn trực tiếp nắm giữ một số mảng kinh doanh hoặc đơn thuần chỉ đóng vai trò là một công ty đầu tư tài chính.

Chẳng hạn như đối với VNG, 13 công ty con đóng góp khoảng 1/3 trên tổng số 721 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà công ty game online này đạt được trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, công ty mẹ FPT thuần tuý là một công ty đầu tư tài chính nhận cổ tức từ các công ty thành viên; tất cả các mảng kinh doanh đều có công ty con riêng biệt phụ trách như FPT Telecom, FPT Software, FPT Retail...

Theo Kiến Khang

Từ khóa:  bkav
Cùng chuyên mục
XEM