Lối kinh doanh khác biệt từng đưa 2 anh em người Đức lọt top 10 người giàu nhất thế giới: Chỉ bán hàng giá rẻ, không chạy quảng cáo để tiết kiệm triệt để
Từ tiệm tạp hóa nhỏ của mẹ, 2 anh em nhà Albrecht đã phát triển cửa hàng thành chuỗi siêu thị giá rẻ, với quy mô không kém cạnh những thương hiệu lớn. Yếu tố thành công ẩn sau đó là triết lý kinh doanh cực kỳ đặc biệt và khác biệt.
Khi thế giới thường chú ý đến những thương hiệu nổi tiếng, thì vẫn có những mô hình kinh doanh tập trung hỗ trợ những nhà sản xuất nhỏ tại địa phương. Đó chính là cách hoạt động của Aldi - sáng lập bởi anh em nhà Albrecht. Với phương châm hoạt động "tiết kiệm chi phí hết mức có thể" và đưa chuỗi siêu thị nhỏ lẻ ra các thị trường lớn, họ đã trở thành một trong những người giàu nhất nước Đức vào những năm 2010.
Thay đổi định nghĩa về kinh doanh siêu thị
Xuất thân từ một gia đình không khá giả, cha của 2 anh em Karl và Theo Albrecht là một thợ mỏ, nhưng không may ông lại bị đuổi việc do căn bệnh viêm phổi. Nguyên nhân là do ông làm việc quá sức trong môi trường độc hại. Để nuôi gia đình, năm 1913, mẹ của 2 anh em phải mở một tiệm tạp hóa và đặt tên là "Tiệm tạp hóa Dì Emma".
Trở về từ chiến trường và muốn tránh sự nguy hiểm khi làm việc trong hầm mỏ như cha, 2 anh em nhà Albrecht quyết định tự tìm hiểu về kinh doanh. Karl quyết định làm thuê tại một cửa hàng đồ ăn để lấy kinh nghiệm. Tại tiệm tạp hóa của gia đình, 2 anh em bán nhu yếu phẩm và hạn chế bán đồ dễ hỏng như thực phẩm tươi sống.
Khi bán hàng, họ luôn suy nghĩ rằng người lao động tại khu vực đang sinh sống không quá quan trọng về vấn đề thương hiệu, điều họ cần là các mặt hàng giá rẻ, vừa túi tiền. Do đó, chiến lược kinh doanh đồ giá rẻ của anh em nhà Albrecht đã có hiệu quả, khi người dân nước Đức phải "thắt lưng buộc bụng" do chịu ảnh hưởng từ chiến tranh.
Áp dụng mô hình kinh doanh Cash & Carry (trả tiền mặt và mang đi) của Mỹ, anh em nhà Albrecht đã mở nhiều cửa hàng nhỏ trong những vùng lân cận. Tuy nhiên, họ lại không thể cạnh tranh với các siêu thị khác về quy mô, độ phong phú của các mặt hàng. Theo đó, họ đã thực hiện một bước đi mới, mở cửa hàng siêu thị tạp hóa nhưng bán hàng thiết yếu với việc giảm giá tối đa các dịch vụ để bán với giá thấp nhất.
Từ tiệm tạp hóa nhỏ của mẹ, 1 năm sau thế chiến II, anh em nhà Albrecht đã phát triển chuỗi siêu thị Aldi và khái niệm về siêu thị giá rẻ được ra đời. Kinh doanh với Aldi, 2 anh em thực hiện triệt để nguyên tắc bỏ tất cả những gì có thể để tiết kiệm chi phí. Họ chỉ nhập và bán loại sản phẩm đó nếu biết chắc chắn nó có giá rẻ nhất trên thị trường. Do đó, bí quyết thành công của Aldi là "chất lượng rất cao và giá rất thấp".
Năm 1960, sau những tranh cãi căng thẳng về việc có nên bán thuốc lá hay không, nhà Albrecht tách công ty thành 2 chi nhánh, hoạt động tại 2 khu vực, phía Bắc nước Đức do Theo quản lý có trụ sở tại Essen, Karl quản lý phía Nam và đặt trụ sở tại Mülheim. Chỉ vài năm sau, 2 anh em đã phát triển được 300 cửa hàng với doanh số hàng năm là khoảng 90 triệu DM (đồng tiền tệ cũ của Đức).
Ở thời gian đầu, cả 2 chi nhánh vẫn được quản lý chung và đặt tên riêng cho 2 khu vực – Aldi Nord (khu vực phía Bắc) và Aldi Süd là khu vực phía Nam. Đến năm 1966, Aldi chính thức được tách riêng thành 2 công ty độc lập nhưng có cùng mô hình, hướng kinh doanh ngay cả khi hoạt động ở nước ngoài. Vào năm 1997, 2 anh em nhà Albrecht đã nắm quyền điều hành 3.000 cửa hàng trên khắp nước Đức.
Chưa đầy 1 thập niên sau, 2 công ty này đều mở rộng mạng lưới hoạt động ra khắp thế giới, với số lượng cửa hàng tăng lên với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là sau khi Đức thực hiện "Cuộc tái thiết". Đến năm 2019, chuỗi siêu thị này có hơn 3.200 chi nhánh với 50.000 nhân viên.
Năm 1993, cả 2 anh em rời khỏi chức vụ điều hành và quyền quản trị công ty giao cho những quỹ quản lý tài sản gia đình, Markus Foundation tiếp quản Aldi Nord và Trader Joe’s; Siepmann Foundation điều hành Aldi Süd và thương hiệu Hofer. Tuy nhiên, Aldi vẫn phát triển theo mô hình mà Karl và Theo đã đặt ra.
Tiết kiệm là chiến lược hàng đầu
Ở những năm 2000, Aldi đưa ra nhiều quy tắc khá lạ lẫm đối với thị trường Mỹ, dù là điều quen thuộc với người tiêu dùng Đức. Đó là hệ thống cổng kim loại và cửa quay, yêu cầu khách hàng phải ra ngoài qua cửa kiểm soát, trả tiền mua túi đựng hàng và thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, rất nhiều cửa hàng khi đó đã chấp nhận thanh toán bằng thẻ ghi nợ.
Tại Đức, chuỗi siêu thị này thực hiện một chiến lược rất đặc biệt là không quảng cáo. Toàn bộ chi phí tiết kiệm được do không quảng cáo và không đầu tư đều được đầu tư vào việc mở rộng cửa hàng, hỗ trợ giá, từ đó giá hàng hóa tại Aldi rẻ hơn hầu hết các siêu thị khác.
Dẫu vậy, văn hóa tiêu dùng ở Mỹ và Đức lại không giống nhau. Do đó, Aldi đã "nhập gia tùy tục", thực hiện những chiến dịch quảng cáo theo tuần trên "báo lá cải" và các chương trình giải trí tại quốc gia này. Trong khi đó, tại Anh, quảng cáo của Aldi cũng bắt đầu xuất hiện trên chương trình truyền hình từ giữa năm 2005.
Để tiết kiệm triệt để, 2 anh em luôn nhà người đầu tiên tắt đèn trong cửa hàng để giảm chi phí ở mức nhiều nhất có thể. Ngoài ra, họ còn yêu cầu nhân viên sử dụng bút chì đến khi không thể gọt được nữa và rất ít khi mua sắm quần áo mới.
Ngoài ra, các siêu thị Aldi có ít người phục vụ, họ cắt giảm chi phí trang trí và tận dụng tối đa các giá bày hàng. Nhiều hàng hóa thậm chí được bày trực tiếp ngay bệ gỗ dưới sàn. Chính việc tiết kiệm này đã khiến cho khách hàng Aldi được hưởng giá rẻ hơn các hệ thống siêu thị khác.
Hoạt động kinh doanh khởi sắc, theo thống kê của Forbes, năm 2010, Karl nằm trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản 23,5 tỷ USD và là người giàu nhất nước Đức ở thời điểm đó. Theo qua đời vào năm 2010 và Karl cũng ra đi vào 4 năm sau đó. Lễ tang của 2 người đều được thực hiện cực kỳ đơn giản, chỉ với sự tham gia của rất ít người. Khi mọi việc hoàn tất, dư luận mới biết người giàu nhất nước Đức trong nhiều năm liền đã ra đi.