Lời khai của người trực tiếp trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Hà Nội

06/12/2024 15:06 PM | Pháp luật

Trong phiên đấu giá, Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất nhưng bỏ đấu giá, khiến cho việc đấu giá bất thành.

Lời khai của Phạm Ngọc Tuấn

Hiện, Công an TP Hà Nội đang tạm giữ Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản liên quan tới vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn.

Theo kết quả điều tra ban đầu, hồi tháng 11, Tuấn biết thông tin về buổi đấu giá tại dự án thuộc xã Quang Tiến (Sóc Sơn) nên nhờ Dương mua hồ sơ đấu giá. Để chắc chắn trúng đấu giá, Tuấn thỏa thuận với Thành, Trung, Quân, Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên về việc cùng tham gia, thống nhất nâng giá tại buổi đấu giá.

Cụ thể, Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất. 

Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định. 

Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6); vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. 

Khi đó các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn. Để thực hiện ý đồ, các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn; sau đó Tuấn chuyển khoản tổng số tiền 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.

Lời khai của người trực tiếp trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Hà Nội- Ảnh 1.

Các đối tượng bị tạm giữ (Ảnh: CACC).

Tại phiên đấu giá ngày 29/11, khi phát hiện giá đấu của quá nửa số lô đất vượt mức tối đa dự tính, các đối tượng đã đưa ra các mức giá phi lý, trong đó Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất nhưng bỏ đấu giá, khiến cho việc đấu giá bất thành.

Tại cơ quan công an, đối tượng Phạm Ngọc Tuấn khai nhận: "Lúc đầu em định đi đấu giá nếu được mảnh đất em sẽ bán ăn chênh được vài chục đến 100 triệu/mảnh. Em thấy cái quy chế này nó không được đầy đủ cho lắm, em mới nghĩ ra việc đẩy giá cao. Giá khởi điểm ở vòng 5 rơi vào khoảng 17 triệu/m2 thì em viết là 30 tỷ để em giữ lại và em sẽ đấu ở phiên sau...

... Vòng 1 vòng 2 em hỏi trực tiếp bạn phát phiếu là “em ơi nếu chẳng may anh viết nhầm là 50-60 triệu" thì vòng sau anh không muốn tham gia nữa có được không” thì bạn ý cũng bảo được không sao cả anh ạ. Việc này cũng làm em chủ quan hơn và nghĩ mình không sai luật, mình viết bao nhiêu cũng được", tờ An ninh TV dẫn lời khai của đối tượng Tuấn.

Trước đó, tả lời VnExpress sau phiên đấu giá hôm 29/11, Phạm Ngọc Tuấn từng nói "tham gia đấu giá vì có nhu cầu thật", làm theo "theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp"; tuy nhiên "không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy".

"Hành vi của đối tượng là cố tình phá hoại"

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ với VTV rằng: "Sau khi kết quả đấu giá được công bố, cả hội trường trở nên hỗn loạn. Nhiều người dân bức xúc, và khẳng định rằng hành vi của đối tượng này là cố tình phá hoại".

Lời khai của người trực tiếp trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Hà Nội- Ảnh 2.

Ba thửa đất ký hiệu A12, A13 và C6 đã được một cá nhân trả giá lên tới 30 tỷ đồng/mét vuông (Ảnh: VTV).

Về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 218 BLHS 2015, người vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi sau nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng trở lên:

Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Trong các trường hợp này, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.


 

 

Theo Duy Anh

Cùng chuyên mục
XEM