Lời giải đáp cho bài toán mía nguyên liệu ở Long An
Bước vào niên vụ mới 2016-2017, mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua với giá trên 1 triệu đồng/tấn, cao hơn so với niên vụ 2015-2016. Giá mía cao hơn mọi năm là tín hiệu vui cho người dân trồng mía trên khắp cả nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác tiếp nhận thu mua mía của các nhà máy chưa thực sự hiệu quả gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các hộ nông dân.
Tháng 12, thời điểm công tác thu mua mía nguyên liệu tại Long An đang nhộn nhịp những ngày đầu niên vụ 2016 – 2017. Toàn tỉnh Long An có gần 10.000 ha mía nguyên liệu, trong đó diện tích tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) chiếm đa số với hơn 7.700 ha, giảm khoảng 300 ha so với niên vụ trước. Hiện người dân tại các xã Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mía năm 2016-2017, dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2017. Tỉnh Long An hiện có 2 nhà máy chế biến đường, đảm nhận thu mua mía nguyên liệu của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tình hình tiêu thụ mía nguyên liệu liên tục đối diện với nhiều khó khăn, do nhà máy thường xuyên chậm trễ trong việc tiếp nhận mía nguyên liệu và thanh toán chi phí canh tác, giá mía thu mua đầu vào giảm mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Long An liên tiếp sụt giảm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hạn mặn, ngập lụt trong thời gian dài, năng suất và chữ đường mía niên vụ này thấp hơn so với các niên vụ trước. Giá mía bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, nguy cơ thiếu hụt đường tăng cao… nhiều người dân quay lưng với cây trồng truyền thống này; hiện Long An là tỉnh có diện tích mía giảm nhiều nhất cả nước, hơn 3.000 ha trên tổng số 12.2000 ha của niên vụ 2014-2015.
Ông Nguyễn Như Ba, xã Lương Bình, huyện Bến Lức cho biết: “Gia đình trồng mía được khoảng 20 năm, lúc trước, trồng 10 ha nhưng nay giảm xuống còn 8 ha. Đợt này, nước mặn lấn sâu làm diện tích mía giảm mạnh. Tiền bán mía cũng không được thanh toán đúng thời hạn nên chưa có điều kiện tiếp tục đầu tư. Nhiều hộ trong xã đã chuyển sang trồng cây khác”.
Trước thực trạng này, chính quyền UBND tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh cùng Phòng Nông nghiệp tại các địa phương có vùng nguyên liệu mía tổ chức khảo sát thực địa, gặp gỡ các hộ nông dân để nắm bắt tình hình thực tế, tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể nhằm đảm bảo tổ chức thu mua toàn bộ lượng mía nguyên liệu với mức giá hợp lý. Không chỉ có tổ chức chấn chỉnh công tác thu mua trong địa bàn, mà UBND tỉnh chủ động yêu cầu việc triển khai hợp tác với các đơn vị ngoài địa bàn tỉnh thực hiện thu mua và đầu tư mía. Trên cơ sở đó, từ cuối năm 2014, Sở NN&PTNT Long An cùng với Phòng NN&PPTNT huyện Bến Lức đã thống nhất với Nhà máy đường Biên Hòa Tây Ninh – CTCP Đường Biên Hòa hỗ trợ bao tiêu mía nguyên liệu cho người dân huyện Bến Lức, trong niên vụ 2014-2015 thu mua trên 2.000 ha mía ngoài hợp đồng của 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Bước vào niên vụ 2016 - 2017, bên cạnh việc đảm bảo hiệu suất và giá thành bao tiêu mía nguyên liệu tại Tây Ninh, Biên Hòa Tây Ninh tiếp tục thực hiện đầu tư và thu mua 3.500 ha mía tại huyện Bến Lức theo như đề nghị của chính quyền tỉnh Long An, trên cơ sở điều chỉnh cải tiến các chính sách phù hợp với thực tế sản xuất và đảm bảo lợi ích của người dân. Công tác tổ chức điều phối, sắp xếp lịch thu hoạch hợp lý, hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho người dân Bến Lức, hỗ trợ phân loại và áp dụng mức giá mua mía cố định theo từng nhóm mía được áp dụng để đảm bảo bao tiêu tối đa sản lượng mía cho các hộ dân. Đồng thời, giá thu mua được áp dụng linh hoạt từng thời điểm tùy theo thực tế thị trường, đảm bảo thanh toán chi phí thu mua mía nhanh chóng, định kỳ 2 lần/tuần giúp bà con ổn định đời sống cũng như nguồn vốn đầu tư, tái sản xuất theo đúng thời vụ.
Trao đổi với bà con nông dân huyện Bến Lức, tất cả đều phấn khởi.. Bà Chín Thơm chia sẻ “Mùa năm nay thời tiết khó khăn hơn năm trước nhưng giá thu mua mía cao, nhà máy ở Tây Ninh tới hỗ trợ thu mua và thanh toán tiền mía đúng hạn, đầy đủ nên thu nhập của chúng tôi ổn định hơn, có vốn đầu tư trồng mía mới, yên tâm trồng mía.”
Với phương châm “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi” - hài hòa lợi ích các bên để hợp tác phát triển lâu dài, mong rằng các giải pháp chủ động như trên của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của Biên Hòa Tây Ninh có thể tăng cường hiệu quả thu mua mía, mang lại lợi ích thiết thực và trực diện cho bà con nông dân, yên tâm sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng ổn định cho ngành mía đường Việt Nam.