Lời cầu cứu vô vọng từ ổ dịch chết chóc còn hơn cả "địa ngục Covid" của Ấn Độ, và chẳng ai đáp lại
Người Brazil đang chết dần, nhưng dường như không có được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tình cảnh này, trên thực tế, đến từ một chuỗi những sai lầm.
Làn sóng dịch lớn càn quét. Bệnh viện cạn kiệt nhu yếu phẩm và công cụ. Bệnh nhân bị từ chối, hoặc không dám vào viện. Biến chủng mới ở khắp mọi nơi. Đó là những gì chúng ta nghe là sẽ nghĩ đến Ấn Độ. Nhưng thực ra, còn một quốc gia nữa đang rơi vào tình cảnh tương tự, với tổng số người chết vì Covid-19 hiện tại đứng thứ 2 thế giới. Đó là Brazil.
2 quốc gia đều đang phát triển, có quy mô dân số lớn, và đều là 2 ổ dịch chết chóc. Nhưng phản ứng của thế giới với họ thị khác nhau. Ấn Độ, sau những kỷ lục kinh hoàng đã được Nhà Trắng cung cấp số hàng trị giá 100 triệu USD. Singapore và Thái Lan chung tay hỗ trợ họ về oxy, trong khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước Anh sẽ làm tất cả những gì có thể.
Brazil, nơi có 400.000 ca tử vong với 140.000 trường hợp xảy ra trong vòng 2 tháng qua, lại nhận về sự im lặng. Tháng 3/2021, Tổng thống Jair Bolsonaro kêu gọi các tổ chức quốc tế trợ giúp họ, bao gồm cả các tổ chức của Liên Hợp Quốc (LHQ). Đại sứ Brazil tại Liên minh châu Âu (EU) 2 tuần trước cũng cầu xin được hỗ trợ: "Đây là một cuộc đua để cứu lấy sinh mạng của những người Brazil."
Nhưng những gì họ có chỉ là cái nhún vai và sự chỉ trích, do những sai lầm nghiêm trọng mà họ đã mắc phải trong quá trình chống dịch.
"Những gì xảy ra tại Brazil là một thảm kịch đáng lẽ đã không xảy ra," - một thành viên của Nghị viện châu Âu nói với đại sứ Brazil tại EU trong phiên điều trần tháng trước. "Một thảm kịch đến từ sai lầm."
"Thay vì tuyên chiến với virus, ông Bolsonaro lại chống lại khoa học, vào y tế, vào lẽ thường và sinh mạng con người."
Lời cầu cứu không hồi đáp
Sự đối lập trong cách đối xử của cộng đồng quốc tế với Brazil được Terrence McCoy - nhà báo của Washington Post nhận định là đến từ những thất bại ngoại giao liên tiếp, khiến quá trình chống dịch của quốc gia này trở nên phức tạp hơn. Hình tượng mà Brazil xây dựng trong nhiều thập kỷ đã bị tổn hại khá nghiêm trọng vì phản ứng của ông Bolsonaro, để rồi bị các nước quay lưng vào thời điểm họ cần giúp đỡ nhất.
Những bê bối ngoại giao của ông Bolsonaro bao gồm việc từng bình luận tiêu cực về ngoại hình của phu nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chế nhạo vaccine của Trung Quốc, hay ra mặt lên án Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông đắc cử.
Kể từ đầu đại dịch, chính quyền của ông Bolsonaro cũng đã coi nhẹ sự nguy hiểm của virus corona. Ông kêu gọi người dân sống như bình thường, thay vì áp dụng các biện pháp giãn cách giống như thế giới. Hiện tại, hơn 400.000 người Brazil đã chết vì Covid-19 - được xem là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử loài người, và đang đứng thứ 2 về số người tử vong chỉ sau nước Mỹ.
Hôm 29/4 đánh dấu một ngày chết chóc của Brazil, với 3000 ca tử vong được ghi nhận. Đất nước từng tự hào có rất nhiều láng giềng đồng hành, nay lại trở nên cô độc đến lạ.
"Cả thế giới đang tìm cách giúp Ấn Độ," - Mauricio Santoro, nhà khoa học chính trị từ ĐH Bang Rio de Janeiro nhận định. "Nhưng chẳng ai muốn giúp đỡ Brazil, vì Bolsonaro."
Nước Mỹ trên thực tế đã từng viện trợ cho Brazil khoản hỗ trợ trị giá hơn 20 triệu USD, nhưng chủ yếu là vào mùa xuân năm 2020, trước thời điểm bùng dịch mạnh. Ngoài ra, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao có đề cập đến khoản viện trợ tư nhân khoảng 75 triệu đô, nhưng là từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm 1000 máy thở và 2 triệu viên thuốc hydroxychloroquine.
Một số quốc gia khác cũng có ra tay. Đức từng gửi máy thở cho Brazil khi hệ thống y tế thành phố Manaus sụp đổ. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã gửi vaccine từ chương trình COVAX tới cho quốc gia này. EU và các nước thành viên cũng hỗ trợ 28 triệu USD tư đầu đại dịch. Với lời đề nghị giúp đỡ hồi tháng 3/2021, EU cũng đã phân phối "80.000 đơn vị thuốc khẩn cấp" cho họ.
Tuy nhiên, cái còn thiếu là sự trợ giúp nhiều hơn của cộng đồng quốc tế - hay ít nhất là thể hiện sự đoàn kết giữa những thời khắc tuyệt vọng nhất - là cái giá phải trả cho những chính sách ngoại giao tùy tiện và phớt lờ các tiêu chuẩn phòng dịch được chấp thuận bởi lãnh đạo thế giới, theo nhận định của ông McCoy.
Theo Oliver Stuenkel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Getulio Vargas ở Sao Paulo thì trên thực tế, Brazil chưa bao giờ là đất nước có thể quá độc lập được với thế giới. Mỹ thì khác, họ có thể tự sản xuất vaccine, trong khi Brazil cần phải nhập nguyên liệu từ các nước như Trung Quốc. Chọn gây hấn với các nước khác, đó là một nước cờ sai lầm.
Nhưng điều quan trọng nhất là những người phải trả giá cho sai lầm này lại là dân chúng bình thường. "Người Brazil đang thống khổ và chết dần. Đó là một phần của thảm kịch này," - Michael Shifter, chủ tịch Inter-American Dialogue.
Nguồn: Washington Post